Luật công bằng tài chính của UEFA sẽ chỉ tạo ra sự bất công?

17/07/2011 19:06 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH Cuối tuần) - Năm 1973, ban nhạc huyền thoại của Anh Pink Floyd đã cho ra mắt một bài hát mà 37 năm sau tình cờ trở thành sự thật trong thế giới bóng đá.

Ca khúc Money của Roger Waters trong album The Dark Side Of The Moon khởi đầu bằng tuyên bố “Money, get away” (tiền bạc, hãy biến đi) và kết thúc đoạn đầu tiên bằng “I’ll buy me a football team” (tôi sẽ tự mua cho mình một đội bóng đá”. Waters hẳn không ngờ rằng tác phẩm vào những năm 1970 của ông là điều mà một cựu cầu thủ Nancy giờ là Chủ tịch LĐBĐ châu Âu (UEFA) sẽ áp dụng để chấm dứt hy vọng chiến thắng, hay thậm chí chỉ là tham gia, những giải đấu cấp CLB của UEFA với bất cứ ai dự tính tạo ra sức mạnh tài chính vượt trội cho một đội bóng mà họ bỏ tiền túi ra mua.

Michel Platini, Chủ tịch UEFA, người khởi xướng Luật công bằng tài chính.- Ảnh Getty

Về mặt hình thức, Luật Công bằng tài chính của Michel Platini và các cộng sự có vẻ như là một động thái hay ho cho bóng đá. Cũng là hợp lý khi cho rằng bất cứ cá nhân, doanh nghiệp hay đế chế kinh tế nào cũng không thể cứ chấp nhận mãi những khoản lỗ ở một CLB bóng đá, dù bằng tiền túi hay tiền đi vay. Những nhà tài chính nhanh nhảu thậm chí có thể so sánh các vụ đầu tư vào những đội bóng châu Âu hiện giờ, đặc biệt là ở Premier League, với bong bóng bất động sản gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa rồi ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, bóng đá không phải là như thế.

Theo luật mà UEFA công bố vào tháng 5, nếu như các chế tài cấm tham dự Champions League và Europa League được áp dụng ngay trong mùa giải 2012-2013, 14 đội bóng ở Premier League mùa trước sẽ không được đá cúp châu Âu mùa sau, đồng nghĩa với việc một suất dự Europa League sẽ thuộc về đội vô địch Championship. Để hoàn tất bức tranh điên rồ, điều này không chỉ diễn ra ở Anh, mà cho cả phần còn lại của châu Âu. Liệu hàng triệu khán giả có đến sân và ngồi trước màn hình mỗi tối để xem những đội Serie B đá với những đội Championship và Segunda Division?

Dù cho nhìn theo quan điểm này, thì luật công bằng mới của UEFA đều khó lý giải và có nguy cơ phản tác dụng, nhất là ở chữ công bằng, giá trị cốt lõi mà Platini tin rằng ông đang theo đuổi sau khi leo lên chiếc ghế hiện giờ nhờ sự ủng hộ của các liên đoàn ở những nền bóng đá nhỏ hơn tại châu Âu. Các CLB lớn ở châu Âu đã chơi ở Champions League trong 15 - 20 năm, có thu nhập cao hơn rất nhiều so với phần còn lại, có thể chi tiêu thoải mái vào chi phí chuyển nhượng và quỹ lương. Nếu những đội bóng mới nổi muốn chen chân vào sự thống trị của một vài gã khổng lồ trên khắp châu Âu, Barcelona và Real Madrid ở Tây Ban Nha; Inter Milan, AC Milan và Juventus ở Italia; Bayern và Dortmund ở Đức và bộ tứ ở Anh, thì cách duy nhất lúc này có lẽ là nhận được sự tài trợ từ những ông chủ giàu có. Đó là cách Chelsea phá vỡ sự đàn áp của M.U và Arsenal với giải Ngoại hạng bảy năm trước và Manchester City đang lăm le tiếp bước.

Luật công bằng sẽ khiến những cuộc đổi ngôi khó diễn ra hơn còn ở một điểm khác. Do các biện pháp chế tài chưa được áp dụng ngay mùa này, mà có ba năm thử thách, các CLB tham dự Champions League sẽ có thêm ba mùa giải nữa để thu xếp xong các vấn đề tài chính của họ. Giả sử họ làm được, mà nhiều khả năng họ sẽ đều làm được, thì khi đó với tình hình tài chính vững mạnh và nguồn thu tốt nhất nhờ Champions League, khoảng cách của sự bất bình đẳng sẽ ngày càng bị nới rộng, chứ không phải được thu hẹp.

Làm sao Platini có thể cùng lúc vừa chúc mừng một đội bóng với tầm vóc và tham vọng khiêm tốn như Fulham sau khi họ vào chung kết Europa League, vừa vạch ra các biện pháp đảm bảo rằng họ sẽ không thể chi đủ tiền trên thị trường chuyển nhượng và vào quỹ lương để có thể vươn lên vị trí cho phép họ được tham dự cúp châu Âu? Luật công bằng, do đó, có vẻ như sẽ chỉ duy trì nguyên trạng, cộng thêm việc loại bỏ các đội với doanh thu ít ỏi từ tiền bán vé, không có nhiều CĐV và doanh số thương mại thấp ra khỏi cuộc đua đến đỉnh cao.

Nếu với một hộ gia đình, một doanh nghiệp, một nền kinh tế, chi tiêu trong khả năng thu nhập là điều hoàn toàn hợp lý, thì trong thể thao điều đó không hẳn đã đúng. Ngăn cản một CLB chi tiền như họ muốn, và như các ông chủ của họ có thể, là hoàn toàn bất công, nhất là khi điều đó diễn ra đột ngột sau hàng trăm năm các đội bóng được tự do trên thị trường. Rất nhiều những gã khổng lồ lớn nhất hiện giờ ở châu Âu đã không làm gì khác ngoài việc chi tiền để vươn lên đỉnh cao, thu hút nhiều CĐV hơn, tăng doanh số thương mại, tiền bán vé và bản quyền truyền hình. Giờ đây, nếu luật mới thành hiện thực, nó sẽ lấy đi cơ hội và đóng lại cánh cửa đến thành công của những CLB nhỏ.

Về mặt tài chính, các đội bóng yếu thế hơn ở châu Âu cũng sẽ thiệt thòi nếu luật mới có hiệu lực. Giống như một kim tự tháp, tiền bạc từ những ông chủ “cá mập” như Roman Abramovich hay Sheikh Mansour từ trên đỉnh sẽ chảy dần xuống đáy. Chính các đội bóng nhỏ sẽ hưởng lợi từ điều đó, như cách mà Man.City mua Stefan Savic và trả cho Partizan Belgrade khoản tiền 6 triệu bảng, đủ để CLB Serbia chi lương cho toàn bộ đội hình trong nhiều năm, hay như khi Chelsea mua Yuri Zhirkov, Didier Drogba hay Nicolas Anelka.

Ý tưởng lãng mạn về việc xây dựng một đội bóng có thể vô địch Champions League từ một lò đào tạo trẻ là rất đẹp, nhưng không có nhiều tính hiện thực cho lắm. Ngay chính Barca với lò đào tạo La Masia trứ danh cũng đã phải bỏ ra không ít tiền cho những hợp đồng khủng mới có được đội bóng như ngày hôm nay. Yêu cầu các CLB chi thêm tiền cho hệ thống đào tạo trẻ là hợp lý, nhưng hạn chế chi tiêu của họ trên thị trường chuyển nhượng, nơi nhiều đội bóng nhỏ trông cậy để tăng doanh thu, rõ ràng không phải là cách để khuyến khích đầu tư cho các tài năng triển vọng.

Trần Trọng


Giải vô địch của những con nợ

Mười đội bóng đang mắc nợ nhiều bậc nhất ở châu Âu đều là những gương mặt quen thuộc của Champions League và là kẻ thống trị ở trong nước. Danh sách cụ thể như sau:

Đội bóng  Nợ*

1. M.U 716

2. Chelsea 701

3. Valencia 501

4. Liverpool 351

5. Man.City 300

6. Real Madrid 296

7. Barcelona 273

8. AS Roma 271

9. Schalke 234

10. Arsenal 203

* đơn vị tính: triệu bảng

Luật công bằng, những điểm chính:

Chuyển nhượng: Luật công bằng được chờ đợi sẽ hạn chế các hợp đồng chuyển nhượng quá lớn, nhưng các CLB có thể lách luật bằng cách kéo dài thời gian chi trả khoản phí. Chẳng hạn, thay vì trả 50 triệu bảng một lần cho Fernando Torres, Chelsea có thể chia hợp đồng ra làm năm năm và trả 10 triệu mỗi năm.

Lương: Tin xấu cho các cầu thủ khi những CLB vốn dĩ đã muốn cắt giảm lương, luật mới sẽ khiến các hợp đồng lương khủng trở nên khó thực hiện hơn.

Đào tạo trẻ: Luật mới không giới hạn chi cho đào tạo trẻ, nên những người ủng hộ hy vọng các ông chủ do đó sẽ tăng cường đầu tư cho các cầu thủ tiềm năng bản địa. Tuy nhiên, điều này là không chắc chắn do việc bán cầu thủ kiếm lời trở nên khó khăn hơn.

Các cúp châu Âu: Những đội bóng không đáp ứng được yêu cầu sẽ bị loại khỏi các cúp châu Âu sau ba mùa nữa.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm