50 năm 'Tiếng chày trên sóc Bom Bo' thần thoại

19/05/2016 13:24 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 14/5 là ngày tròn 20 năm ngày mất của nhạc sĩ Xuân Hồng, người nhạc sĩ cách mạng đã để lại cho đời nhiều bài hát nổi tiếng như Bài ca may áo, Xuân chiến khu, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh, Mùa xuân bên cửa sổ… Trong số đó, bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo có một sức sống vượt trội. Năm nay, bài hát này cũng vừa tròn tuổi 50.

Tiếng chày trên sóc Bom Bo là một trong những bài hát mà nhạc sĩ Xuân Hồng tâm đắc nhất và cũng là bài hát mà ông thai nghén lâu nhất cho đến khi “khơi dòng tuôn chảy cho một tiềm năng đã được tích tụ”.

Từ tiếng chày giã gạo ngày Tết…

Âm thanh của nhịp chày giã gạo ngày tết đã đi vào tiềm thức của nhạc sĩ Xuân Hồng từ khi ông còn rất nhỏ. Tiếng giã ấy vừa mang tính biểu tượng của việc sản xuất mà cũng mang thêm cả tập tính văn hóa.

Trong cuốn Nhạc và Đời, nhạc sĩ Xuân Hồng có kể lại: “Muốn giã cho nhanh phải giã chày ba, chày tư (ba, bốn người cùng giã một cối), rất nhịp nhàng, rộn rã, có tính chất nghệ thuật và bao giờ cũng tổ chức giã vần công, xong nhà này sang nhà khác, hết xóm này đến xóm kia mà hầu hết là lực lượng thanh niên trai gái.

Bên cạnh cuộc thi sức dẻo dai, phía con trai có ý khoe vai to, ngực nở, phía con gái kín đáo hơn nhưng cũng muốn được in vào mắt các chàng trai những đường cong, nét uốn, cái nết na, thùy mị, đoan trang... và những cuộc tập hợp ấy bao giờ cũng mang không khí thi tài, bên cạnh lao động còn có hò hát, đố vui, kể chuyện hoặc chơi các trò thi sức như kéo co, đẩy cây”.

Nhạc sĩ Xuân Hồng

Nhạc sĩ Xuân Hồng đã tham gia sinh hoạt ấy từ khi còn chưa cầm nổi cái chày 2 mét cho đến lúc trái tim đã biết rung động khi lén nhìn vào mắt một bạn gái mà mình để ý. Những đêm trăng vằng vặc, tiếng chày giã gạo “cụp cum” đã in vào hồn ông như một kỷ niệm đẹp nhất và ký ức đẹp ấy ông đã mang theo trong cuộc chiến trường kỳ từ thời Pháp sang đến kháng chiến chống Mỹ.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, lúc công tác ở Huyện đoàn Thanh Niên cứu quốc, ông thường xuyên đi vào quần chúng thanh niên để vận động phong trào. Lúc bấy giờ nhạc sĩ đã có một ít vốn liếng âm nhạc, có cả một tủ bài hát, có cây đàn trên vai để làm phương tiện tập hợp thanh niên. Các cuộc vận động tiếp tế cho bộ đội, những đêm trăng sáng trong vùng tự do ở nông thôn, tiếng chày giã gạo “cụp cum” đã gợi lại những kỷ niệm, những ước mơ thầm kín, niềm thương nhớ mông lung và ông bắt đầu có ý định sáng tác một bài hát về “Tiếng chày giã gạo”.

Trước khi bài hát chính thức ra đời vào năm 1966 thì gần 10 năm trước đó ông đã thai nghén những ý tưởng. Đã có lần ông ghi nhạc, đặt lời xong nhưng nghe không thích lại cất đi và sau đó quên bẵng vì “nét nhạc phác thảo ấy quá dở”.

Cuộc kháng chiến chống Pháp đi qua, điều ông mơ ước vẫn chưa thực hiện được. Tiếp theo đó, những tháng năm ở lại hoạt động bí mật ở miền Nam, hoàn cảnh công tác, phương châm bí mật càng không có điều kiện để làm được điều đó.

Bắt đầu cuộc kháng chiếng chống Mỹ, ông được điều động về lực lượng võ trang, phải làm bao nhiêu công việc khác nhau và hầu như không dính dáng về âm nhạc nên niềm mơ ước ngày nào vẫn cứ trôi đi. Mãi đến khi được điều động về làm trưởng đoàn Văn công Quân Giải phóng Miền Nam thì ông mới bắt đầu hâm lại ước mơ đó.

Nhưng ước mơ là một điều rất khó thực hiện trong điều kiện chiến tranh. Trong những năm hoạt động nghệ thuật, hoài bão viết về “Tiếng chày giã gạo” luôn được ấp ủ nhưng nhạc sĩ Xuân Hồng không thể tìm lại được hình ảnh đêm trăng giã gạo đầy thơ mộng ngày xưa bởi cuộc kháng chiến chống Mỹ vô cùng ác liệt, bom loạt, pháo bầy có thể trút xuống bất cứ nơi đâu và bất kể lúc nào.

Đến lúc ấy nhạc sĩ Xuân Hồng đã nghĩ rằng tất cả chỉ còn là mơ ước và những kỉ niệm thì cứ lùi mãi xa thêm. “Có đôi khi tôi muốn viết bằng những hồi ức của mình cộng với sự tưởng tượng thêm nhưng không tài nào làm được”, ông kể lại trong cuốn hồi ký.

… đến tiếng chày trong khói lửa chiến tranh

Nhưng rồi dịp may đã đến khi ông được tham gia chiến dịch Đồng Xoài (6/1965) với tư cách là nhạc sĩ đi thâm nhập thực tế. Trong chiến dịch này, một cánh quân chủ lực của ta phải bí mật hành quân lên hướng mở ra chiến dịch. Vì phải giữ yếu tố bí mật, bất ngờ nên đơn vị phải cắt rừng mà đi, không được nhập lương thực ở các trạm quân lương có nhiều đơn vị khác lui tới.

Ban chỉ huy được lệnh hành quân đến điểm X để nhận gạo. Nơi đó chính là sóc Bom Bo (nay là ấp I của xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, Bình Phước).

Sóc Bom Bo lúc đó có chưa tới một trăm gia đình người dân tộc S’tiêng, nhân dân một lòng theo cách mạng, họ hoàn toàn sống tự lực cánh sinh, tự làm nương rẫy, trồng lúa trồng khoai lấy lương thực. Những năm thất mùa họ hoàn toàn ăn củ khoai rừng để sống.

Xuân Hồng - nhạc sĩ của mùa Xuân

Xuân Hồng - nhạc sĩ của mùa Xuân

Xuân Hồng - nhạc sĩ kỳ cựu của dòng nhạc cách mạng Việt Nam được người yêu nhạc gọi là nhạc sĩ của mùa Xuân, không chỉ vì tên ông là Xuân Hồng mà còn bởi mùa Xuân là chủ đề ưa thích trong các sáng tác của ông.


Không muối, họ đốt cỏ tranh lấy tro ăn thay muối; không dầu đèn, họ chỉ thắp sáng bằng đuốc lồ ô. Họ sẵn sàng ăn củ rừng để nhường gạo cho cách mạng, họ ăn lạt, ăn tro để dành muối cho bộ đội. Đàn ông mặc khố, con gái ở trần, đời sống vật chất họ nghèo khổ đến tột cùng nhưng lòng yêu nước của họ thì tuyệt vời, khó mà đo được.

Tập quán của người S’tiêng là giã gạo ngày nào ăn ngày nấy và giã gạo là công việc của phụ nữ. Lúc ấy, giữa lúc ngày mùa, lúa trên nương đang chín rộ, ngày ngày máy bay do thám của giặc quần đảo phát hiện những đám lúa nào vàng thì chúng ném bom napam thiêu hủy để triệt nguồn sống của người dân và người dân ở đây đã nhiều năm bị đói và địch họa.

Nhưng lúc nhận được chủ trương của Đảng cần gấp mấy tấn gạo tiếp tế cho bộ đội đi đánh giặc thì già làng Điểu Đếch, cùng với Điểu Tơi, Điểu Lên và những người cốt cán đã quyết định đưa ra khẩu hiệu “Toàn dân sóc Bom Bo giã gạo”, không phân biệt trẻ, già, trai, gái, phá bỏ một tập quán ngàn đời của người dân tộc S’tiêng và giữa lúc phải giành lấy miếng ăn mà kẻ thù chực cướp, nên “giã gạo ban đêm vì ngày bận làm mùa”.

Thế là đêm đêm, ánh đuốc lồ ô bập bùng thắp sáng, tiếng chày giã gạo thâu đêm đã vẽ nên bức tranh hùng tráng tuyệt vời, như trong thần thoại... Nhạc sĩ Xuân Hồng kể lại rằng “Tôi như người đang xem một phòng triển lãm sống hay đọc một chuyện cổ tích ngàn xưa”.

Đêm giã gạo trên sóc Bom Bo năm ấy không giống cảnh đêm trăng giã gạo năm nào ở quê cả về hình thức lẫn nội dung, nhưng cảnh thiên nhiên hùng vĩ và lao động hăng say ấy đã khơi dậy trong tim nhạc sĩ những kỷ niệm, những ấp ủ từ lâu.

 Âm hưởng của những tiếng chày năm nào hòa quyện vào nhịp điệu của tiếng chày hôm nay đã làm trỗi dậy trong ông nguồn cảm hứng, khơi dòng cho giai điệu, tiết tấu của bài Tiếng chày trên sóc Bom Bo được chính thức ra đời. Cùng lúc đó, nhà thơ Võ Hồng Sơn ở ban Chính trị Đoàn 2 cũng cho ra đời bài thơ "Ánh đuốc lồ ô trên căn cứ Nửa Lon..." với cảm xúc gần như giống nhau nên nhạc sĩ Xuân Hồng đã tham khảo thêm cho sáng tác của mình.

Sau khi ra đời, bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo được dựng cấp tốc và phát trên Đài phát thanh Giải phóng đã tạo nên một sức hấp dẫn đặc biệt, hào hùng như huyền thoại đẹp của người S'tiêng giàu lòng yêu nước: “Ðuốc gần tàn nhịp chày thêm rắn rỏi/ Bóng trăng lên vừa khỏi đỉnh đồi cây/ Người chưa ngơi đã sẵn có người thay/ Cối gạo vơi đi và rồi gạo lại đầy...”.

Và cũng từ đó, sóc Bom Bo gần như trở thành quê hương thứ 2 của nhạc sĩ Xuân Hồng. Sau giải phóng, ông thường xuyên về thăm lại Bom Bo, người dân ở đây xem ông như anh em, như một người S’tiêng Bom Bo, có lần ông về còn được người đến rước bằng voi. Ngày ông mất (14/5/1996), rất đông đồng bào Bom Bo đã về TP.HCM viếng ông.  

Bom Bo giờ không còn tiếng chày khuya, đã vắng hẳn “Khúc nhạc đêm nay dùng nhịp đệm bằng chày” mà thay bằng cơ giới hóa và nhà ngói bê tông cùng chợ thị đã sầm uất hẳn lên. Nhưng bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo thì vẫn ở đó, như thể: “Về đường này thăm sóc Bom Bo/Lại nghe tiếng chày nhịp nhàng trên sóc Bom Bo”...

Cùng nghe Tiếng chày trên sóc Bom Bo qua tiếng hát của NSƯT Tuyết Thanh:


Sau giải phóng, nhạc sĩ Xuân Hồng thường xuyên về thăm lại Bom Bo. Người dân ở đây xem ông như anh em, như một người S’tiêng Bom Bo, có lần ông về còn được người đến rước bằng voi. Ngày ông mất (14/5/1996), rất đông đồng bào Bom Bo đã về TP.HCM viếng ông.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm