28/03/2023 08:05 GMT+7 | Bóng đá Việt
Không có thất bại nào tốt cả. Thất bại nhiều quá càng chẳng giúp gì. Vấn đề là nếu không có thất bại, thì cũng khó mà có thành công nên quan trọng nhất vẫn là cách chúng ta kiểm soát thất bại. Đó chính là điều cần thiết với U23 Việt Nam lúc này.
Những gì tồi tệ nhất đang xảy ra ở U23 Việt Nam không phải là các tỷ số thua đậm đà, mà là những so sánh đang xuất hiện ngày một dày đặc hơn giữa 2 triều đại Park Hang Seo và Philippe Troussier. Tất nhiên là chuyện này trước sau gì cũng xảy đến, chỉ có điều nó đến sớm và mang theo nhiều yếu tố gai góc hơn đối với một người mới như ông Troussier.
Rất khó để làm việc nếu luôn ở trạng thái bị so sánh, đã thế, lại còn so với một người tiền nhiệm đã quá thành công. Có thể bằng kinh nghiệm và sự từng trải của mình, ông Troussier không bị tác động gì, nhưng không thể nói là cầu thủ của ông, trợ lý của ông hay ngay cả những người về lý thuyết là "ông chủ" của ông, không bị ảnh hưởng.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa là mọi thứ đều tồi tệ. Ông Troussier biết rất rõ những gì HLV Park Hang Seo đã làm, và ông chọn cách trực diện đối đầu với thách thức. Không khó để thấy ông Troussier cố gắng đưa triết lý của mình vào các đội tuyển càng sớm càng tốt.
Trong một số pha phối hợp, chúng ta thấy ý đồ khá rõ ràng, cầu thủ của ông Troussier xử lý nhanh gọn mà đưa được bóng vào lưới thì sẽ có một bàn thắng đẹp. Ở độ tuổi U23, cái cần thiết là sự tự do trong tư duy chơi bóng, và có thể đó là thứ mà ông Troussier muốn "người của mình" lĩnh hội, dù với cái giá phải trả rất đắt.
Thứ tốt đẹp kế tiếp trong các kết quả không vui, chính là những tỷ số "như gáo nước lạnh". Bóng đá Việt Nam hiện nằm trong khoảng thứ hạng 15-20 của châu Á. Dưới thời HLV Park Hang Seo, chúng ta có một số kết quả thành công khi đối đầu với những đội bóng trong tốp 10, nhưng thực sự không biết rõ cái khoảng cách ấy đã được thu hẹp đến mức nào. Với những tỷ số đậm đà vừa qua, ít nhất chúng ta cũng biết rằng nếu chơi đôi công với họ thì con đường đến tấm vé World Cup sẽ còn rất xa, trong khi mục tiêu mà ông Troussier nhận từ VFF là lại rầt gần, năm 2026.
Phải chăng chúng ta cần trở lại với cách tiếp cận trận đấu "biết mình, biết người" hơn là một cuộc phiêu lưu tìm cách phá vỡ các giới hạn bản thân. Trước khi lên đường sang Qatar, ông Troussier đã bổ sung và sau đó, chủ yếu sử dụng những cầu thủ mà ông từng biết hồi còn làm U19 Việt Nam. Chi tiết này cho thấy ông cũng thấy được những vấn đề của lứa cầu thủ trẻ hiện nay, nên buộc phải dùng "người của mình" để thể hiện triết lý. Ông muốn có được những cách tiếp cận mới cho các trận đấu tầm cao, nhưng rõ ràng, kết quả không được như ý.
Bóng đá Việt Nam không dễ thay đổi như ông Troussier hình dung. Từ lâu, chúng ta đã quen xây dựng các thành công dựa trên yếu tố thế hệ cộng với sự may mắn của thời cuộc, trong khi về bản chất của nền bóng đá thì chưa có sự chuyển biến rõ rệt nào trong hơn 2 thập kỷ qua.
Sau đợt tập trung này, các cầu thủ sẽ trở lại CLB, trở lại với cách chơi bóng ít sáng tạo mà V-League vẫn đang có hiện nay. Những triết lý của ông Troussier không biết sẽ trôi về đâu khi đa số các cầu thủ trẻ của ông còn chưa có chỗ đứng vững chắc tại những đội mà họ đang khoác áo.
Thế nên, câu chuyện không vui ở Doha Cup cần được xem là một cơ hội quý giá để chúng ta chọn lựa một lối chơi "biết mình, biết người", có những điều chỉnh về nhiều khía cạnh trong cách vận hành đội tuyển và những bước đi kế tiếp trong kế hoạch mà ông Troussier đã vạch ra với những nhà quản lý.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất