U19 Việt Nam và hai mặt của tấm huy chương

29/10/2016 11:42 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Không có cơn mưa tiền thưởng cho chiếc HCĐ giải U19 châu Á mà thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn vừa giành được, lần xa luân chiến đất Bahrain. Điều đó không quan trọng, ngược lại, nó còn là niềm may...

May không vì bởi người trẻ, học trò ông Tuấn, chưa đến tuổi tiêu tiền, tự nhiên có cục tiền rơi vào đầu thậm chí còn sinh tật. Thưởng phạt phải phân minh, nhưng thứ quan trọng hơn cả vật chất, đấy là tình yêu, niềm tin từ người hâm mộ mà các cầu thủ U19 Việt Nam tạo dựng được. Nó thực sự rất đáng quý, khi chỉ một năm trước thôi, niềm tin với nền bóng đá và các giải đấu đã gần như chạm đáy.

Thành công của U19 Việt Nam (và trước đó là U16 Việt Nam) tại sân chơi tầm châu lục, sẽ buộc những nhà quản lý - điều hành nền bóng đá phải nghĩ khác đi, phải xắn tay vào chăm bẵm nhiều hơn nữa cho bóng đá trẻ, điều đáng ra phải được duy trì liên tục, thay vì khoán trắng cho tư nhân, cho doanh nghiệp và cho xã hội. Đấy là mặt tích cực của một tấm huy chương: Thu hút nguồn lực đầu tư, còn mặt sau, đương nhiên nó được đánh đổi bằng bao mồ hôi, máu và nước mắt của tập thể đội bóng, trên thao trường và ngoài thực chiến.


Với các cầu thủ U19 Việt Nam tiền thưởng không phải là thứ quan trọng nhất.Ảnh: Thanh Hà

Đề cập đến điều này, thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, trong quá khứ và cả hiện tại chưa có biểu hiện dừng lại, không thể dứt được căn bệnh thành tích. Vì thành tích mà người ta chực sẵn kế hoạch kéo ngôi sao số 1 Ánh Viên, VĐV đã đạt đẳng cấp Olympic, về Việt Nam để 'thả' xuống bể bơi. Đấy chỉ là một trong số vô vàn những câu chuyện ở xứ sở này. Với các địa phương nghèo, muốn có ngân sách đầu tư cho thể thao, họ buộc phải săn tìm huy chương cho bằng được, nếu không muốn 'sống chết mặc bay'. Và, lại câu chuyện con gà và quả trứng, một vòng luẩn quẩn không hồi kết, không lối ra.

Chia sẻ với chúng tôi trước khi khăn gói quy cố hương, khi bị loại sớm ở giải U21 QG đang diễn ra ở Cẩm Phả, cả BHL U21 Đồng Tháp và U21 An Giang một giọng thểu não: "Biết là khó địch lại những ông lớn như Hà Nội T&T, HAGL hay chủ nhà Quảng Ninh, nhưng nếu may mắn lọt vào bán kết, tức là có huy chương đồng, khi về cũng dễ ăn nói, đề xuất này nọ". Song có lẽ 2 đại diện miền Tây thân cô thế yếu cũng không cần phải buồn nhiều, bởi đến ngay cả PVF và Long An, cũng bị loại ngay sau vòng bảng U21 QG - Cup Clear Men 2016 kết thúc nữa là...

U19 Việt Nam thua U19 Nhật Bản 0-3 ở trận bán kết giải U19 châu Á 2016


Như Thể thao & Văn hóa đã nhiều lần đề cập, đầu tư phát triển thể thao không thể mua đứt bán đoạn, hay gặt lúa trời được, kiểu được chăng hay chớ. Nó cần một chiến lược tầm quốc gia, lâu dài và có lớp lang, cần những con người làm thể thao thực sự, làm bóng đá thực sự, cấm vụ lợi. Những thành công ban đầu ở đấu trường Olympic hay các giải trẻ châu Á mới đây, mới chỉ là bước đầu, mở ra kỳ vọng một nền thể thao triển vọng. Song để duy trì, để chiếm lĩnh đỉnh cao, cần thêm rất nhiều thời gian, hao tốn nhiều tài lực và sinh lực nữa.

Trong một chia sẻ với Thể thao & Văn hoá, mới đây thôi, cựu HLV trưởng ĐT Việt Nam Henrique Calisto nói rằng, nếu người ta chỉ cần những chiếc Cúp, những tấm huy chương để làm đẹp phòng truyền thống, thì có thể ra chợ mua một rổ về mà trưng bày. Để những chiếc Cúp và huy chương phát huy tối đa tác dụng, những người làm thể thao không được phép thôi nỗ lực. Đây là mặt tích cực khác của một danh hiệu, một tấm huy chương: Khơi gợi và hối thúc chúng ta hành động, thay vì tự huyễn hoặc.

Trở về sau VCK giải châu Á, những cầu thủ trẻ sẽ tiếp tục phấn đấu không mệt mỏi. Theo các chuyên gia hàng đầu, môi trường phấn đấu - phát triển nắm vai trò quyết định cho thành công của cầu thủ trẻ sau này. V-League dù chưa thật lý tưởng, chưa kiện toàn thậm chí cả về luật chơi, nhưng lại là cánh cửa - nấc thang gần như duy nhất để cầu thủ bước lên, mưu sinh và mơ mộng một ngày đá cho ĐTQG.

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm