07/03/2013 07:08 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - 1. Mấy ngày nay, “cụ” rùa hồ Gươm lại lên báo. Không thể phủ nhận từ xưa đến nay “cụ” luôn được quan tâm đặc biệt.
Ngày trước, việc thân thể “cụ” vốn lở loét, biến dạng khiến mọi người đều lo sốt vó. Bao nhiêu cuộc hội thảo, bao nhiêu nhà khoa học vào cuộc ngồi trên bờ chẩn bệnh dưới nước cho “cụ”.
Người ta lo “cụ” bị sát thương do thân lớn, tuổi cao, “cụ” có thể va chạm với các vật sắc nhọn ở đáy hồ Lục Thủy. Có người bảo “cụ” bị lưỡi câu móc vào. Vị PGS chuyên nghiên cứu về rùa lại cho rằng “cụ” có thể bị rùa tai đỏ gặm mai.
Rồi người ta bàn, lấy mẫu AND của “cụ”, gắn chíp điện tử theo dõi, tắm thuốc... Thật may mắn, bằng sự lỗ lực của rất nhiều người, “cụ” đã thoát khỏi vòng nguy hiểm.
Qua đó mới thấy chúng ta đã ứng xử, nâng niu “cụ” thế nào. Mới đây, bất ngờ “cụ” lại được nâng tầm một lần nữa. Số là, sau khi cứu sống “cụ”, tức là bảo tồn thành công cụ về mặt “văn hóa vật thể”, có người lại muốn bảo tồn “cụ” thêm lần nữa về mặt “phi vật thể”. PGS Hà Đình Đức vừa đề nghị với lãnh đạo TP Hà Nội khẩn trương xem xét trình lên Chính phủ để nghiên cứu, phê duyệt việc công nhận “cá thể rùa Hồ Gươm”, và nghe đâu kèm theo tiêu bản lưu tại đền Ngọc Sơn, làm bảo vật quốc gia.
2. Hồ Gươm chứa đựng truyền thuyết linh thiêng được ký thác vào một sinh vật tồn tại bằng xương bằng thịt là “cụ”. Dưới mặt nước hồ xanh kia, linh vật ấy đang ăn, nghỉ, bơi lội và thỉnh thoảng lại nổi lên cho dân tình chiêm ngưỡng.
Để trở thành bảo vật quốc gia, theo luật, phải có hồ sơ theo những tiêu chuẩn của Luật Di sản. Thứ nhất, cụ phải là hiện vật gốc độc bản; rồi cụ là hiện vật có hình thức độc đáo. Không cần bàn nhiều cũng hiểu, hai tiêu chuẩn trên cụ có thể đáp ứng được.
Nhưng còn một loạt tiêu chí khác, như phải là hiện vật có giá trị đặc biệt liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước hoặc liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu; hoặc là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu, có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định; hoặc là mẫu vật tự nhiên chứng minh cho các giai đoạn hình thành và phát triển của lịch sử trái đất, lịch sử tự nhiên…
Không biết “cụ” có đáp ứng được các “tiêu chí khắt khe” kia hay không, nhưng đề xuất trên cũng là một cách chúng ta ứng xử với “nhân vật huyền thoại” đồng thời cũng là một động vật sống theo cách nhân văn.
Nhưng lại chợt nghĩ, tôn vinh “cụ” bây giờ chưa phải là danh sách bảo vật khắt khe kia, mà là một thứ gọi là sách đỏ, nơi người ta dành cho cụ mỹ từ: “Có nguy cơ tuyệt chủng cao”. Ngẫm mà thấy lo…
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất