U22 Việt Nam: Thử nghiệm và cái giá để thay đổi tư duy

03/05/2023 06:29 GMT+7 | SEA Games 32

U22 Việt Nam giành chiến thắng 2-0 trước U22 Lào trong một trận đấu nhạt nhoà và không có nhiều dấu ấn, nhưng có lẽ đây là cái giá mà HLV Philippe Troussier bắt buộc phải chấp nhận trong nỗ lực cải tổ toàn diện bóng đá Việt Nam ở cấp độ ĐTQG.

Ngày 30/4 vừa qua, U22 Việt Nam đã có trận mở màn chiến dịch vòng loại SEA Games 32 với chiến thắng 2-0 trước U22 Lào. Đây có thể coi là trận đấu tệ với thầy trò HLV Troussier do không thể kiểm soát bóng nhỉnh hơn đối thủ. Thậm chí, cuối hiệp 2, nếu đội bóng xứ sở triệu voi dứt điểm tốt thì trận đấu đã đi theo một hướng khác.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến trận đấu không tốt của U22 Việt Nam, HLV Troussier cho rằng kết quả là điều quan trọng nhất. Ông hài lòng khi có một chiến thắng trong ngày ra quân. Tuy nhiên, nếu nhìn thực tế trên sân đấu, vị chiến lược gia người Pháp có nhiều lý do để lo lắng.

Bộ đôi tiền vệ trung tâm hoàn toàn mới mẻ là Đức Phú – Thái Sơn thi đấu tốt ở khoảng 10 phút đầu, nhưng sau đó không còn kiểm soát được nhịp độ trận đấu. Các đường chuyền bị vội và thiếu đi sự tự tin, nhịp nhấn nhá. Điều này khiến 2 bên hành lang cánh và bộ ba tiền đạo có ít bóng để hoạt động.

Văn Tùng, Thanh Nhàn, Văn Đô còn phải lùi xuống khu vực giữa sân hỗ trợ triển khai lối chơi. Một số bài tập luyện phối hợp bộ ba tam giác "trên lý thuyết" không áp dụng được trong thực tế. Cả Đức Phú và Thái Sơn chưa thực sự làm chủ được khoảng trống chơi bóng ở giữa sân.

Thử nghiệm tiếp theo mang tên Hồ Văn Cường cũng chưa đem đến kết quả tốt. Cầu thủ thuộc biên chế CLB SLNA tỏ ra "khớp tâm lý" khi lần đầu đá chính tại SEA Games. Hậu vệ sinh năm 2003 lạc nhịp trong những tình huống phối hợp, leo biên cùng Thanh Nhàn.

SEA Games 32, SEA Games, U22 Việt Nam, Troussier, HLV Troussier

HLV Troussier vẫn chưa thu được quả ngọt từ. những thử nghiệm của mình ở U22 Việt Nam. Ảnh: Hoàng Linh

Bước sang hiệp 2, HLV Troussier thực hiện một số thay đổi khi đưa Công Đến, Văn Khang, Quốc Việt vào sân. "Bài chữa cháy" này không hiệu quả tức thì. U22 Việt Nam vẫn phải chơi đôi công, thậm chí bị đối thủ lấn lướt, trước khi có bàn ấn định chiến thắng nhọc nhằn cuối trận.

Việc U22 Việt Nam chơi chuệch choạc, không hiệu quả có nhiều nguyên nhân để lý giải. Nó có thể đến từ cách vận hành lối chơi, thích nghi của cầu thủ, điểm rơi phong độ. Đoàn quân áo đỏ vừa kết thúc chuyến tập huấn Vũng Tàu kéo dài khoảng 10 ngày cách đây chưa lâu.

Khối lượng tập luyện được nhả dần để "những chiến binh sao vàng" đạt phong độ tốt, thanh thoát nhất ở trận đấu quan trọng, nên lối chơi phần nào rời rạc, thiếu nét của U22 Việt Nam có thể lý giải theo hướng đó. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là thời gian để thay đổi tư duy, cách chơi, kiểm soát bóng.

Hơn một tháng là không đủ để các cầu thủ áo đỏ "hấp thụ" hết toàn bộ triết lý, cách vận hành. Thậm chí, chính Văn Khang, Văn Trường, Quốc Việt, Duy Cương…phải thay đổi thói quen chơi bóng, tư duy bản thân để phù hợp.

HLV Troussier vẫn tỏ ra rất cương quyết với mục tiêu mình đang theo đuổi: "Từ trước đến nay, Việt Nam tập trung phòng ngự, chờ phản công, giành được nhiều thắng lợi ở cấp độ Đông Nam Á. Nhưng khi vươn ra châu Á, đá 10 trận thì thua 8 dù vẫn duy trì lối chơi như vậy. Muốn tiếp cận châu Á hay thế giới phải vượt qua ranh giới của chúng ta".

Trước khi đưa ra một kết luận về những gì HLV Troussier và U22 đang thể hiện, nhiều người cũng nên nhìn nhận lại bóng đá Việt Nam có gì. Các lò đào tạo trong nước có sẵn sàng và được đồng bộ để tạo ra lối chơi ban bật, kiểm soát bóng trước khi ông thầy người Pháp đến hay không?

Để theo đuổi triết lý kiểm soát bóng, HLV Troussier gần như đang phải làm lại từ đầu. Ông thầy người Pháp không chọn một thành tích hay lối chơi an toàn để đảm bảo chỗ đứng trước khi "reset" lại nền bóng đá Việt Nam, nhưng lựa chọn này có thể sẽ đem đến cho ông một cái giá đắt khi không phải ai cũng cho ông thời gian và sự kiên nhẫn.

Minh Dân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm