Cát-sê kịch nói TP.HCM: Thấp và nan giải!

22/05/2012 10:24 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - NSƯT Việt Anh từng thẳn thắn: “Thù lao một vai kịch, diễn tập ròng rã, diễn triền miên không bằng một phân đoạn phim truyền hình, mỗi ngày có thể quay cả chục phân đoạn”. Tất nhiên, thực tế cũng cho thấy ít nghệ sĩ nào ở TP.HCM “sống chay” với cát-sê kịch, mà còn phải chạy sô phim ảnh, làm MC, làm giám khảo hay tham gia các sự kiện. Thực tế này đẩy kịch nói TP.HCM đến chỗ hao mòn diễn viên giỏi, nổi tiếng hoặc không thể chuyên nghiệp đúng nghĩa.

Cũng xin nhắc lại, 6-7 sân khấu kịch thường xuyên sáng đèn ở TP.HCM đều hoạt động theo mô hình xã hội hóa. Ngoài chuyện thuê mặt bằng, đóng thuế và tự cân bằng thu chi, họ còn có một áp lực lớn là phải tìm và giữ chân ngôi sao, gương mặt nổi tiếng cho sân khấu của mình. Quay qua ngoảnh lại thì mỗi sân khấu chỉ có khoảng 4-5 gương mặt hạng A đủ sức thu hút bán vé, một hai sân khấu thì có ngôi sao như IDECAF (NSƯT Thành Lộc), Nụ Cười Mới (danh hài Hoài Linh)… Thế nhưng, giữ chân một nghệ sĩ kịch thật không dễ dàng chút nào, bởi ngay cả ngôi sao mà có diễn kịch miệt mài, mỗi suất khoảng 1,5 triệu đồng cát-sê, thì với địa vị của họ, sống được cũng rất chật vật.



NSƯT Thành Lộc và NSƯT Hữu Châu hai nghệ sĩ hạng nhất của Kịch IDECAF, gần đây họ cũng phải dành nhiều thời gian cho phim và các chương trình truyền hình

Bị phim bóp chết

Được biết, Kịch Hồng Vân trả cho diễn viên hạng A từ 1 triệu đến 1,5 triệu đồng/ 1 suất, hạng B khoảng 7-8 trăm ngàn, hạng triển vọng chừng 5 trăm ngàn, diễn viên trẻ 3-4 trăm ngàn, vai quần chúng 1-2 trăm ngàn đồng. Mức thù lao này cũng là phổ biến nếu so với các sân khấu IDECAF, Thế Giới Trẻ, Nụ Cười Mới, Hoàng Thái Thanh…; với số ghế ngồi ít hơn, Kịch 5B hay Bệt có mức thù lao thấp hơn một chút.

Nghệ sĩ hạng A như NSƯT Hữu Châu thì có cát-sê khoảng 1,2 triệu đồng/ 1 suất tại IDECAF; diễn viên hút khách phòng vé như Thái Hòa nhận được 1 triệu đồng tại Kịch Hồng Vân. Với sức hút mạnh mẽ của mình, thế nhưng thù lao của Hoài Linh hay Thành Lộc cũng chỉ nhỉnh hơn một chút khi diễn tại sân khấu nhà. Trường hợp như Hoài Linh - chuyên gia lấp ghế trống, nghĩa là có anh thì có khách, ngay cả với các live show của nghệ sĩ cải lương chưa đủ tiếng tăm -  việc anh ít diễn ở Nụ Cười Mới cũng là điều dễ hiểu. Vì không nói ai cũng biết, chạy sô hay đi diễn tỉnh lúc nào cũng bội thu hơn “ngồi sô” ở sân khấu nhà.

Thế nhưng, việc chạy sô chưa phải lý do làm họ xao nhãng sân khấu, vì đó vẫn là chuyện lâu lâu mới gặp. Với bản lĩnh diễn xuất và đài từ tốt, nếu họ có nhan sắc hoặc đã có tiếng, diễn viên kịch tại TP.HCM luôn được các hãng phim truyền hình mọc lên như nấm sau mưa săn đón. Nếu vào vai chính, họ thường được trả 4-6 triệu/ 1 tập, quay trung bình 2 ngày một tập; nếu vào vai phụ, họ được trả theo phân đoạn, mỗi ngày quay cả chục phân đoạn, mỗi phân đoạn được trả 2-3 trăm ngàn. Một diễn viên kịch trẻ, mỗi ngày có thể quay 20-25 phân đoạn, tương đương 30-35 trang kịch bản (mỗi tập phim khoảng 40-45 trang).

Đạo diễn Xuân Phước từng cho biết: “Các diễn viên đóng vai chính cát-sê 5-6 triệu đồng/ 1 tập. Những diễn viên dù không đóng vai chính nhưng xếp vào hạng A được ký hợp đồng theo phân đoạn. Giá cũng dao động từ 4-5 trăm ngàn đồng/ 1 phân đoạn. Trong khi đó diễn viên phụ chỉ khoảng 2-3 trăm ngàn đồng/ 1 phân đoạn”.

Chưa có đáp số

Tuy nhiên, không phải nghệ sĩ sân khấu kịch nào cũng đi đóng phim được, dù khá giỏi nghề. Nếu thiếu ngoại hình, họ phải bám trụ tại sân khấu để trở nên nổi tiếng thì mới mong được kêu đi phim. Như một cái vòng luẩn quẩn, khi đã được kêu đi phim rồi, vì cát-sê cao hơn và được công chúng biết đến nhiều hơn, họ lại hết thời gian để diễn kịch.

Phải nói thêm rằng, sân khấu kịch TP.HCM hiện nay đang chịu sự thách thức và phân hóa nghiêm trọng, làm cho nhiều nghệ sĩ muốn xả thân cho kịch càng thêm khó sống. Bởi làm người ở lại quả là khó, vì khi người nổi tiếng đã đi phim, khán giả ít khi chịu mua vé vào xem kịch, nên nhiều vở bị chết non, ế khách. Ngay cả các vở xuất sắc cũng khó sáng đèn nếu các diễn viên đinh hoặc nổi tiếng bị kẹt sô ở bên ngoài. Bởi sân khấu khác phim ở chỗ khán giả, nhiều người sẵn sàng xem một vở đến 20 lần vì mê sự diễn xuất của một nghệ sĩ nào đó.

Một điều đáng nói khác, sức chứa lớn nhất của các sân khấu tư nhân ở TP.HCM không quá 500 ghế, giá vé thì gần như bằng vé xem phim rạp tiêu chuẩn (trung bình khoảng 100 ngàn đồng), làm sao có thể trả cát-sê cao cho nghệ sĩ. Mà khi không có thù lao cao thì khó giữ chân được người nổi tiếng, khó bán vé và đương nhiên, khó luôn cho bầu sô sân khấu hoặc những người chỉ “sống chay” với sân khấu kịch.

NSƯT Anh Tú (Nhà hát Tuổi Trẻ, Hà Nội) từng “bật mí” cát-sê của mình: 300 ngàn đồng/ 1 suất diễn. Tất nhiên, nghệ sĩ thuộc đoàn nhà nước thì còn có lương, khen thưởng và các khoản khác. Một nữ nghệ sĩ cho biết, thông thường tại các sân khấu Hà Nội, cát-sê theo quy định vào khoảng 80 ngàn đến 150 ngàn/ 1 suất, NSƯT thì cộng thêm 50 ngàn đồng.

Sân khấu xã hội hóa đã và đang là niềm tự hào của kịch nói TP.HCM, thế nhưng trước bài toán cát-sê còn thấp như hiện nay, các sân khấu chỉ còn biết trông chờ vào cái tình của các nghệ sĩ nổi tiếng. Một, hai ông bà bầu cũng muốn tăng lương nhưng nhìn vào số ghế và giá vé, đành bất lực. Bởi với mặt bằng giá vé khá đồng đều nhau, ai cũng sợ tăng giá thì mất khách, mà để nguyên thì mất ngôi sao.

Văn Bảy



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm