Văn hóa Đông Sơn - chiến tranh và hòa bình

23/01/2025 10:02 GMT+7 | Văn hoá

Đây sẽ là chuỗi bài cuối cùng tôi đã dành suốt 2 năm nay cho văn hóa Đông Sơn trong chuyên mục "Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất" do báo Thể thao và Văn hóa khởi xướng. Đó là một nội dung tiêu biểu và bao trùm nhất trong văn hóa Đông Sơn mà tôi muốn để dành cho phần cuối, mặc dù rải rác đâu đó trong cả chuỗi gần trăm bài rải trong hai năm qua, tôi cũng đã từng đề cập đến.

1. Chắc hẳn nhiều bạn không còn xa lạ với các buổi "talk" (nói chuyện) hàng tuần của câu lạc bộ "Cà phê thứ Bảy" do nhạc sĩ Dương Thụ sáng lập. Tôi may mắn có hai buổi nói chuyện ở đây. Lần đầu cách đây đã ba năm, theo gợi ý của GS-TS Trần Xuân Hoài. Lần thứ hai diễn ra tròn một năm trước, khi anh Dương Thụ lại nhắn tin gợi ý nói về Đông Sơn nhân chuẩn bị tròn 100 năm phát hiện và nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn. Tôi vui vẻ nhận lời vì cũng muốn khởi động cuộc nhận chân về văn hóa Đông Sơn sau 100 năm, bằng một chủ đề đáng được quan tâm "Các sự kiện lịch sử diễn ra trong thời gian tồn tại của Văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam".

Các sự kiện lịch sử Đông Sơn gắn liền với biến động lớn của toàn vùng Đông Á với các sự kiện kết thúc thời Chiến Quốc (Warring States) và ra đời đế quốc Tần ở Trung Hoa cổ đại (thế kỷ 5 - 3 trước Công nguyên). Những quốc gia chư hầu phương Nam trong đế chế nhà Chu nằm dọc các phần lưu vực trù phú nhất của sông Dương Tử (Trường Giang) là Ba Thục, Sở, Ngô, Việt… lần lượt bị tiêu diệt hoặc triệt hạ lẫn nhau, tạo ra một thời kỳ chiến tranh liên miên ảnh hưởng trực tiếp đến thế giới "phi Hoa Hạ" ở vùng Lĩnh Nam (được gọi chung là Bách Việt) và Tây Nam Di (Bách Bộc). Trong đó, khởi đầu là sự tan rã của nhà nước Ba Thục cổ đại giữa thế kỷ 5 do cuộc xâm chiếm của nước Tần.

Văn hóa Đông Sơn - chiến tranh và hòa bình - Ảnh 1.

Hình tượng chiến binh Đông Sơn. Hình trái: Nam chiến binh mang rìu chiến trên cán dao găm (sưu tập Nhà hàng Trống Đông Sơn, Hà Nội). Hình phải: Chiến binh đeo dao găm, lưng treo đầu lâu quân địch (sưu tập Phạm, Paris, Pháp)

Ba Thục là nhà nước "phi Hoa Hạ" đã từng đạt đến trình độ văn hóa rất cao như Tam Tinh Đôi, Kim Sa… Đa số quý tộc Ba Thục bại trận đã di tản về phía Tây và phía Nam, cùng với các thủ lĩnh bộ lạc địa phương tạo dựng những tiểu quốc mới khối Tây Nam Di. Một vị "Thục Vương Tử" tên là Thục Phán đã lập ra nước Âu Lạc trong khung cảnh như vậy. Khối Sở, Ngô, Việt đã từng thay nhau xưng bá ở vùng Trường Giang cũng lần lượt tan rã trong các thế kỷ tiếp theo. Quý tộc Sở, Ngô, Việt vốn không cùng nguồn gốc Hoa Hạ, khi thất trận di tản về Lĩnh Nam xuống Bách Việt và phía Đông sang Hàn Quốc và Nhật Bản.

Nhà Tần thống nhất Trung Hoa cuối thế kỷ 3 trước Công nguyên, chỉ tồn tại được mấy chục năm nhưng đã tạo ra khối lõi Hoa Hạ thống nhất chặt chẽ, đã huy động 50 vạn quân chinh phục các tiểu quốc gốc Việt phương Nam, chủ yếu là vùng Lĩnh Nam, chiếm được phần đất hạ lưu Châu Giang gồm đất Quảng Đông và nửa phía đông Quảng Tây hiện nay, đặt trị sở ở Phiên Ngung (Quảng Châu bây giờ).

Chiến tranh lớn đã đến Đông Sơn và sử sách ghi nhận cuộc kháng chiến của khối người Việt Tây Âu chống chọi với quân Tần, giết chết chủ tướng Đồ Thư nhà Tần.

Cũng trong khoảng thời gian diễn ra các sự kiện Chiến Quốc lớn ở Trung Nguyên, chiến tranh giữa hai khối du mục Điền ở Vân Nam và những bộ lạc trồng lúa Đông Sơn Tây Âu ở lưu vực sông Hồng và thượng Châu Giang cũng diễn ra khốc liệt. Kết cục một phần phía tây bắc Đông Sơn Tây Âu bị lệ thuộc vào nước Điền và khối Tây Âu còn lại sáp nhập với các thủ lĩnh Lạc Việt lập ra nhà nước Âu Lạc do thủ lĩnh Tây Âu là Thục Phán An Dương Vương đứng đầu.

Sau khi liên minh Hán - Sở diệt được nhà Tần, cục diện chiến tranh Trung Nguyên diễn ra giữa hai thế lực Hán và Sở với kết cục quý tộc Sở Hạng Võ, Hạng Tịch thất thế. Nhà Hán ra đời cuối thế kỷ 3 trước Công nguyên, cùng với sự ra đời nước Nam Việt từ thế lực rơi rớt của nhà Tần do Nhâm Ngao và Triệu Đà khởi xướng, được sự ủng hộ của quý tộc Việt bản địa Lĩnh Nam.

2. Theo các dẫn liệu khảo cổ học thì những đồ đồng đặc trưng và tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn ra đời ồ ạt ở những thế kỷ 4 - 2 trước Công nguyên, tương ứng chiến cuộc của các bộ lạc Tây Âu, Lạc Việt, thứ nhất đối chọi với xâm lấn của quân Tần cuối thế kỷ 3 trước Công nguyên, thứ hai đối chọi với những bộ lạc du mục Điền ở Vân Nam, và thứ ba với quân đội Nam Việt ở Quảng Tây, Quảng Đông (Trung Quốc hiện nay). Thống kê vũ khí đồng và đồ lễ nghi, đồ dùng quý tộc tùy táng trong các khu mộ đã tăng vọt so với các thời tiền Đông Sơn, từ khoảng 0,3% lên đến 50 - 60%.

Trong nửa đầu thế kỷ 2 trước Công nguyên, nước Nam Việt tham vọng mở rộng thành một đế quốc để đối phó với âm mưu lấn lướt của nhà Tây Hán. Âu Lạc (phía Tây và Nam), Dương Việt (phía tây bắc) và Mân Việt (phía đông bắc) bị Triệu Đà tìm cách thâu tóm. Tư Mã Thiên, sử gia sống ở nửa cuối thế kỷ 2 trước Công Nguyên, chép trong Sử ký về cuộc sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt như sau: "Triệu Đà mang binh áp biên, dùng của cải áp phục Tây Âu, Lạc và Mân Việt".

Năm 2008, tôi đã phát hiện một chiếc thạp Đông Sơn có khắc minh văn liên quan đến Triệu Đà. Chiếc thạp này lớn bằng và đẹp như chiếc thạp chôn trong mộ Văn Đế Triệu Mạt ở Quảng Châu. Triệu Mạt là vị hoàng đế thứ hai của Nam Việt (con trai thứ của Trọng Thủy, là cháu nội Triệu Đà, lên ngôi năm 137 và mất 122 trước Công nguyên, thọ 42 tuổi). Tìm lại cội nguồn chiếc thạp khắc minh văn liên quan đến Triệu Đà, được biết nó chôn trong một ngôi mộ ở Xuân Lập (Thọ Xuân, Thanh Hóa) - nơi có một khu mộ lớn chôn rất nhiều đồ Đông Sơn quý mang phong cách Tây Âu.

Trong khi công bố chiếc thạp này, tôi ngờ rằng đây là một trong số "của cải" mà Triệu Đà đã dùng để mua chuộc, áp phục tướng lĩnh Âu Lạc. Sau khi đã sáp nhập Âu Lạc và Nam Việt, lãnh thổ Nam Việt được chia làm hai vùng lớn Giao Chỉ và Cửu Chân. Lạc hầu, lạc tướng vẫn trông coi điều tiết xã hội Âu Lạc như cũ, duy chỉ có hai biên điển sử tước hầu được Triệu Đà cử xuống để lập sổ thu thuế theo luật Nam Việt. Chiếc ấn "Tư Phố Hầu Ấn" tôi đã nói ở bài trước có lẽ của viên hầu tước cai quản thu thuế ở Cửu Chân, Tư Phố khi đó.

Văn hóa Đông Sơn - chiến tranh và hòa bình - Ảnh 2.

Hình trái là cảnh thường thấy trên thân thạp đồng và tang trống đồng Đông Sơn: Thuyền chiến với người gióng trống trận ở chính giữa, người chèo lái và chiến binh cầm cung nỏ phía sau, người cầm rìu, giáo tay nắm đầu lâu kẻ địch ở phía trước (bản rập hoa văn thạp đồng Đông Sơn trong sưu tập CQK, California, Mỹ). Hình phải là thuyền chiến Đông Sơn trên thạp đồng có minh văn liên quan đến Triệu Đà, hiện trưng bày tại Bảo tàng Barbier-Muehler, Geneva, Thụy Sĩ

3. Năm 111 trước Công nguyên, một cuộc chiến tranh lớn đã diễn ra trong lãnh thổ Đông Sơn - khi đó là một phần quan trọng của nhà nước Nam Việt. Nhà Tây Hán đưa một đạo quân lớn do Phục Ba Đại tướng quan Lộ Bác Đức phối hợp với viện quân nước Dạ Lang tiến đánh Phiên Ngung - kinh đô Nam Việt. Triều đình Nam Việt tan vỡ. Ngay trong nội bộ Nam Việt cũng chia rẽ đánh giết lẫn nhau, trong đó có nhiều tướng lĩnh gốc Âu Lạc cũ tham chiến. Kết thúc chiến tranh, hai điển sứ Nam Việt ở Giao Chỉ, Cửu Chân mang bò, rượu và sổ hộ khẩu đến nộp cho Lộ Bác Đức để được tiếp tục làm điển sử hai quận này cho nhà Hán.

Từ 110 trước Công nguyên, văn hóa Đông Sơn nằm trong hệ thống hành chính quận huyện của nhà Hán dưới tên Giao Châu với 9 quận, cực nam là quận Nhật Nam, từ Đèo Ngang đến vùng Quảng Nam hiện nay.

Từ nửa sau thế kỷ 1 trước Công nguyên, khi nhà Tây Hán bắt đầu tăng cường di dân và cắt cử quan lại người Hán vào cai trị chặt chẽ vùng Giao Châu hơn thì cũng là lúc dân chúng nổi dậy biến thành những cuộc khởi nghĩa lớn, như những cuộc đánh phá Cửu Chân từ phía Nam, khiến Nhâm Diên phải nhượng bộ thủ hòa.

Cuộc nổi dậy lớn nhất là của Hai Bà Trưng, lôi cuốn 65 thành ở khắp các quận huyện Giao Châu, đuổi giết thứ sử người Hán, dành được chính quyền trong ba bốn năm (39 - 43 sau Công nguyên). Nhà Hán cử Mã Viện, Đoàn Chí sang dẹp, đuổi đánh nghĩa quân vào tận miền Trung nước ta hiện nay. Tiếp đó là khởi nghĩa của Khu Liên ở quận Nhật Nam, giành chính quyền trong thế kỷ 2 sau Công nguyên, khởi nghĩa anh em họ Triệu ở Cửu Chân đầu thế kỷ 3 sau Công nguyên…     

Tình hình chính trị, xã hội Đông Sơn như vậy gắn liền với sự đổi mới, đa dạng trong bộ di vật Đông Sơn, đặc biệt là bộ vũ khí cầm tay, phục trang và đồ dùng, đồ lễ nghi quý tộc. Rất nhiều bằng chứng về chiến binh và chiến tranh đã để lại trong bộ di vật văn hóa Đông Sơn. Tuy nhiên, bên cạnh liệt kê các sự kiện chính trị lớn diễn ra khá dồn dập trong khoảng 7 thế kỷ, trên thực tế, thời gian hòa bình Đông Sơn vẫn chiếm tỷ trọng lớn hơn là chiến tranh. Chính vì vậy, chiến tranh và hòa bình là hai yếu tố hòa quyện tạo ra đặc trưng văn hóa khảo cổ rất độc đáo của văn hóa Đông Sơn.

TS Nguyễn Việt

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm