Vấn đề triệu tập ngoại binh nhập tịch vào đội tuyển: Kế thừa

02/06/2011 12:49 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Gần 2 năm nay, mỗi lần ĐTQG và ĐT Olympic QG tập trung, vấn đề triệu tập ngoại binh nhập tịch vào ĐT lại được xới lên, nhưng hiếm khi nào những người nêu lên thắc mắc nhận được câu thoả đáng. Tuy nhiên, hôm qua, HLV Mai Đức Chung đã có câu trả lời khá rõ ràng, và bằng tuyên bố này của ông thầy họ Mai, hay nói một cách chính xác là thông điệp của VFF do HLV Mai Đức Chung làm đại diện truyền tải, cánh cửa tham dự ĐT của các ngoại binh nhập tịch gần như đã khép lại.

Ông Chung nói: "Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, chúng tôi đã quyết định không triệu tập các ngoại binh nhập tịch vào ĐT để tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ có cơ hội cọ xát. Có thể chính sách này sẽ khiến thành tích của ĐT có lúc không được như ý muốn, nhưng chúng tôi vẫn quyết định sẽ chỉ đưa các VĐV Việt Nam chính gốc hoặc các VĐV trẻ có triển vọng vào 2 ĐT mà thôi".

Phát biểu của ông Chung đánh dấu một sự thay đổi rất lớn trong nhận thức của VFF, nếu có thể coi như thế, bởi sau thất bại của ĐTQG tại AFF Cup 2010, một lãnh đạo VFF đã phát biểu trên báo rằng ĐTQG cần có ngoại binh nhập tịch, nhưng nay thì VFF đã quyết định đi theo con đường: "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam".

Xét về lý thuyết, ai cũng dễ dàng nhận thấy ĐTQG hoặc ĐT Olympic QG sẽ mạnh hơn rất nhiều khi có sự góp mặt của những ngoại binh nhập tịch, nhưng cách làm này không phải không có mặt trái, và không phải lúc nào cũng nhận được sự đồng thuận tuyệt đối từ phía dư luận. Thành công của bóng đá Malaysia trong 2 năm qua lại càng là bằng chứng xác đáng để những người không cổ suý cho việc triệu tập ngoại binh nhập tịch vào ĐTQG có thêm lý do để tin tưởng vào quan điểm của mình.

SLNA đang dẫn đầu bảng xếp hạng V-League 2011 nhưng chỉ có một ngoại binh nhập tịch là Nguyễn Hoàng Helio

Không cầu thủ ngoại ở giải VĐQG và cũng không HLV ngoại cho ĐTQG và ĐT Olympic QG, nhưng chỉ trong vòng 2 năm, bóng đá Malaysia đã giành được 2 HCV ở sân chơi khu vực dành cho 2 cấp độ ĐT khác nhau, và sự thành công của họ khiến chúng ta bắt buộc phải nhìn lại cách làm của mình.

Việc SLNA và SHB.ĐN, 2 đội bóng đang dẫn đầu V-League có lực lượng chủ lực là cầu thủ nội "cây nhà lá vườn", trong khi rất nhiều CLB khác dù thừa mứa "Tây mang tên Việt" như V.NB, ĐT.LA hay HN.ACB vẫn đang lặn ngụp ở nửa cuối bảng xếp hạng đã cho thấy ngoại binh nhập tịch không phải là liều thuốc thần diệu để biến cô gái Lọ Lem thành nàng công chúa kiều diễm chỉ sau một đêm.

Bất cứ thành công nào cũng phải là kết quả của cả một quá trình, và không phải ngẫu nhiên mà hiện tại SLNA và SHB.ĐN đang có dàn cầu thủ nội khiến cả nước thèm muốn, bởi đấy là quả ngọt của công lao vun bón cho tuyến kế cận mà bóng đá Nghệ An và Đà Nẵng đã chăm chút suốt bao năm qua.

Tương tự như thế, trước khi lần lượt chinh phục đỉnh cao SEA Games và AFF Cup trong 2 năm qua, HLV K.Rajagobal của Malaysia đã sát cánh với học trò của mình từ khi còn ở ĐT U19 và đã cùng nhau tham dự vô số trận đấu. Vì thế, dù gần như mất nguyên cả đội hình chính thức vì Asian Games 16, nhưng khi bước vào AFF Cup 2010, HLV Rajagobal vẫn có những sự thay thế phù hợp và hiệu quả để đạt được thành tích cao nhất.

Rõ ràng, tương lai vững chắc của một nền bóng đá phài là những cầu thủ trẻ chứ không phải tìm cách nhập tịch ngoại binh nhằm đạt được kết quả trước mắt, để rồi tương lai là một dấu hỏi to tướng. Có thể thấy VFF không chỉ nói suông khi tuyên bố rằng sẽ tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ thể hiện mình, bởi trong danh sách 27 tuyển thủ Olympic QG được công bố hôm qua, có tới 10 gương mặt sinh năm 1990 và 1991, tức là đủ tuổi để tham dự SEA Games 27 năm 2013, mà nói như HLV trưởng ĐT Olympic QG Phan Thanh Hùng thì "một bản danh sách có sự kế thừa".

Hoàng Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm