U19 Việt Nam và những tiếng thở dài

10/01/2014 06:50 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ trong vòng 180 phút của 2 trận đấu đầu tiên tại giải bóng đá U19 quốc tế 2014, ĐT U19 Việt Nam đã mang lại cho người hâm mộ TP.HCM những cảm xúc hoàn toàn trái ngược nhau. Đầu tiên là sự phấn khích và hy vọng với màn trình diễn ấn tượng trước U19 AS Roma, nhưng chỉ sau đó 2 ngày, thất bại 0-7 trước U19 Nhật Bản đã khiến những phấn khích và hy vọng trước đấy bị thay bằng nỗi buồn và tiếng thở dài.

Không ai lên tiếng trách cứ hay phê phán U19 Việt Nam, bởi các tuyển thủ đều đã thi đấu hết sức, chỉ là trước một đối thủ vượt trội về mọi mặt, các học trò của HLV Guillaume Graechen đã không thể có cơ hội làm nên bất ngờ.

Trên khán đài sân Thống Nhất ở trận U19 Việt Nam-U19 Nhật Bản vẫn vang lên những tiếng suýt xoa hoặc chắt lưỡi thán phục của khán giả TP.HCM sau mỗi tình huống hoặc pha xử lý bóng hoàn hảo của cầu thủ dưới sân, nhưng đối tượng được khen ngợi thì đã hoàn toàn thay đổi, không phải là U19 Việt Nam như ở ngày khai mạc với U19 AS Roma mà lại là U19 Nhật Bản.

2. Rõ ràng sự khác biệt về đẳng cấp giữa 2 nền bóng đá không thể được san lấp hoặc khiêm tốn hơn là rút ngắn chỉ bằng một lứa cầu thủ trẻ nhiều hy vọng. Nếu U19 Việt Nam chỉ có một vài cái tên xuất sắc nổi trội như Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng, Đông Triều hay Văn Toàn, thì cầu thủ nào của U19 Nhật Bản cũng là những ngôi sao hứa hẹn.

Bản thân HLV Guillaume khi phát biểu trong cuộc họp báo sau trận đấu cũng phải thừa nhận rằng U19 Nhật Bản sở hữu những cá nhân đồng đều và xuất sắc hơn so với U19 Việt Nam.

Mô hình đào tạo của Học viện HA.GL Arsenal JMG có thể là rất tiên tiến và hiện đại so với những lò đào tạo trẻ khác trong cả nước, nhưng để so sánh với công tác đào tạo trẻ của bóng đá Nhật Bản thì quả thật chúng ta vẫn còn thua kém người ta một chặng đường rất xa.

3. Trong khi không ít tuyển thủ U19 Nhật Bản đều đã thi đấu ở giải J-League 1 hoặc J-League 2, thì tuyệt đại đa số tuyển thủ U19 Việt Nam đều chưa được thử lửa ở sân chơi hạng Nhất hoặc giải VĐQG. Thậm chí, những cầu thủ từ Học viện HA.GL Arsenal JMG đóng vai trò trụ cột trong đội hình U19 Việt Nam như Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng, Đông Triều hay Văn Toàn mới chỉ được trải nghiệm cảm giác thi đấu đối kháng thực sự sau một thời gian dài luyện tập khép kín.

Bên cạnh đó, trong suốt hành trình từ VCK giải U19 Đông Nam Á 2013 cho tới vòng loại VCK giải U19 châu Á 2014, U19 Việt Nam hầu như chưa gặp phải một thử thách nào ở đẳng cấp cao như U19 Nhật Bản.

Nếu nhớ lại rằng ngay cả khi thi đấu ở VCK giải U19 Đông Nam Á 2013 thì U19 Việt Nam cũng không thể hiện được sự áp đảo và vượt trội toàn diện so với các đối thủ trong khu vực, còn tại vòng loại VCK U19 châu Á 2014 thì U19 Australia có thực lực không tương xứng với sức mạnh của nền bóng đá, sẽ thấy việc U19 Việt Nam thi đấu có phần hơi chủ quan trước U19 Nhật Bản và phải nhận thất bại tan nát là điều hoàn toàn dễ hiểu.

4. Sau hơn 20 năm hội nhập trở lại với sân chơi quốc tế, bóng đá Việt Nam chỉ có duy nhất một chức vô địch AFF Cup cùng một lần tham dự VCK Asian Cup với tư cách chủ nhà, trong khi Nhật Bản đã và đang là nền bóng đá số một châu lục, và rất nhiều cầu thủ Nhật Bản đang thi đấu ở những giải VĐQG hàng đầu châu Âu.

Trong khi đó, cầu thủ được xem là xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam hiện tại là Công Vinh cũng chỉ đủ khả năng thi đấu ở giải hạng Nhì Nhật Bản, và việc Công Vinh sang đầu quân cho CLB Consadole Sapporo ít nhiều cũng màu sắc của một bản hợp đồng có tính chất thương mại.

Với chừng ấy dữ kiện như thế, ngay cả khi U19 Việt Nam thủ hoà hoặc đánh bại được U19 Nhật Bản thì cũng không có nghĩa rằng bóng đá Việt Nam đã rút ngắn được khoảng cách về trình độ so với bóng đá Nhật Bản. Bởi thế, thất bại 0-7 của U19 Việt Nam trước U19 Nhật Bản suy cho cùng cũng chẳng phải là một thảm hoạ hay chuyện gì quá đỗi bi kịch, mà chỉ nên coi như một bài học kinh nghiệm hữu ích trong quá trình hội nhập và vươn lên của bóng đá Việt Nam mà thôi.

Chừng nào bóng đá Việt Nam sản sinh cùng lúc được khoảng 40, 50 cầu thủ trẻ tài năng như Xuân Trường, Tuấn Anh, Công Phượng, Đông Triều hay Văn Toàn, và trên cả nước đâu đâu cũng có những lò đào tạo như Học viện HA.GL Arsenal JMG thì có lẽ lúc ấy chúng ta mới bớt phải thở dài mỗi khi các ĐTQG của chúng ta chạm trán với Nhật Bản.

Huy Anh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm