01/12/2011 09:04 GMT+7 | Bóng đá Việt
(TT&VH) - Trụ sở của LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) nằm ngay ở Kuala Lumpur, Malaysia. Mỗi năm, bao chuyến các vị lãnh đạo sang đây công cán. Thế mà, chẳng có cách gì học được chút kinh nghiệm bổ ích của bóng đá đất nước này.
1. Có câu chuyện đã thành giai thoại ở miền Trung thế này. Lãnh đạo một tờ báo địa phương A luôn không hài lòng về chất lượng cũng như sự phát triển của báo mình. Lúc nào có thể, cũng lôi tờ báo địa phương B (láng giềng) ra so sánh. Thậm chí tổ chức họp để bàn giải pháp qua mặt tờ báo kia hẳn hoi.
Họp cả ngày, ai cũng mặt mày bơ phờ vì mệt, căng thẳng mà vẫn không tìm ra giải pháp. Đúng lúc đó anh bảo vệ chạy vào đưa tay phát biểu: “Tôi có đề xuất. Chúng ta nên hợp tác với báo bạn theo kiểu trao đổi hay tương tác cán bộ. Cứ đưa toàn bộ ê kíp BBT, phóng viên báo ta ra nắm báo bạn, ngược lại báo bạn cũng thế, vào đây hết. Tôi đảm bảo một tháng sau báo ta sẽ lên, còn báo bạn sẽ… nát ra”.
Chẳng cần học đâu xa xôi, chỉ cần bóng đá VN làm được như bóng đá Malaysia (phải)
thì người hâm mộ cũng được nhờ. Ảnh: VSI
2. Nghe câu chuyện này, chợt liên tưởng vui: nếu có phép màu, lãnh đạo VFF sang thay lãnh đạo LĐBĐ Malaysia (FAM), thay vào đó lãnh đạo FAM sang thế chỗ các sếp VFF thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra, có khi chỉ vài năm sau là bóng đá VN vô địch cả AFF Cup lẫn SEA Games.
Quả thật bây giờ, ngoài bóng đá Thái Lan, chúng ta từ vị thế của ứng viên nặng ký đã bắt đầu ngán đủ loại đối thủ: Myanmar, Indonesia, Malaysia, Timor Leste và thậm chí cả… Lào. Có nghĩa, để vô địch được trước đã khó nay càng nan giải thêm.
Bóng đá VN hòa nhập với dòng chảy thế giới đã hơn 2 thập kỷ, thế mà không thể ngóc đầu nổi, dứt khoát do năng lực quản lý có vấn đề.
VFF cũng hay tự hào là quan hệ quốc tế ngày càng tốt lên. Với LĐBĐ châu Á (AFC), LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) cũng vậy. Ông Tổng thư ký VFF Trần Quốc Tuấn quá tự hào khi được bầu là Ủy viên BCH AFC nhiệm kỳ 2011 - 2015. Ông Dương Vũ Lâm thì làm Phó Chủ tịch AFF kiêm trưởng ban Trọng tài AFF.
VFF luôn tự hào có truyền thống học hỏi, tham quan các nền bóng đá tiên tiến. Nhật Bản luôn là địa chỉ đỏ. Vậy mà không hiểu sao càng học về thì bóng đá VN lại phát triển không có chút hơi hướm gì của bóng đá Nhật. Xuất ngoại họp hành cập nhật thông tin thì thường xuyên, cũng rồi đâu vào đấy.
Trụ sở của AFF thì nằm ngay ở Kuala Lumpur (Malaysia). Mỗi năm, bao chuyến các vị lãnh đạo VFF sang đây công cán. Thế mà, chẳng có cách gì học được chút kinh nghiệm bổ ích của bóng đá đất nước này.
Giải VĐQG họ đâu cần ngoại binh, ĐTQG không nhập tịch, vậy mà càng ngày càng đi lên. Dân ta cái gì cũng thích hoành tráng. Đi học tập cũng phải ra khỏi cái “ao làng” Đông Nam Á, trong khi chưa hẳn “ao nhà” đã hoàn toàn “đục”.
3. Thực ra, không phải bóng đá, nhiều lĩnh vực khác các chuyên gia nước ngoài giỏi vào làm việc ở ta cũng rất khó vì môi trường làm việc chưa ổn, nhiều rào cản cố hữu. Riêng bóng đá, khỏi cần phân tích cũng thấy rất rõ nhiều ngôi sao nước ngoài vào đá giải ta vài mùa là hỏng ngay. Thậm chí hỏng nhanh một cách đáng kinh ngạc. Cầu thủ Thái Lan sang ta, không ít tên tuổi đã chìm nghỉm. Về đá giải họ thì lột xác trở lại. Với môi trường thế, chắc chắn các cầu thủ Malaysia sang đá V-League cũng dễ sa sút.
Cho đến giờ phút này, VFF vẫn chưa tìm ra một con đường chuẩn để đi. VPF ra đời, cũng do một nhóm ông bầu khởi xướng, vất vả đấu tranh với VFF mãi mới thành hiện thực.
Giữa học và hành khoảng cách quá xa nhau. Cũng phải chấp nhận thất bát vài năm nữa, vì lãnh đạo VFF 2 nhiệm kỳ liên tục toàn người ngoài bóng đá điều hành, nhưng chỉ chuyên về nghiên cứu, làm đề tài khoa học và… họp.
NGỌC HÒA
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất