US Open 2013: Một lần nữa, xin hãy tin FedEx

29/08/2013 12:33 GMT+7 | Tennis

(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây vài năm, Roger Federer luôn bước vào US Open với tư thế của một ứng cử viên vô địch số 1 với tham vọng bảo vệ thành công danh hiệu đó sau 4 năm liên tiếp giành được. Nhưng…

Chắc chắn Federer không còn là ứng cử viên sáng giá nữa. Điều đó giờ là sự cạnh tranh của Novak Djokovic, Andy Murray, Rafael Nadal. Federer cũng chẳng thể được đánh giá là “ngựa ô” của giải. Hãy nhớ rằng anh là một tay vợt đã từng 17 lần giành danh hiệu Grand Slam. Phải xếp loại hạt giống thấp nhất sau 11 năm (số 7), có lẽ chính Federer cũng khó đánh giá được hiện giờ anh ở vị trí nào trong mắt khán giả cũng như giới chuyên môn.


Lần đầu tiên sau 11 năm, vị trí của Federer mới lại tụt sâu đến vậy

Ở một góc độ nào đó, chúng ta vẫn cần phải công nhận rằng Federer là tay vợt thành công nhất trong lịch sử với bộ sưu tập Grand Slam. Nhưng Federer đã qua cái tuổi 30, anh phù hợp với vai trò một người cha, người chồng mẫu mực hơn là một biểu tượng bất dịch của quần vợt nữa. Cơ thể, sức lực và cả phong độ của Federer đã quay lưng lại với chính anh, khiến cho một “tàu tốc hành” mà người hâm mộ được biết chỉ còn là cái bóng của chính mình. Người được mệnh danh là “ông vua sân cỏ” ấy vừa bị loại ngay từ vòng 2 Wimbledon. Anh để thua trước Federico Delbonis hồi tháng trước tại Hamburg, tay vợt thậm chí còn không đủ điều kiện tham dự vòng đấu loại US Open 2013.


Liệu lần này, Federer có "hồi xuân"?

Nhưng tạo hóa cũng cho mỗi chúng ta quyền được mơ ước và tin vào điều kỳ diệu. Hãy nhìn vào những mặt tích cực còn lại ở một Federer đã đi vào huyền thoại. Anh đã đánh bại Tommy Haas một cách kiên trì trong một trận đấu đầy căng thẳng và không dễ dàng chịu khuất phục trước Rafael Nadal tại Cincinnati 2 tuần trước. Federer đã từng nhiều lần “hồi xuân” khi số đông cho rằng anh đã hết thời và phải nhường đế chế của mình cho Nadal, điển hình là với chức vô địch Roland Garros 2009. Sự kiện đó đã đánh dấu mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp của “tàu tốc hành” khi hoàn thành trọn vẹn bộ sưu tập cả 4 danh hiệu Grand Slam.

Hãy nhớ về Pete Sampras năm 2002. Trước khi đến US Open hồi đó, Sampras chưa giành được bất kỳ danh hiệu nào. Anh cũng bị loại đáng tiếc tại Wimbledon rồi sau đó trở lại mạnh mẽ ở Flushing Meadow và có thêm một chức vô địch Grand Slam nữa. Ở hoàn cảnh này, Federer không khác Sampras nhiều, và chúng ta nên tin vào điều đó. Anh đã khởi động tốt chặng đường của mình với chiến thắng 6-3, 6-2, 7-5 trước Grega Zemljia. Nhưng cách Federer đánh bại đối thủ với 21 lần lên lưới khiến những người yêu mến anh thực sự hài lòng và tiếp tục nuôi dưỡng niềm tin vào “tàu tốc hành”, như nhà tài trợ Nike đã vinh danh anh qua những chiếc áo đấu với các khẩu hiệu: “Đó là Federer”, “Hãy tận hưởng màn trình diễn”, “Cai trị đế chế này”.

Yến Nhi
Thể Thao & Văn Hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm