Valentine và "độc chiêu"... tha thứ

12/02/2009 09:52 GMT+7 | Lễ Valentine

Valentine từ lâu đã trở thành một cái cớ để những cặp tình nhân thể hiện tình yêu không chỉ bằng ánh mắt hay những chăm sóc thường nhật mà còn bằng những món quà, những điều bất ngờ.
 
Valentine không chỉ là dịp tốt để người ta mạnh dạn nói lời xin lỗi hay tha thứ cho những lỗi lầm đã qua mà với không gian tràn ngập tình yêu còn là dịp quý để ta tráng lại lớp men mới cho cuộc sống lứa đôi để gắn lại những vết nứt mà một sự hững hờ nào đó đã tạo nên.

Không gian đồng thuận

Tình yêu không phải là mục đích của cuộc sống mà chính là cuộc sống. Nó đeo đẳng không cho con người thoát ra. Người ta hạnh phúc vì yêu, đau khổ vì yêu, dang dở vì yêu, phạm tội vì yêu và cả mệt mỏi vì yêu nữa. Thế cho nên cuộc sống cần những khoảnh khắc khác thường, những ngày đặc biệt để làm tươi mới lại tình yêu, truyền cho thứ tình cảm đỏng đảnh này thêm một lý do nữa để đẹp hơn. Những cặp tình nhân biến tất cả những ngày lễ thành lễ tình yêu của mình, nào là ngày tết Dương lịch, ngày Noel cho đến ngày 1/6. Họ nô nức kéo nhau ra đường, tặng quà cho nhau, tạo cớ để được yêu thêm, để được “gạ gẫm” và để được tha thứ khi có lỗi lầm.

Sau mỗi Valentine, có nhiều cô gái nhận lời tỏ tình của các chàng trai hơn, có nhiều người có lỗi được tha thứ hơn. Một cụ bà giận cụ ông không nhớ kỷ niệm 50 năm ngày cưới đã mỉm cười khi ông huých nhẹ vai bà: “Bà buồn cười nhỉ, hôm nay Valentine mà vẫn giận tôi!”. Hai ông bà vừa ngồi sát bên nhau trong ngày lễ tình yêu xem tivi, vừa ngắm nhìn bọn trẻ tíu tít tặng hoa, tặng quà cho nhau.

"Không gian đặc biệt" ngày Valentine khiến cả hai dễ tha thứ cho những "lỗi lầm". (Ảnh minh họa)

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mùi, trong ngày này, môi trường xung quanh tạo nên một cái gì đó rất đồng thuận cho mong ước được đoàn tụ của những người yêu nhau, tất cả mọi người đều mua hoa, mua chocolate tặng người yêu, cứ bật tivi lên là thấy người ta nói về Valentine, thông tin đại chúng đều ca ngợi tình yêu... Tất cả những điều này tạo ra một bầu không khí tâm lý hướng đến một tình yêu tốt đẹp, sự gắn kết bền vững, người ta lại khát khao mong được ở bên người mình đã từng yêu thương gắn bó, lòng bỗng tràn ngập một nhu cầu tha thứ và nếu như “kẻ hối lỗi” quay về, tỷ lệ thành công sẽ rất cao.

Chuyện kể rằng, có một người vợ phát hiện chồng mình đang bí mật nuôi một đứa con riêng của người vợ cả đã chết, cô lặng lẽ đưa đơn ly dị. Cô không cho người chồng một cơ hội nào để giải thích vì với cô lúc đó chỉ có sự phản bội là có nghĩa. Ngày Valentine, cô ôm con ngồi xem tivi, thấy cảnh đôi vợ chồng già người Mỹ đưa nhau đi dạo trong công viên, cô bất giác nhớ đến những khi mình ốm, chồng cô đã ân cần đỡ cô dậy, nhẹ đến mức như sợ cô sẽ biến thành gió bay đi... Chỉ riêng một cảm giác đó thôi cũng như một ma lực khiến cô nhấc máy gọi cho chồng. Anh lại trở về nhà với bó hồng đỏ rực trên tay, một đêm nữa họ được sống lại cảm giác hoan lạc sau cơn giận dỗi.

Học cách xin tha thứ

Theo Tiến sỹ tâm lý học Nguyễn Thị Mùi - giảng viên Trường ĐHSP (chuyên gia tư vấn chuyên mục “Cửa sổ tình yêu”của Đài Tiếng nói Việt Nam) thì trong hai người, kẻ mắc lỗi và người tha thứ thì người tha thứ đóng một vai trò rất quan trọng. Kẻ mắc lỗi thường phòng vệ cao hơn vì không ai muốn mình phải trải nghiệm những lỗi lầm tiêu cực âm tính. Việc mắc lỗi đã khiến họ rất đau khổ, nếu như tình yêu vẫn còn thì sự tương tác của người còn lại là rất cần thiết để khiến tình hình được cải thiện.

Một nghiên cứu tại Đại học Hope ở Michigan, Mỹ đã cho thấy con người bị căng thẳng về tim mạch đáng kể khi họ hình dung kế hoạch trả thù những người làm đau mình. Nhưng sức ép sẽ giảm đi rất nhiều khi họ mường tượng đến cảnh tha thứ cho những người phạm lỗi.

Các nhà khoa học tại Đại học Stanford (California, Mỹ) cũng tìm thấy những ai biết thứ tha có các cơn giận dữ và triệu chứng stress ít hơn rất nhiều so với những người giữ mãi mối hận.

Điều này còn gây thiệt hại hơn đối với những người yêu nhau vì sự thiếu hoà hợp âm dương sẽ dẫn đến stress nhiều hơn, thậm chí gây rối loạn tâm lý.

Chuyện cũng kể rằng, có một cô gái đã từng đợi để được người yêu tha thứ cho những lần lỡ lời của mình. Ngày Valentine, cô mặc thật đẹp, chải tóc thật kỹ, giả bộ ngồi đọc sách nhưng đôi đồng tử lại đang hướng về một nơi nào khác kia. Cô đợi chàng trai của mình đến trao cho cô bó hoa nhỏ, để mọi giận hờn lại qua đi. Chàng trai ấy đã không đến, chàng không thể rộng lòng hơn một chút để tạo cho cô gái cơ hội. Người khác đã đến đặt vào tay cô gái bó hồng lộng lẫy. Cô gái nhận hoa khi mắt đẫm lệ và từ đó hai người yêu nhau đã không bao giờ còn có thể tha thứ cho nhau nữa. Rất có thể, chàng trai ấy đã mất đi phần quý giá nhất của cuộc đời mình. “Bao dung và đôi khi, chấp nhận, là cách để người ta không mất đi điều không đáng mất”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mùi nói.

Valentine là một cơ hội tốt, hay nói đúng hơn là một cái cớ tốt để mang hoa đến trước cửa nhà người yêu mà nói rằng: “Anh không có ý định năn nỉ em quay về với anh, anh chỉ muốn tặng em hoa như mọi năm anh vẫn làm thế!”. Có thể là ban đầu cô gái đã muốn hàn gắn, nhưng do một điều gì đó như là tự ái cá nhân chẳng hạn khiến cô không vượt qua nổi.

Nhưng vào dịp này, không gian và thời gian tác động vào, cô nhận thấy sự quý giá đích thực và giá trị tốt đẹp của tình yêu, thúc đẩy cô có một tâm thế sẵn sàng quay lại với chàng trai. Lúc đó, không cần quá nhiều lý lẽ, gọi tên sự tha thứ có lẽ là xa xỉ vì bản thân ngày Valentine có một số phận và sức sống riêng rất mạnh mẽ, cũng như đàn ông trên đời sinh ra là để dành cho đàn bà và thánh Valentine đã chết để tình yêu được sống, mãnh liệt và đầy vị tha.

Ở Việt Nam cũng có rất nhiều dịp lễ hội dành riêng cho tình yêu như các liền anh, liền chị hát giao duyên ở Hội Lim, hát ghẹo ở Phú Thọ hay những đám rước có tính phồn thực rất cao. Mỗi người đều có thể tận dụng những cơ hội này để tha thứ và yêu.
 
Theo GĐ&XH

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm