Cứu Nhà hát Opera Sydney cần tới 1 tỷ USD?

23/03/2009 15:10 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Cách đây 43 năm kiến trúc sư Joern Utzon đã bỏ dở giữa chừng công trình xây dựng nhà hát Opera Sydney do những bất đồng về kinh phí và thiết kế. Giờ đây Thủ hiến bang New South Wales, ông Nathan Rees, đang muốn trùng tu nhà hát theo đúng bản vẽ ban đầu của kiến trúc sư Đan Mạch đã quá cố với khoản dự trù kinh phí 1 tỷ USD! Khoản tiền này đang gây nhiều tranh cãi và không nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Kevin Rudd.
 

Chỉ trích giới chức tránh ở bang New South Wales về đề xuất chi 1 tỷ USD cho công trình trùng tu nhà hát Opera Sydney, Thủ tướng Kevin Rudd nói: “Tôi không ủng hộ dự án trùng tu này. Tôi thấy chúng ta nên nghĩ đến việc cải thiện 7.500 ngôi trường tiểu học khắp Australia và nhiều trường trung học. Ưu tiên lớn nhất của tôi lúc này là xây dựng các trường học và tạo công ăn việc làm cho nhiều người”.

Tuy nhiên, ông Richard Evans, Giám đốc điều hành nhà hát thì khẳng định việc nâng cấp công trình kiến trúc 35 tuổi này là hết sức cần thiết khi mỗi năm nhà hát mang lại cho nền kinh tế quốc gia hơn 300 triệu USD. “Việc tu bổ cực kỳ quan trọng vì nhiều phần trong nhà hát đã bị hư hại. Chúng ta cần gìn giữ công trình văn hóa đồng thời là điểm thu hút du lịch này cho thế hệ kế tiếp. Nếu chúng ta để danh tiếng quốc tế của nhà hát suy tàn đi thì đây sẽ là một tai họa cho một thắng cảnh văn hóa của Australia và chứng tỏ rằng chúng ta không có khả năng gìn giữ một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất thế giới”.
 
Nhà hát nổi tiếng nhất thế giới

Hiện nay mỗi năm nhà hát tổ chức khoảng 1.700 cuộc trình diễn lớn nhỏ và thu hút được 7,5 triệu du khách. Mặc dù đang trong khủng hoảng kinh tế, nhưng ông Evans cho rằng giờ là thời điểm thích hợp để xúc tiến việc tu bổ nhà hát bởi như vậy sẽ tạo công ăn việc làm cho hơn 3.000 lao động trong thời gian 7 năm thực hiện trùng tu.

Nhưng không chỉ Thủ tướng Australia, mà ngay cả phe đối lập của bang New South Wales cũng phản ứng mạnh mẽ dự án trùng tu. Họ cho rằng trong thời kỳ khủng hoảng tài chính hiện nay, số tiền đó cần thiết hơn cho các công trình giao thông ở ngoại ô thành phố. Bác lại ý kiến đó, ông Nathan Rees cho rằng: “Tôi thấy từ vài năm trở lại đây việc cấp kinh phí cho nghệ thuật nói chung không được ưu tiên cao như mức mà tôi tin rằng cần thiết phải như vậy đối với một thành phố mang tầm cỡ quốc tế. Lĩnh vực nào cũng cần được đầu tư và nghệ thuật không phải là ngoại lệ. Quá trình gây quỹ cho nhà hát opera Sydney đang được xúc tiến và quan tâm một cách tích cực”.

Trong khi ấy cách đây hai tuần Tổng trưởng tài chính Eric Roozendaal sau khi nghe giới lãnh đạo nhà hát trình bày kế hoạch trùng tu đã cam kết Chính phủ sẽ sẵn sàng cấp kinh phí cho dự án này.

Theo kế hoạch khi xúc tiến trùng tu, công trình này sẽ được sửa lại theo đúng bản thiết kế ban đầu của kiến trúc sư người Đan Mạch JoernUtzon, người đã bỏ dở công trình vào năm 1966 do bất đồng với chính phủ Australia về kinh phí và thiết kế. Năm 2003 ông đã được trao giải Pritzker - được coi là giải Oscar của làng kiến trúc và mới qua đời hồi tháng 11 năm ngoái. Kể từ khi từ bỏ dự án, ông chưa hề trở lại để thăm nhà hát kể cả khi nó khánh thành vào năm 1973. Theo kế hoạch, việc sửa đổi sẽ bao gồm những hạng mục như: Hạ sàn của nhà hát xuống 18m để tăng sức chứa khán giả; chỉnh sửa những sai lầm thiết kế để dẹp bỏ các ghế ngồi mà khán giả chỉ nhìn được một phần sân khấu; tạo các cánh gà mới; mở rộng diện tích cho dàn nhạc do hiện nay quá nhỏ; lắp đặt hệ thống điều hòa mới v.v…

Nhà hát mang hình những cánh buồm hướng ra biển khơi này có diện tích 1,8ha tọa lạc ở cảng Sydney, bang New South Wales. Nhà hát được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới năm 2007. Đây được coi là một trong những công trình đặc trưng nhất thế kỷ 20 và là một trong những trung tâm trình diễn nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới.
 
Lương Tuấn Vĩ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm