05/12/2023 08:56 GMT+7 | Bóng đá Việt
Đã có 3 CLB đổi tên tại V-League năm nay. Cụ thể Viettel trở về với danh xưng nguyên thủy Thể Công, HAGL dùng tên mới LPBank HAGL còn Quy Nhơn Bình Định gắn thêm nhà tài trợ MerryLand vào phía trước. Đây là lần thứ 3 ở mùa giải 2023/24, VFF áp dụng ngoại lệ để các CLB được phép đổi tên. Bóng đá Việt đang cho thấy sự "dễ dãi" trong việc "thay tên đổi họ" của các đội bóng.
1. Thực tế, các đội bóng đều muốn thể hiện nét đặc trưng và bản sắc khi mang tên địa phương của mình. Dù thế, nhiều CLB vẫn phải ghép tên đội bóng với nhà tài trợ trong thời cuộc "cơm áo, gạo tiền". Nhưng khi khán giả còn chưa quen và chưa biết nhiều về đội bóng đó, họ đã đổi tên.
Từ ngày lên chuyên, những đội bóng - doanh nghiệp bắt đầu xuất hiện với tần suất ngày một nhiều ở mỗi mùa giải. Nghĩa là doanh nghiệp, nhà tài trợ tiếp quản quyền quản lý, bỏ tiền đầu tư, phát triển và đổi lại, tên của họ được xuất hiện trong tên của đội bóng đó.
Hẳn nhiên, việc các đội bóng lựa chọn mô hình kể trên là điều tất yếu trong xu thế bóng đá chuyên nghiệp. Tuy vậy, quá nhiều thương vụ chỉ tồn tại chóng vánh trong vòng 1 mùa giải, thậm chí "đứt gánh giữa đường" vì nhiều lý do, có thể từ phía CLB và cũng có thể từ phía các nhà đầu tư,những người đến với bóng đá nhằm mục đích nào đó chứ không phải là vì niềm đam mê bóng đá hay nhiệt tâm muốn xây dựng bóng đá nước nhà.
Những sự gắn kết mang tính chất manh mún, tạm bợ giữa CLB và doanh nghiệp đã tạo ra hiện tượng hỗn loạn về tên đội bóng, nhiều CLB đổi tên theo mùa.
Sau 23 năm bóng đá Việt Nam tiến lên chuyên nghiệp, quá nhiều CLB tên tuổi lẫy lừng đã bị xóa sổ. Đấy là nỗi đau rất lớn, hay nói cách khác là sự trả giá của cách làm bóng đá chuyên nghiệp nửa vời. Tất cả đều chung lý do, nhà tài trợ yêu cầu phải xuất hiện tên họ.
Nhìn ra thế giới, không bao giờ các đội bóng lớn chấp nhận tên tuổi của họ bị đổi thay, dẫu rằng khoản tiền tài trợ của doanh nghiệp có khổng lồ đi chăng nữa. Cùng lắm, họ chấp nhận bán đi tên gọi của sân bóng.
2. Còn ở nền bóng đá Việt Nam trong giai đoạn chuyên nghiệp hóa, sự thay đổi danh xưng các CLB chính là nét đặc trưng… không giống ai. Các đội bóng phải chấp nhận gắn tên với tên của đơn vị tài trợ để có kinh phí hoạt động.
Đội bóng thì chỉ có 1, trong khi các nhà tài trợ đến rồi đi, và CLB đó cứ phải đổi tên xoành xoạch. Không một doanh nghiệp nào ở Việt Nam khi đầu tư cho bóng đá mà không yêu cầu gắn tên trước, hoặc sau tên CLB.
Cách làm của nhiều đội bóng làvung tiền mua cầu thủ giỏi khắp nơi về hòng đạt thành tích nhất thời, đánh bóng tên tuổi. Khi kết quả không như mong muốn, họ sa sút cả tinh thần cùng sự nhiệt tình đầu tư.
Đấy không phải là cách làm bóng đá "thật". Rất nhiều địa phương đã phải trả giá đắt do giao phó hết cho các ông bầu nhảy vào tài trợ, không chịu đầu tư đào tạo trẻ. Khi doanh nghiệp đột ngột quay lưng thì mọi chuyện đã muộn.
Tóm lại, cách làm bóng đá "thật" cần được cổ súy bởi như thế các đội bóng sẽ luôn tồn tại, dù trước mắt có thể không đạt thành tích cao. Không thể mãi vung tiền để mưu cầu thứ thành tích ảo, đánh mất bản sắc vốn là thứ quý giá nhất mà nhiều địa phương đã nhọc công gây dựng cho đội bóng mình suốt chiều dài lịch sử.
Với các CLB ở ta hiện nay, ưu tiên hàng đầu không phải là thành tích, mà cần xây dựng nên một mô hình công ty thể thao (bóng đá) thực sự chuyên nghiệp. Ở đó, mức lương, thưởng được định giá chuẩn xác so với sự cống hiến, tài năng của các thành viên.
Cần có một bộ phận kinh doanh giỏi, biết khai thác quảng cáo, bán vé, đồ lưu niệm, kêu gọi tài trợ. Họ phải kết nối được với khán giả ruột, để tranh thủ được sự ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần từ các "thượng đế". Tăng cường công tác đào tạo trẻ có chất lượng, để tự cung tự cấp, tạo ra giá trị truyền thống và bản sắc.
Còn không, với mô hình các công ty cổ phần bóng đá chủ yếu là tiêu tiền bằng đá bóng chứ không kinh doanh bóng đá như ở Việt Nam, mọi chuyện đều có thể xảy ra giống như chuyện "thay tên đổi họ" xoành xoạch.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất