Có nên 'khai ấn' ở Hoàng thành Thăng Long?

24/02/2016 11:46 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Dù còn đang trong quá trình lấy ý kiến, ý tưởng tổ chức khai ấn tại Hoàng Thành Thăng Long (HTTL) đã nhận về khá nhiều những phản hồi trái ngược từ giới nghiên cứu lịch sử và di sản.

Trước đó, như Thể thao &Văn hóa (Thông tấn xã VN) đưa tin, lễ khai ấn tại HTTL được tổ chức vào ngày 16/2 vừa qua. Tuy nhiên, vì mang tính chất thử nghiệm, nghi thức này được tiến hành kín, đồng thời các lá ấn cũng gần như không được phát cho du khách.

Rất nên “khoe”

“Chiếc ấn cổ Sắc mệnh chi bảo không chỉ là một di vật đơn thuần. Với hàng trăm năm lịch sử đi kèm, phần giá trị phi vật thể gắn kết với nó cũng vô cùng phong phú” – TS Nguyễn Văn Sơn, nguyên giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội (đơn vị quản lý HTTL), chia sẻ.

Sự thực, hầu hết các chuyên gia cũng có chung quan điểm với TS Sơn khi trao đổi cùng TT&VH. Theo đó, dù còn những tranh cãi về niên đại, chiếc ấn cổ Sắc mệnh chi bảo được tìm thấy tại đây vào năm 2012 vẫn xứng đáng là một “bảo vật đặc biệt” mà HTTL cần tạo điều kiện để du khách tiếp cận rộng rãi, thay vì chỉ trưng bày đơn thuần.


Các nghi thức tại lễ hội Xuân HTTL có cần bổ sung thêm phần “khai ấn”?

“Bản thân việc chiếc ấn được tìm thấy tại Hoàng Thành, nơi tồn tại như một biểu tượng chính trị của nước Việt trong suốt cả ngàn năm, cũng đã vô cùng có ý nghĩa.” – PGS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ VN, cho biết thêm. “Chưa kể, từ góc độ phân tích thư pháp và đối chiếu sử liệu, một số chuyên gia cũng đã có những cơ sở bước đầu để đặt giả thiết rằng đây chính là chiếc ấn gỗ nổi tiếng được vua Trần Thái Tông cho làm năm 1257”.

Cần nói thêm, ngay từ cuối năm 2014, trong một cuộc tọa đàm về khai thác du lịch tại HTTL, nhiều ý kiến cũng cho rằng phía quản lý đang để “lãng phí” tiềm năng của chiếc ấn đặc biệt này.

Nhưng có nên “khai ấn”?

Thế nhưng, với những lộn xộn từng xảy ra tại lễ phát ấn đền Trần (Nam Định) trong vài năm qua, các chuyên gia cũng khá dè dặt quanh ý tưởng tổ chức một nghi thức tương tự tại HTTL. Và, với những ý kiến tán thành, một yêu cầu quan trọng vẫn được lên hàng đầu: tuyệt đối không thể biến việc phát các dải ấn thành một hoạt động mua - bán thương mại.

“Làm như thế nào thì sẽ phải bàn mệt. Và thẳng thắn, nếu làm,chúng ta cũng nên nhìn những dải ấn được tặng như một món quà lưu niệm giàu tính văn hóa, thay vì việc cầu lợi cầu danh” – PGS Tống Trung Tín nói thêm. Tương tự, PGS Nguyễn Quang Ngọc gợi ý: việc tổ chức khai ấn, tặng ấn chỉ nên diễn ra trong một ngày và đi kèm với việc thông tin rộng rãi tới du khách về nguồn gốc, cũng như ý nghĩa của chiếc ấn cổ để tránh những thông tin sai lạc.


Chiếc ấn Sắc mệnh chi bảo đang được trưng bày tại HTTL

Tuy nhiên, đi xa hơn, GS Ngô Đức Thịnh (GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Tín ngưỡng) khẳng định: việc tổ chức khai ấn tại HTTL chưa nên được thực hiện, ít ra là ở thời điểm này. Bởi, cho dù hướng tới mục đích tốt, giàu tính văn hóa, nghi thức này cũng rất khó tránh khỏi bị biến dạng trước cơn sốt “thèm ấn” của du khách hành hương vài năm nay.

Với con mắt của một chuyên gia về bảo tàng, PGS Nguyễn Văn Huy (nguyên Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia), chia sẻ thêm: việc khai thác giá trị của ấn cổ có thể tiến hành theo rất nhiều cách, thay vì sa vào lối mòn phát ấn.

“HTTL là di sản văn hóa thế giới, chứ không phải là đền chùa. Du khách cần được tiếp cận với giá trị văn hóa lịch sử của chiếc ấn cổ, thay vì đi theo góc độ tâm linh” – PGS Huy nói thêm - “Kèm theo phần giới thiệu, chúng ta có thể bày bán những bưu thiếp in hình ấn cổ, làm những món đồ lưu niệm bằng gỗ, hoặc tạo ra những chiếc ấn để du khách trải nghiệm, tự đóng lên các món đồ của mình để ghi dấu một lần tới HTTL. Đó là cách làm bền vững và giàu tính văn hóa nhất”.

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm