Nhân sự của đội U23 Việt Nam: Hậu quả của bóng đá 'ăn xổi'

04/06/2013 14:00 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Trong khoảng 4, 5 năm trở lại đây, kể từ sau thời kỳ “hoàng kim” ở giai đoạn 2007-2008, với suất chơi tứ kết Asian Cup 2007, lọt vào đến vòng đấu loại thứ 3 Olympic Bắc Kinh 2008 và chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008, bóng đá Việt Nam ở các cấp độ ĐTQG đang chịu cảm giác khủng hoảng nhân sự. Ban đầu là vấn đề ở hàng công, khi các tiền đạo nội có nguy cơ “tuyệt chủng” vì không cạnh tranh được vị trí với đồng nghiệp ngoại quốc trong màu áo CLB; giờ, đến vấn đề ở vị trí trung vệ.

Mạnh Hùng (phải) là trung vệ rất có tiềm năng nhưng chưa đủ kinh nghiệm và năng lực để đá chính ở ĐT U23 Việt Nam. Ảnh: VSI

Bằng chứng rõ nhất là biểu đồ thành tích của nền bóng đá ở cấp độ ĐTQG đi xuống không phanh. Giải pháp nào tiếp theo, hay sẽ tiếp tục đi vay mượn, vá víu?!

1. Kỷ nguyên lên chuyên của bóng đá Việt Nam bắt đầu từ đầu những năm 2000, với sự hiện diện của những người nước ngoài. Cầu thủ ngoại là gói kích cầu tất yếu để nâng cao trình độ cho nền bóng đá xứ sở. Nhưng, chính sự lạm dụng, với căn bệnh vị thành tích của hầu hết các đội bóng Việt Nam, đã khiến cho chủ trương tưởng như đúng đắn này biến tướng. Việc nhập tịch hàng loạt cho những cầu thủ người nước ngoài với phương châm “yếu trâu hơn khỏe bò” là một tính toán sai lầm có thể cảm nhận bằng mắt thường.

Nhưng, cũng chẳng sao! Há chẳng phải bóng đá là một cuộc chơi (dù cuộc chơi ấy cực hao tiền tốn của) và phần lớn các ông chủ doanh nghiệp khi bắt tay vào làm bóng đá, đều xuất phát từ đam mê, từ “chơi bóng đá” đấy sao? Họ có tiền và có quyền mua niềm vui cho riêng mình. Một thời gian dài những người chịu trách nhiệm trực tiếp với sự tồn vong của nền bóng đá đã khoán trắng cho doanh nghiệp, hay chính xác hơn là cho các ông bầu. Đó là một sai lầm nữa. VFF (và VPF bây giờ) không phải không có những lựa chọn khác!

Bóng đá là của cộng đồng, của cả xã hội, nhưng bóng đá Việt Nam cấp CLB ngay lúc này chưa thể thỏa mãn tiêu chí tối thiểu ấy. Người ta nói HA.GL của của bầu Đức, chứ ai nói đội bóng là của người Gia Lai đâu? Tương tự với SHB.ĐN, HN.T&T của bầu Hiển, V.NB là của bầu Trường…

2. Trước khi V-League xuất hiện, chúng ta chưa từng chịu một cuộc khủng hoảng thiếu nào trên bình diện các ĐTQG. Ngược lại, Việt Nam từng vỗ ngực tự hào với bè bạn về “thế hệ vàng”, mà cho đến bây giờ nhiều đứa trẻ sinh sau năm 2000 vẫn còn nhắc tên. Thế còn lúc này? ĐT Việt Nam thua tan nát ở AFF Cup 2010 vì tâm lý tự mãn; các ĐT U23 QG cũng mất mặt ở các sân chơi SEA Games 2009 và 2011 và mới đây nhất, sự bẽ bàng mang tên AFF Cup 2012 là câu trả lời quá thỏa đáng cho sự đi xuống có hệ thống.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng cơ bản là vấn đề nhân sự, thiếu trước hụt sau. Khi chúng ta không sở hữu những tiền đạo giỏi để giải quyết bàn thắng và giải quyết trận đấu, tất không thể giành chiến thắng. Trong khi đó, hàng phòng ngự (và thủ môn) lại liên tục mắc sai lầm.

Khi sự tiến bộ của nền bóng đá với đầu ra là các ĐTQG chưa thấy đâu, quay trở lại các giải đấu trong nước, có thể thấy là chúng ta vẫn đang dậm chân tại đúng vạch xuất phát. Chưa một đội bóng Việt Nam nào đủ sức giành danh hiệu tại giải đấu cấp châu lục dành cho CLB. Đấy là một thước đo chuẩn mực cho tham vọng của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Sự khó khăn kéo dài của nền kinh tế có thể sẽ kéo V-League trở lại thời kỳ “đồ đá” cũng không chừng!

TRẦN HẢI
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm