Văn hóa chung cư và quán tính làng xã

03/11/2015 06:53 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Khi tận dụng hành lang chung cư để tổ chức tiệc mừng ngày phụ nữ Việt Nam, chủ nhân của một số căn hộ cũng không ngờ mình vừa “châm ngòi” cho một cuộc tranh cãi dai dẳng: sự khác biệt về cách sống giữa những căn nhà riêng và những căn hộ tập thể.

Từ một sản phẩm của xã hội công nghiệp, chung cư lại đang trở thành biểu tượng của… nhịp sống văn minh, theo nhận thức của khá nhiều người. Bởi đơn giản, khi sống trong một quần thể của các căn hộ, mỗi cá nhân luôn cần có sự tự giác để tuân theo những yêu cầu khắt khe về an toàn, trật tự và sự… văn minh cho cả cộng đồng.

Trong khi đó, dù ở làng quê hay đô thị, những căn nhà riêng vẫn là mẫu hình quen thuộc với người Việt, khi cuộc sống riêng của cá nhân diễn ra một cách tự do sau cánh cửa. Tại sao, khi chuyển lên sống tại chung cư, một bộ phận lớn của chúng ta vẫn không bỏ được… quán tính từ cách sống ấy?

Nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến: Không phải cứ có tiền là thành thị dân

Căn cơ của những tranh cãi trong lối sống chung cư hiện nay là do chúng ta có lỗ hổng trong quản lý chung cư. Điều kiện để ở chung cư của chúng ta đơn giản chỉ là tiền. Trong khi, để sống ở môi trường cộng sinh như chung cư cần nhiều hơn thế.

Ngoài tiền, chúng ta cần cung cách hành xử tối thiểu trong môi trường tập thể. Kế đó, với những người ở những vùng nông thôn lên, họ cần những bước chuyển để trở thành thị dân thay vì chỉ trả tiền mua nhà. Vì, khi và chỉ khi hiểu “luật chơi” phố thị, chúng ta mới cùng hướng về những giá trị chung, không gây những tranh cãi, phiền nhiễu như thời gian gần đây.


Nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến

Với Hà Nội, nhiều người cho rằng, từ xưa văn hóa Thăng Long - Kẻ Chợ được hun đúc từ văn hóa tứ xứ. Nên, những khối chung cư như những ngôi làng Bắc Bộ khổng lồ hiện nay cũng là một dạng tiếp biến văn hóa, góp phần kết tinh những giá trị mới của Hà Nội. Theo tôi, điều này không thật chính xác.

Khi  xưa, văn hóa kinh kỳ đủ mạnh để Thăng Long hóa những người nhập cư lẻ tẻ. Những người tứ xứ tới đây làm ăn, sinh sống phải tuân theo lề thói ngàn đời của Kẻ Chợ. Còn nay, những cuộc di cư khổng lồ từ vô vàn tòa cao ốc mọc lên trong thời gian ngắn ở thủ đô khiến việc “Hà Nội hóa” những người nhập cư là điều không thể. Nếu không muốn nói công cuộc ngược lại đang diễn ra.

Nói đi cũng phải nói lại, chúng ta không thể trách những người nhập cư mang theo những tập quán, lối sống ở tầng trệt lên nhà cao tầng. Bởi những chung cư cao tầng hiện nay chúng ta mới chỉ tiếp cận ở góc độ kinh tế, bất động sản mà chưa bao giờ đề cập tới chuyện văn hóa, lối sống chung cư.

KTS Lê Việt Hà: Lực cản từ thói quen sinh hoạt cộng đồng

Nhìn chung, bất cứ mô hình kiến trúc nào cũng cần một văn hóa sống phù hợp với nó. Chúng ta hay nhắc tới sự khác biệt trong cách sống tại nhà phân lô và nhà chung cư mà quên rằng: bản thân những chung cư được xây dựng cách đây vài chục năm (mà ta vẫn gọi là nhà tập thể) cũng duy trì một cách sống khác với chung cư bây giờ.

Chung cư kiểu cũ chỉ cao 4, 5 tầng và sử dụng cầu thang bộ. Đặc biệt, hành lang chung giữa các hộ trong từng tầng đều thông thoáng, mở trực tiếp ra không gian bên ngoài. Một cách tất yếu, hành lang này dần trở thành không gian sinh hoạt chung của cả tầng. Bởi lẽ, văn hóa sinh hoạt truyền thống của người Việt luôn đề cao sự tương tác, chia sẻ, gặp gỡ giữa từng cộng đồng làng xóm.


KTS Lê Việt Hà

Tại đô thị, trong những ngôi nhà riêng hoặc những chung cư kiểu cũ, thói quen - đồng thời cũng là nhu cầu ấy - thường xuyên được chúng ta duy trì. Nhưng, đặt trong không gian của những chung cư kiểu mới, đó lại là một câu chuyện khác.

Chung cư kiểu mới có hành lang kín nằm giữa “lõi” tòa nhà  nên rất dễ gây tiếng ồn, có thang máy và nhiều thiết bị hoạt động bằng điện nên cần đảm bảo những nguyên tắc khắt khe về phòng chữa cháy. Những tranh cãi về lối sống ở chung cư vừa qua cũng bắt nguồn từ điều ấy.

Tôi đồng ý: so với nhà phân lô hoặc nhà tập thể cũ, các khu chung cư mới cần được điều chỉnh về cách sống để phù hợp với sự an toàn chung, cũng như sự riêng tư của mỗi gia đình. Thế nhưng, việc điều chỉnh thế nào cho phù hợp lại là một câu hỏi mở, phụ thuộc vào từng cộng đồng

Tại các nước phát triển, các căn hộ trong một cao ốc thường biệt lập, đề cao an ninh và sự riêng tư một cách tối đa. Sống tại tầng 5, bạn không thể bấm thang máy để đi lên các tầng khác, nếu như không được các gia đình sống tại đó “xác nhận” qua hệ thống kỹ thuật. Tại Việt Nam, một số khu chung cư cao cấp cũng bắt đầu được xây dựng và thiết kế như vậy. Nhưng nếu nhìn ở diện rộng, tôi tin không hẳn ai cũng thấy mô hình đó là tích cực.

Sự chuyển tiếp về thói quen, về không gian sống như vậy đang diễn ra chậm. Bên cạnh vấn đề ý thức cá nhân, việc chủ động nghiên cứu, tìm một hình thức hay không gian phù hợp để giải quyết nhu cầu sinh hoạt cộng đồng cho người dân trong chung cư cũng cần được bàn tới

PGS Văn Như Cương: Học để chung sống

Tôi ở một tòa nhà tập thể tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) từ năm 1985. Từ ngày đó, việc sống chung với nhau cũng có nhiều vấn đề như: cãi vã, ồn ào, tranh chấp song mọi chuyện đều không quá lớn.

Vì ngày đó, những người sống ở các khu tập thể đều có một điểm chung nào đó. Ví như cùng làm ở một đơn vị, cùng chia sẻ những khốn khó chung của xã hội… Bởi vậy, việc cảm thông và dung hòa những bất đồng dễ hơn.


PGS Văn Như Cương

Bên cạnh đó, ngày xưa, những khu tập thể phân công và thực hiện rất rõ ràng chức phận của từng gia đình trong cộng đồng như: lịch quét cầu thang, lịch trực đổ rác… Những sự lười biếng, không đóng góp đều bị cộng đồng lên án rất nặng nề.

Còn lối sống ở chung cư hiện đại thì hoàn toàn khác: những người trong chung cư có những xuất phát điểm khác nhau, trình độ học vấn khác nhau, địa vị xã hội khác nhau,… Điều này tạo nên những ẩn họa rạn nứt quan hệ ngay từ khi họ đến để cùng nhau thành lập cộng đồng.

Nên, ngay từ đầu, họ ứng xử với nhau như những người lạ. Qua quá trình sinh sống, tính cộng đồng xây dựng được thì ít mà những mâu thuẫn hình thành lại càng nhiều.

Hơn thế, chung cư đòi hỏi sự cộng sinh, ứng xử điềm tĩnh hài hòa rất cao. Nhưng, ngay trong việc giáo dục, chúng ta đã bỏ lơ quá trình đào tạo ứng xử cho học sinh. Cụ thể, UNESCO định nghĩa rất rõ mục đích của việc học: Học để biết, học để làm, học để khẳng định mình và học để chung sống.

Hiện tại, vấn đề “học để chung sống” rõ ràng không được quan tâm đúng mực. Và khi sự học không quan tâm tới khái niệm chung sống với cộng đồng thì những mâu thuẫn, bất đồng xảy ra ở bất cứ đâu chứ đừng nói là môi trường đặc thù như chung cư.

Mỹ Mỹ - Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm