U23 Việt Nam: Sức mạnh của 'người mới'

14/09/2013 19:13 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu lấy kỳ SEA Games cuối cùng mà đội tuyển U23 Việt Nam giành huy chương bạc bóng đá nam là tại Vientiane (Lào) vào năm 2009 làm cột mốc, thì SEA Games 27 sắp tới có lẽ là giải mà bóng đá nam Việt Nam được xem là có ít cơ hội nhất để đoạt được thứ hạng cao, dù năm nay chỉ tiêu mà Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) giao cho thầy trò huấn luyện viên Hoàng Văn Phúc là phải vào tới trận chung kết.

Nói thế là bởi U23 Việt Nam hiện thua kém nhiều so với các lứa U23 trước đây, từ vị trí cao nhất là huấn luyện viên trưởng cho tới các cầu thủ. Chỉ mới cách đây khoảng năm, sáu năm, giữa đội tuyển quốc gia Việt Nam và U23 gần như không có sự phân biệt rõ ràng, vì rất nhiều tuyển thủ là trụ cột ở U23 Việt Nam và đồng thời cũng sắm vai trò tương tự ở đội tuyển quốc gia.

Còn bây giờ, trong số 25 tuyển thủ U23 hiện tại, chỉ có ba người thường xuyên khoác áo đội tuyển quốc gia trong một năm trở lại đây là Văn Quyết, Mạnh Dũng và Hồng Quân, nhưng không ai trong số này có vị trí chính thức ở đội tuyển Việt Nam. 



U23 Việt Nam có nhiều nhân tố mới. Ảnh: V.S.I

Không những thế, thành phần U23 Việt Nam chuẩn bị cho SEA Games 27 còn có sự góp mặt của chín cầu thủ từ giải hạng Nhất 2013, trong đó đội vô địch giải hạng Nhất 2013 là QNK Quảng Nam lại không có ai, trong khi hai đội có thành tích trung bình là Tập đoàn cao su Đồng Tháp và Hà Nội lại góp tới sáu người.

Thành phần cầu thủ như thế, không có nhiều hy vọng vào tới trận chung kết như nhiệm vụ VFF giao phó. SEA Games 25 ở Lào năm 2009, U23 Việt Nam chỉ có duy nhất một tuyển thủ đến từ giải hạng Nhất là Thành Lương (Hà Nội ACB), còn 19 người khác đều chơi ở V-League, nhưng cũng không thể bước lên ngôi cao nhất.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là SEA Games 27 với U23 Việt Nam xem như đã kết thúc. Nhược điểm của ĐT U23 Việt Nam hiện tại là thành phần nhân sự quá mới mẻ, từ quân tới tướng, nhưng đây cũng có thể được xem là ưu điểm, bởi vì mới lạ như thế nên họ sẽ không được kỳ vọng nhiều, và đồng nghĩa với việc sẽ không phải gánh lên vai quá nhiều áp lực.

SEA Games 25 năm 2009, áp lực của U23 Việt Nam là rất lớn, vì một năm trước, huấn luyện viên Henrique Calisto vừa dẫn dắt đội tuyển Việt Nam đoạt chức vô địch AFF Cup 2008. Còn tại SEA Games 26 năm 2011, huấn luyện viên U23 Việt Nam Falko Goetz là ông thầy ngoại có bằng cấp huấn luyện “khủng” nhất từ trước tới nay của bóng đá Việt Nam, nên hy vọng và sức ép cũng là rất lớn.

Còn hành trang của ông Hoàng Văn Phúc trước khi chính thức nhận nhiệm vụ ở U23 Việt Nam chỉ là đang đứng đội sổ giải hạng Nhất 2013 cùng Câu lạc bộ Hà Nội. Tức là, so với những người tiền nhiệm như Calisto, Goetz hay thậm chí Phan Thanh Hùng, huấ luyện viên Hoàng Văn Phúc không có gì nhiều để mất. Cũng như các học trò, lợi thế của ông Phúc là sự mới lạ và khát khao vươn lên khẳng định mình.

Danh sách U23 Việt Nam

Huấn luyện viên trưởng: Hoàng Văn Phúc

Trợ lý: Nguyễn Văn Sỹ, Phùng Thanh Phương, Quách Ngọc Minh

Các cầu thủ: Nguyên Mạnh, Mạnh Hùng, Đình Hoàng, Hoàng Thịnh, Phi Sơn, Ngọc Hải (Sông Lam Nghệ An), Tiến Thành (Vicem Hải Phòng), Quang Hùng, Danh Ngọc, Mạnh Dũng (Vissai Ninh Bình), Văn Thắng, Hồng Quân (Thanh Hóa), Văn Quyết, Ngọc Đức (Hà Nội T&T), Minh Tuấn (SHB Đà Nẵng), Hoàng Thiên (Hoàng Anh Gia Lai), Bửu Ngọc, Thanh Hào, Thanh Hiền (Tập đoàn cao su Đồng Thái), Huy Hùng, Xuân Hùng, Văn Đại (Câu lạc bộ Hà Nội), Tuấn Linh, Hải Huy, Minh Tuấn (Than Quảng Ninh)


Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm