Ước ao được trở về thời sinh viên

20/11/2009 08:47 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - Ngày 20/11, không học trò nào có thể điện thoại, nhắn tin, gửi hoa đến tất cả thầy giáo trong đời. Tôi chắc vậy, như một lý lẽ bào chữa cho thiếu sót. Tôi nhớ các thầy đã dạy tôi, không chỉ riêng ngày 20/ 11. Ý nghĩa đặc biệt nhất dịp này xin dành cho ký ức thời đại học. Làm sao viết hết quãng đời trẻ trung ấy, khi là sinh viên (SV) khoá 16 (1997 - 2001) Phân viện Báo chí - Tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí Tuyên truyền). Lúc này, tôi chỉ muốn dành nỗi nhớ tới các thầy của tôi.


 Nhà thơ, nhà giáo
Trần Hòa Bình (1956-2008)

Cuộc gặp đầu tiên với thầy Hoàng Anh, người đã tác động, ảnh hưởng mạnh đến việc trau dồi từ vựng, ngôn ngữ, thi pháp của tôi. Thầy sinh năm 1966, quê gần chùa Thầy, học hết phổ thông sang trường Đại học tổng hợp Moskva MGU, bảo vệ xong tiến sĩ thì về nước năm 1995, nhà ở khu tập thể Nhà máy dệt 8/3 - đó là tất cả những gì thầy giới thiệu và tôi biết về đời tư thầy. Thầy nói tiếng Nga giỏi, dịch và hiểu về Nga như người Nga, lại dạy Tiếng Việt thực hành, thế mới siêu chứ!


Thầy Hoàng Anh mê Ivan Bunin và càng ngày tôi càng nhận ra những ấn tượng của nghệ thuật và sự sống không chỉ cần sấm sét núi lửa thác gầm, mà sức quyến rũ và lan tỏa tụ đọng sâu có khi chỉ là “hơi thở nhẹ”. Đó cũng là tên truyện ngắn mà tôi đã tìm đọc và nhớ sau sự khai hoá của thầy. Tôi càng hãnh diện là học trò của thầy, khi có người đi Nga về kể rằng bảng vàng trường MGU có tên Hoàng Anh.

Hồi đó, có một thầy “trai tân” đến trò chuyện ngoại khoá, rất hấp dẫn. Hội trường B200 tập trung toàn khoá 16 và cả các lớp trên, để nghe thần đồng một thuở - nhà thơ Trần Đăng Khoa nói chuyện (đến năm 2000, khi 42 tuổi, thi sĩ mới lấy vợ). Đầu hói, tròn quay trong bộ quân phục - thời trang tứ mùa (chỉ đổi đồ khác khi chuyển sang Đài Tiếng nói Việt Nam năm 2006). Tác giả Hạt gạo làng ta khiến chúng tôi cười nghiêng ngả. Trước câu hỏi: “Có tin đồn nhà thơ yêu nghệ sĩ Minh Vượng, xin hỏi thẳng trả lời thật, đúng không ạ?”. Cực lão luyện nghiệp vụ đi nói chuyện, rất nghề trong thủ pháp câu giờ, tạo gay cấn hồi hộp, sau 15 giây (im phăng phắc), Trần Đăng Khoa thủng thẳng: “Đúng thì tốt chứ sao” (ồ lên). “Nhưng không, tôi với chị Minh Vượng mà yêu nhau thì thành tổ hợp sản xuất chum vại à?”. Hội trường vỡ ra lần nữa.

Hào hoa trong vẻ lãng tử với quần áo bò, ba lô, kính cận mắt tròn, thầy Trần Hoà Bình đầy hấp lực với nhiều thế hệ SV, gần như không ai muốn bỏ giờ hay không nhớ thầy. Không ngồi ghế hoặc chắp tay đằng sau, thầy tựa bàn giáo viên, hút thuốc và giảng. Không cần giáo án. Kiến thức tuôn trào, mê mệt nghe - ghi, quên giải lao. Trông thầy lúc nào cũng như đang yêu.

Sau này, tôi có nhiều dịp gặp khi thầy làm Tầm Thư báo TP và Phó TBT tạp chí Gia đình ở 19 Triệu Việt Vương. Thầy gọi tôi cộng tác, thầy bề bộn bài vở biên tập, minh hoạ, sáng tác... Bao nhiêu lần thầy khoe: “Sang năm tôi lấy vợ”. Thầy hay xưng “mình”, rất dân chủ trong trò chuyện tranh luận, luôn muốn chia sẻ, gần gũi thầy trò như những người bạn tin cậy.

Năm 2003, trước khi tôi đi Pháp, có gặp thầy, thầy bảo: “Mình không cần quà to, đắt tiền, chỉ thích một chiếc bút đẹp của Pháp”. Tôi có mua cây bút bi nước mực đen, có nắp, vỏ in tranh chân dung Napoléon ở Cung điện Versailles, đưa tận tay thầy, thầy thích thú cảm ơn và cài vào túi ngực”.

Nhiều lần, tôi muốn dứt thầy ra khỏi bận rộn, mời thầy đi xem phim, kịch... lần nào thầy cũng bận hoặc về quê, ở xa, chỉ dặn đưa em Trang - con gái độc nhất của thầy, vào xem. Tôi chỉ được xem phim một lần cùng thầy, hồi lớp 6, khi thầy đến chơi với bố tôi, ti vi phát phim Tây du kí. Hôm sau đám tang thầy thì đêm trước tôi mới biết tin dữ, từ Đà Nẵng tôi không kịp về. Tôi có lỗi lớn với thầy. Con người tài hoa của xứ Đoài mây trắng, cả quãng đời không “thêm một” cuộc hôn nhân nào, nhiều người tình vẫn độc thân, vẫn một mình xa nhà vào phút cuối. Thầy Bình đã bình yên, lãng du miền mây trắng.

Không thể còn nguyên được nữa, huống hồ “thêm một” dù chỉ một thôi, như bài thơ của Trần Hoà Bình. Đời người chỉ có một lần làm SV. Thật tiếc cho ai bỏ dở đại học hay học mà chểnh mảng, bỏ giờ trốn tiết. Tôi ước ao trở về 12 năm trước, để lại bắt đầu đời SV. Tôi sẽ học giỏi hơn, chăm hơn, gần gũi quan tâm các thầy hơn trong đời sống để thêm nhiều kỉ niệm. Không thể trở về tuổi trẻ, song chắc chắn tôi không lúc nào quên các thầy tôi.

Vi Thùy Linh (nhà thơ)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm