Có nên xây mới đền thờ vua Quang Trung?

05/06/2012 09:30 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Giữ nguyên trạng hay thay đổi vị trí tượng đài vua Quang Trung, phục dựng lại miếu Trung Liệt trên gò Đống Đa hay xây một đền thờ hoàn toàn mới cạnh phố Đặng Tiến Đông? Hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra trong cuộc hội thảo Tu bổ, tôn tạo di tích Gò Đống Đa (Hà Nội) vào ngày 4/6.

Đây là dự án hoàn toàn mang tính chất xã hội hóa với chủ đầu tư là Công ty Geleximco của Hà Nội. Đơn vị tư vấn chuyên môn là Viện bảo tồn di tích Việt Nam - nơi trực tiếp tổ chức cuộc hội thảo chuyên môn này.



Tượng đài Quang Trung tại gò Đống Đa sẽ được giữ nguyên trạng?

Nhếch nhác vì... quy hoạch dở?

Rộng gần 22.000m2 và được xây dựng vào năm 1989 nhân kỷ niệm 200 năm đại thắng xuân Kỷ Dậu (1789-1989), di tích Gò Đống Đa gồm nhiều hạng mục như gò Đống Đa và cổng miếu Trung Liệt, đường vào tường rào, cụm công viên văn hóa bao gồm tượng vua Quang Trung đúc bằng xi măng, phù điêu, sân, nhà Ban quản lý... Hiện nay, sau hơn 20 năm, cụm tượng và phù điêu trong quần thể này đã xuống cấp trầm trọng. Một phần lớn số đất trong quần thể bị cho thuê để kinh doanh, dùng làm bãi để xe ô tô. Bởi thế, một số chuyên gia đã không ngần ngại sử dụng cụm từ “nhếch nhác” khi nói về thực trạng quần thể này.

PGS Đặng Văn Bài (Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa VN) phân tích: Quy hoạch dự án cũ quá nhấn mạnh vào 2 hạng mục là tượng đài Quang Trung và nhà trưng bày mà gần như bỏ qua di tích quan trọng nhất là gò Đống Đa. Đồng thời, cổng chính của quần thể lại được đặt tại con đường ngách Đặng Tiến Đông, trong khi cổng phụ mở ra đường lớn Tây Sơn, dẫn tới việc cắt vụn không gian chung. Hệ quả: hạng mục “hiện đại” trong quần thể là tượng đài Quang Trung lại trở thành phần chính và khiến du khách “bỏ quên” gò Đống Đa khi đi thẳng từ cổng phụ vào. Trong khi đó, khoảng sân trước gò, nơi đáng lẽ được đặt nghi môn để bắt đầu “trục thần đạo” trong mỗi di tích lại bị biến thành nơi cắt tóc, bán cây cảnh...

Theo nhà điêu khắc Trần Hùng, (đã từng tham gia dự cuộc thi sáng tác tượng đài Quang Trung năm 1989), dự án công viên di tích gò Đống Đa ban đầu từng có quy mô vươn rộng không gian ra tận đường Thái Hà và Hoàng Cầu. Vì nhiều lý do, việc di dời các hộ dân tại 2 phía này không thực hiện được, từ đó công viên - di tích Đống Đa rơi vào cảnh... mất cân đối như vậy.

Xây miếu thờ Quang Trung hay thờ... Hoàng Diệu?

Được công ty Geleximco tự nguyện đóng góp toàn bộ kinh phí, Viện Bảo tồn di tích VN đã đưa ra 3 phương án tôn tạo cụm công viên - di tích này. Bên cạnh việc quy hoạch lại không gian và cải tạo các hạng mục hạ tầng như sân vườn, cây xanh, hệ thống chiếu sáng, sự khác biệt của 3 phương án này nằm ở việc xử lý cụm tượng đài Quang Trung (kèm cả phù điêu sau lưng) và nền miếu Trung Liệt trên đỉnh gò. Cụ thể, phương án 1 đề nghị giữ nguyên cụm tượng đài và phục dựng lại miếu Trung Liệt (hiện chỉ còn cổng và nền cũ). Phương án 2 đề nghị đặt 1 lầu bát giác tại nền miếu Trung Liệt và xây mới một đền thờ vua Quang Trung gần tượng đài.  Phương án 3: chỉ xây đền thờ vua Quang Trung. 

Đáng nói, theo các tài liệu được GS sử học Lê Văn Lan đưa ra tại hội thảo, miếu Trung Liệt khi còn tồn tại trên đỉnh gò Đống Đa lại có nội dung... không ăn  nhập gì tới vua Quang Trung và chiến thắng Ngọc Hồi. Đây là ngôi miếu được Hoàng Cao Khải xây vào thế kỷ 19 (không liên quan gì tới một miếu Trung Liệt khác được xây vào thời Lê) nhằm thờ một số trung thần nhà Nguyễn như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, sau đó bị phá bỏ cách đây nhiều năm. “Nhiều tài liệu đã khẳng định về sự... tréo giò này” - GS Lan nói - “Công bằng thì việc thờ các nghĩa sĩ thời Nguyễn là đúng, nhưng đặt vào gò Đống Đa thì hơi... lạc lõng”.  

“Tôi ủng hộ phương án 1, với đề nghị để nguyên hiện trạng tại Trung Liệt miếu chứ không phục dựng. Nếu muốn có một ngôi đền thờ Quang Trung để tăng tính “thiêng” cho di tích, thì hãy xây riêng một ngôi đền trên đỉnh gò Đống Đa. Còn hợp lý nhất, chỉ cần đặt một bát hương lớn dưới chân tượng đài để du khách tôn vinh Ngài” - GS Lan nói.

Cùng chung quan điểm với ông Lan, PGS Đặng Văn Bài cho biết: Nếu phục dựng miếu Trung Liệt để “phối thờ” Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu tại quần thể, cụm di tích này bỗng thành... khập khiễng bởi “nhân vật chính” là Hoàng đế Quang Trung lại không có miếu thờ. Mà trong quần thể di tích này, vị trí của vua Quang Trung cần được đặt ở nơi trang trọng và linh thiêng nhất.

“Ngay cả việc xây mới một đền thờ vua Quang Trung cũng là điều cần bàn. Thực tế, ngoài đền thờ 3 anh em Nguyễn Nhạc tại Bình Định, chúng ta mới chỉ có duy nhất một đền thờ vua Quang Trung tại Nghệ An” - ông Bài nói - “Nếu xây tại Hà Nội, quy mô cụm di tích có lẽ phải điều chỉnh mở rộng cho xứng với tầm vóc của một vị hoàng đế trong lịch sử. Và khi ấy, có thể sẽ nhiều người thắc mắc về việc Hà Nội đang thiếu vắng đền thờ của hàng chục vị hoàng đế các thời Lý, Trần, Lê... khác”.

Dự kiến, phương án tu bổ, tôn tạo cụm di tích gò Đống Đa sẽ còn trải qua nhiều khâu lấy ý kiến trước khi thực hiện.

Chiêu Minh


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm