(TT&VH) - Hầu như năm nào cũng vậy, và năm nay cũng không ngoại lệ, học sinh Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam liên tiếp giành các giải thưởng cao tại các cuộc thi âm nhạc quốc tế. Với thành tích 4 giải Nhất, 1 giải Nhì và 2 giải Ba tại cuộc thi âm nhạc quốc tế Jakarta (Indonesia) vừa qua, có người ví đó như một “cơn mưa” giải thưởng quốc tế.
Nhiều giải thưởng, nhưng có người vẫn băn khoăn, như vậy có phải là bước “đột phá” về thành tích của Học viện? So với các nước khác thành tích đó là nhiều hay ít? Đã có giải nào có tầm cỡ như giải mà Đặng Thái Sơn đã giành được từ mấy chục năm trước? (Đặng Thái Sơn đoạt giải Nhất cuộc thi piano quốc tế mang tên Chopin lần thứ X, tổ chức tại Ba Lan tháng 10 năm 1980).
TT&VH đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Trần Thu Hà, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - người đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh và trực tiếp dẫn nhiều đoàn học sinh tham dự và giành nhiều giải thưởng quốc tế.
Nhiều giải trong một cuộc thi vì có nhiều bảng
* Theo bà, những giải thưởng mà sinh viên Học viện đạt được cho đến nay có phải là những thành tích nổi bật trong khu vực không? Hay là cuộc thi nào cũng có nhiều giải và quốc gia nào cũng có giải?
- Các kỳ thi quốc tế tổ chức ở khu vực đều có sự cọ xát của sinh viên giữa các nước. Một số cuộc thi diễn ra ở khu vực Đông Nam Á, nhưng thực ra là mở rộng cả châu Á (trong đó có sự tham gia của các nước như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc).
Nói chung, đây đều là những cuộc thi dành cho các tài năng, nhưng ở mỗi độ tuổi, mỗi trình độ thì mức độ thi cũng khác nhau. Tầm cỡ giữa các cuộc thi cũng khác nhau. Chính vì thế ngay trong mỗi cuộc thi họ cũng phải chia ra làm nhiều bảng cho từng lứa tuổi...
* Cụ thể trong cuộc thi ở Indonesia vừa qua thì sao, thưa bà?
- Trong cuộc thi ở Indonesia vừa rồi, mặc dù có nhiều giải nhưng thực ra là vì có nhiều bảng. Trong chuyến đi này, số lượng thí sinh của Học viện tham gia cũng khá đông là bởi thí sinh của ta tham gia ở tất cả các bảng; đồng thời, lần đầu tiên có sự tham gia ở hai chuyên ngành (piano và violon). Bình thường nếu chỉ tham gia ở một chuyên ngành và chỉ tập trung ở một số bảng nên số lượng thí sinh tham gia không nhiều, hơn nữa những kỳ thi cho lứa tuổi trẻ trong khu vực tổ chức cho piano thì rất nhiều, nhưng cho violon còn ít. Đây là lần đầu tiên Học viện đưa thí sinh tham gia thi chuyên ngành violon. Các kết quả đạt được cũng là một sự “tích lũy” từ cả quá trình trước đó.
Sự so sánh nào cũng là khập khiễng
* Hình như chưa có tài năng nào sánh được với Đặng Thái Sơn?
- Sự so sánh nào cũng là khập khiễng. Nếu so sánh tài năng từ những cuộc thi trẻ này với NSND Đặng Thái Sơn sẽ là cả một khoảng cách quá xa. Mặc dù NSND Đặng Thái Sơn khi tham gia cuộc thi Chopin mới ở tuổi 22, nhưng cuộc thi đó được đánh giá là cuộc thi chính quy dành cho người lớn.
Những giải thưởng học sinh Học viện đạt được cho đến nay vẫn còn là một
khoảng cách xa so với giải của NSND Đặng Thái Sơn
nhưng chúng ta vẫn có quyền hy vọng...
Ngay cả những cuộc thi dành cho lứa trẻ cũng được chia ra làm nhiều nấc. Từ các cuộc thi dành cho lứa trẻ đến các cuộc thi dành cho người lớn cũng trải qua nhiều cấp bậc, từ đó mới dẫn đến những kỳ thi mang tên tuổi lớn như Tchaikovsky hay Chopin lại là một đỉnh cao hơn nữa. Chính vì thế, với mức độ như của mình hiện nay mà đem ra so sánh (với giải của Đặng Thái Sơn) sẽ là cả một khoảng cách.
Tuy nhiên nói như vậy không phải là không có hy vọng ở những tài năng sau này, nhưng sẽ không phải là ngày một ngày hai mà có được.
* Nói tóm lại, nếu coi giải thưởng của Đặng Thái Sơn là một thành tựu nổi bật của Học viện thì sau họ Đặng, đã có sinh viên nào của Học viện vượt qua chưa (về tầm cỡ giải thưởng)?
- Không thể nói là đã “vượt qua” được. Nếu đứng ở tư cách cá nhân của tôi mà nói thì không được khách quan. Nhưng như tôi đã nói ở trước, từ khoảng cách này đến khoảng cách kia của các giải thưởng còn có nhiều nấc, nên mình chỉ có thể nói là theo gương đó để phấn đấu. Và điều này không có gì đáng ngạc nhiên cả.Ví dụ một nước tiên tiến, có nhiều sự đầu tư lớn như Nhật Bản, họ cũng mong muốn có những tài năng lớn, nên với họ chỉ cần có một người đại diện cho châu Á đi thi họ cũng đã thấy rất tự hào. Họ cũng đã có nhiều giải cao ở các kỳ thi lớn, nhưng giải cao ở kỳ thi Chopin thì vẫn chưa có. Chính vì vậy, tôi nghĩ không nên có sự so sánh những hiện tượng đó mà hãy có cái nhìn thiết thực hơn.
Đoàn học sinh Học viện trở về từ cuộc thi âm nhạc quốc tế
tại Jakarta, Indonesia
* Vậy đã có tài năng nào khẳng định được trên lĩnh vực biểu diễn chuyên nghiệp quốc tế chưa?
- Hiện nay những nghệ sĩ biểu diễn ở đẳng cấp quốc tế cũng có nhưng không phải là nhiều.Với sự khiêm tốn, chúng ta có thể kể đến những nghệ sĩ từ những thế hệ đi trước mà cho đến giờ vẫn tiếp tục con đường biểu diễn chuyện nghiệp như Đặng Thái Sơn, Tôn Nữ Nguyệt Minh, với thế hệ trẻ có Bùi Công Duy, Bích Trà.
Có nền âm nhạc cổ điển đứng hàng đầu khu vực.
* Vậy bà có thể đánh giá vị trí của Học viện Âm nhạc Quốc gia của Việt Nam so với khu vực hiện nay?
- Trước hết, ở trong nước, có thể nói Học viện Âm nhạc Quốc gia (trước đây là Nhạc viện Hà Nội) là một trường đầu ngành của lĩnh vực văn hóa nghệ thuật với bề dày hơn 50 năm, có một hệ thống đầy đủ về các cấp học, là trường nghệ thuật đầu tiên có cấp đào tạo lên đến tiến sĩ. Trong khu vực, Học viện cũng là một trong những trường hàng đầu. Nếu mở rộng hơn với thế giới, Học viện còn phải phấn đấu nhiều mới bằng kịp những nước có nền tảng âm nhạc vững chắc. Tuy nhiên có những nơi mình cũng không thua kém gì họ.
* Nước ta đã có một thời gian được đánh giá là nước có trình độ âm nhạc cổ điển cao nhất Đông Nam Á.Vị trí đó nay còn giữ được không?(*)
- Trong bối cảnh mới như hiện nay, Việt Nam vẫn là nước đứng hàng đầu.Vị trí này có được là bởi Học viện có một bề dầy lịch sử, trong đó có sự thừa hưởng một hệ thống đào tạo hoàn chỉnh từ thời Xô Viết XHCN, đồng thời Học viện duy trì được mức độ phát triển khá tốt nhờ vào việc nâng cao cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên phải thấy rằng sự phát triển của các nước trong khu vực hiện nay là rất nhanh. Nếu như 10 năm trước họ còn kém xa mình thì hiện nay, trước tốc độ phát triển về kinh tế xã hội như Singapore, Philippines, Indonesia nếu chúng ta không có những chuyển biến mạnh mẽ, những bước đột phá thì cũng khó giữ được vị trí này.
* Xin cảm ơn Giáo sư!
Ngọc Minh (Thực hiện)
(*) Do khuôn khổ của trang báo, nên bản in trên báo giấy TT&VH 3/10 phải lược bớt câu hỏi và trả lời cuối cùng này. Nay xin giới thiệu đầy đủ cùng bạn đọc TT&VH Online