Chiếu 'Công binh, đêm dài Đông Dương', trang sử đau thương của 2 vạn thanh niên Việt

31/05/2016 06:50 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Bộ phim Công binh, đêm dài Đông Dương, trang sử đầy bi thương của người Việt mà người Pháp hòng muốn che giấu sẽ được chiếu tại L'Espace Hà Nội vào tháng 6 năm nay.

Đầu năm nay khán giả đã được xem những lát cắt lịch sử về sự kiện 20.000 thanh niên Việt Nam bị cưỡng bức sang Pháp làm công binh trong chương trình Gala Ngày trở về - Dấu chân người Việt phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam. Với thời lượng giới hạn, chương trình mới chỉ nêu được những nét chấm phá về số phận đầy bi thương của 20.000 con người Việt Nam trên đất Pháp. Vào tháng 6 này, khán giả sẽ có cơ hội xem bộ phim Công binh, đêm dài Đông Dương của đạo diễn Lê Lâm, cung cấp một cái nhìn toàn diện hơn về sự kiện này.


Poster phim "Công binh, đêm dài Đông Dương"

Trước khi Thế chiến II bùng nổ, chính quyền thực dân Pháp đã cưỡng bức 2 vạn thanh niên Việt Nam sang Pháp thay thế công nhân trong các xưởng sản xuất vũ khí phải ra trận chống phát xít Đức. Những lính thợ Việt Nam đã sống một cuộc đời một cổ hai tròng, họ không chỉ bị quân đội Hitler hành hạ mà còn bị các ông chủ Pháp bóc lột tàn tệ. Khi chiến tranh kết thúc không phải ai cũng có thể trở về quê nhà. Họ đã ở lại đất Pháp lấy vợ, sinh con đẻ cái. Những người Việt Nam đã biến Carmague miền Nam nước Pháp, trở thành vựa lúa đầu tiên của đất nước này.

Nỗi nhớ thương quê hương, ly tán người thân đã trở thành cơn đau thường trực trong lòng những người lính thợ. Dù ở Pháp nhưng họ vẫn một lòng hướng về quê hương, ủng hộ cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy vậy một số người trong họ khi về nước đã bị hiểu lầm là kẻ phản Quốc vì từng làm việc cho nước Pháp.


Rối nước, một ẩn dụ cho 20.000 công binh là những con rối bị chính quyền thực dân cưỡng ép sang Pháp làm lính thợ.

Trong Công binh, đêm dài Đông Dương, đạo diễn Lê Lâm đã ghi lại lời của 20 nhân chứng trong số 20.000 thanh niên Việt Nam bị cưỡng bức sang Pháp làm công binh. Ông đã sử dụng nghệ thuật múa rối nước như một ẩn dụ 20.000 công binh là những con rối bị chính quyền thực dân cưỡng ép sang Pháp làm lính thợ.

Bộ phim đã đoạt giải đoạt Licorne d'Or tại LHP Amiens vào năm 2012 và đoạt giải nhất của hội đồng giám khảo của Liên hoan Pessac và hai đề cử tại Festival Amterdam lần thứ 25 và tại Festival phim Hong Kong lần thứ 37.


Trailer phim "Công binh, đêm dài Đông Dương"

Công binh, đêm dài Đông Dương khởi chiếu từ 5 đến 26/6 tại L'Espace, 24 Tràng Tiền. Một cuộc hội thảo, gặp gỡ với Đạo diễn Lê Lâm sẽ diễn ra vào ngày 16/6 vào lúc 17h30 tại L’Espace.

Đạo diễn Lê Lâm sinh năm 1948 tại Hải Phòng, ông sang Pháp du học từ năm 1966 tại trường Bách Khoa (École Polytechnique) nhờ chương trình học bổng. Ông được biết với vai trò là đạo diễn, biên kịch của nhiều tác phẩm về Đông Dương như Long Vân Khánh hội (1981), Đế chế tàn vụn (1984), 20 đêm và Một ngày mưa (2006) và Công Bình, đêm dài Đông Dương.

Trong những năm gần đây ông thường được mời về làm giám khảo LHP Quốc tế Hà Nội, Giải Cánh diều.

Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm