U nang giáp móng

03/09/2020 17:30 GMT+7 | Bạn cần biết

(Thethaovanhoa.vn) - U nang giáp móng là bệnh lý bẩm sinh ở vùng cổ, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nếu không điều trị, u nang giáp móng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng nang giáp, rò mủ qua da hoặc vào họng, suy giáp, ung thư nang giáp lưỡi,...

Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long điều trị thành công bệnh tim bẩm sinh tím

Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long điều trị thành công bệnh tim bẩm sinh tím

Tất cả các dị tật của tim hoặc các mạch máu lớn có ngay từ lúc sinh ra đều được gọi là bệnh tim bẩm sinh. Bệnh tim bẩm sinh tím - Cyanotic congenital heart disease (CCHD) là một bệnh tim bẩm sinh gây ra nồng độ oxy trong máu thấp làm da có màu tím tái.

1. U nang giáp móng là gì?

Chú thích ảnh

Nang giáp móng là bệnh lý bẩm sinh hay gặp nhất trong các loại u nang vùng cổ. Bệnh có nguồn gốc từ sự phát triển bất thường của ống giáp lưỡi trong quá trình biệt hóa hình thành các cơ quan vùng đầu - mặt - cổ trong thời kỳ phôi thai.

Cơ chế bệnh sinh như sau: Trong bào thai, quá trình hình thành tuyến giáp có sự liên thông với lưỡi bằng ống giáp lưỡi. Về sau, ống giáp lưỡi teo dần và biến mất. Trong trường hợp do một nguyên nhân nào đó, ống giáp lưỡi không tiêu đi mà vẫn tồn tại thì sẽ tạo thành các nang kín nằm giữa sàn miệng, trên hoặc dưới xương móng. Nang này phát triển to dần, được gọi là nang ống giáp lưỡi hoặc nang giáp móng.

Nang giáp móng hay gặp ở trẻ em. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể gặp ở người trưởng thành và người cao tuổi.

Chú thích ảnh
Vị trí của nang giáp móng

2. Triệu chứng lâm sàng của u nang giáp móng

Xuất hiện một khối u có kích thước bằng viên bi hoặc to hơn quả quất nổi gồ ở da vùng cổ trước, tương ứng với vị trí xương móng, dính vào xương móng, da phủ bình thường. Khối u di động theo nhịp nuốt, khi sờ lên sẽ thấy căng nhưng không đau;

Nếu không điều trị, nang giáp móng sẽ bị bội nhiễm, sưng nóng, đỏ, tự vỡ mủ có lẫn dịch nhầy, tạo lỗ rò chảy dịch vàng. Lỗ rò thỉnh thoảng tự bít kín miệng, sau vài hôm lại bị sưng tấy, khiến da quanh lỗ rò bị viêm, dày lên. Thời gian rò kéo dài tạo thành ống rò chắc như dây thừng;

Hiếm gặp: Có một khối u nang thay đổi kích thước, gây nuốt khó, lỗ rò nhiễm trùng to. Có trường hợp nang giáp móng không nằm ở vùng cổ trước mà nằm ở bên cổ trước hoặc nằm trong tuyến giáp. Có trường hợp nang giáp móng bị cốt hóa do ống giáp lưỡi bị kẹt lại trong khi xương móng đang phát triển;

Chọc hút có dịch nhầy.

Chú thích ảnh

3. Chẩn đoán u nang giáp móng

Sử dụng một số xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh để đánh giá, tiên lượng và chẩn đoán u nang giáp móng:

Siêu âm tuyến giáp:

Là một trong những xét nghiệm hình ảnh được đáp dụng với độ tin cậy cao để phân biệt hình thái u nang giáp móng với các khối u khác vùng trước cổ. Ưu điểm của siêu âm tuyến giáp là xác định được khối u tái phát không sờ thấy sau phẫu thuật, xác định được tuyến giáp bình thường, kiểu nhu mô của tuyến giáp;

Chụp X-quang có bơm thuốc cản quang vào nang hoặc đường rò:

Để thu thập thêm các thông tin hình ảnh về mối liên quan của nang đường rò ống giáp lưỡi với xương móng và các cấu trúc giải phẫu lân cận. Bệnh nhân thường được chụp X-quang có bơm thuốc cản quang với tư thế thẳng, miệng chếch;

Chụp cắt lớp vi tính (CT scan):

Cung cấp thông tin chính xác về vị trí, kích thước, đặc điểm và sự liên quan với các cấu trúc xung quanh của nang và ống nang. Ngoài ra, CT scan còn có giá trị cao trong chẩn đoán nang giáp móng xuất hiện ở cạnh đường giữa cổ;

Chụp cộng hưởng từ (MRI):

Là phương pháp cung cấp cho bác sĩ những thông tin chi tiết về nang giáp móng và sự liên quan của nó với các cấu trúc xung quanh.

4. Điều trị u nang giáp móng

Nếu không điều trị kịp thời, bệnh u nang giáp móng có thể gây các biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng nang giáp (gây sưng nóng, đỏ, đau kèm áp xe mủ), rò rỉ mủ qua da hoặc vào họng, tái phát sau phẫu thuật, gây biến dạng vùng cổ, suy giáp, ung thư nang giáp lưỡi,...

Phương pháp điều trị u nang giáp móng duy nhất là phẫu thuật (thủ thuật Sistrunk). Đây là phương pháp mổ dọc theo đường giữa cổ, cắt lấy bỏ toàn bộ nang giáp móng, đường ống dưới xương móng, thân xương móng, đường ống trên xương móng và khoảng 3mm mô lưỡi ở xung quanh.

Chú thích ảnh

Tuy nhiên, việc điều trị u nang giáp móng có thể không đạt được hiệu quả như mong muốn do những yếu tố như: chỉ cắt nang đơn thuần, không kèm theo cắt đoạn thân xương móng (gây tái phát với tỷ lệ lên tới 59 - 100%). Còn nếu điều trị u nang giáp móng bằng cách chọc hút, nạo, chích, rạch, đốt lỗ rò thì tỷ lệ tái phát lên tới 100%. Dấu hiệu tái phát u nang giáp móng có thể xuất hiện ngay sau khi người bệnh đang nằm viện điều trị hoặc sau nhiều năm. Trung bình, sau điều trị khoảng 4 tháng, bệnh nhân có thể bị tái phát u nang giáp móng với các biểu hiện như khối mô viêm, nang giả, rò dịch nhầy quánh từ vết mổ.

Nếu không phát hiện và điều trị sớm, u nang giáp móng có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường. Vì vậy, khi có dấu hiệu cảnh báo bệnh lý này, bệnh nhân nên sớm đi thăm khám để được chẩn đoán.

                            Bs.CK2 Trần Phước Hòa – BV Hoàn Mỹ Cửu Long

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm