Thể thao & Cuộc sống: Nữ bác sĩ siêu giỏi, đam mê quần đùi áo số

02/03/2022 07:16 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - 3 lần nhận Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch cho những thành tích xuất sắc trong ngành y, Bí thư Đoàn thanh niên năng nổ của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM… Nhưng đó chưa phải là tất cả về nữ bác sĩ Nguyệt Anh. Chị còn là một cầu thủ với niềm đam mê trái bóng bất tận.

Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2): 'Hoa' cho ngày thầy thuốc

Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2): 'Hoa' cho ngày thầy thuốc

Những ngày qua, liên tiếp nhiều bệnh viện, cơ sở y tế thông báo không tổ chức lễ, không nhận hoa, quà vào dịp kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2.

Yêu thể thao, nghiên cứu y học thể thao

Đó là bác sĩ Huỳnh Phương Nguyệt Anh, 35 tuổi, công tác tại Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Yêu thích thể thao từ nhỏ, đặc biệt là đá bóng, từ khi là học sinh, sinh viên cho tới bây giờ là bác sĩ, bóng đá mang lại niềm vui, sự cân bằng trong học tập và nghiên cứu những công trình khoa học của nữ bác sĩ. Cứ sắp xếp được thời gian rảnh, chị ra sân, xả hơi sau thời gian căng thẳng ở bệnh viện.

Nữ bác sĩ Nguyệt Anh tham gia nhiều giải Futsal nữ và đạt nhiều thành tích. Chị và đồng đội giành huy chương đồng giải futsal nữ Đại hội thể dục thể thao TP.HCM lần 8, được Chủ tịch UBND quận 5 tặng bằng khen. Chị giành Giải nhất, nhì các năm 2019, 2018 môn bóng đá nữ hội thao công nhân viên chức lao động Công đoàn khối cơ sở Bộ Y tế...

Đam mê thể thao, say mê với trái bóng tròn, nữ bác sĩ đang công tác tại khoa Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM rất quan tâm tới các chấn thương trong thể thao, những cách điều trị mới, làm sao để vận động viên sớm quay trở lại với sự nghiệp thi đấu.

Niềm đam mê với thể thao càng khiến bác sĩ Nguyệt Anh quan tâm tới các chấn thương trong thể thao, cách thức điều trị của các vận động viên. Một kỷ niệm khó quên là ngày chị phỏng vấn vào làm việc tại bệnh viện, giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đặt câu hỏi “Tại sao ở Việt Nam cũng mổ dây chằng chéo, nước ngoài cũng mổ dây chằng chéo nhưng người ta lại thường chọn ra nước ngoài để điều trị?”. Chị đã trả lời là do điều trị mổ và do hệ thống điều trị đa chuyên khoa, vật lý trị liệu, dinh dưỡng cho bệnh nhân… “Đó là lý do tôi muốn phát triển y học thể thao hơn nữa, để giúp vận động viên có thể bình phục chấn thương ở ngay tại Việt Nam, sớm quay trở lại thi đấu”, Nguyệt Anh nói.

Chú thích ảnh
Nguyệt Anh hàng sau, thứ 2 từ phải qua

Trong thời gian công tác, bác sĩ Nguyệt Anh từng điều trị cho một số cầu thủ như Công Phượng, Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Phong Hồng Duy… và đang điều trị cho một số cầu thủ nữ futsal. Lợi thế chơi thể thao, từng thi đấu ở nhiều giải đấu giúp nữ bác sĩ trẻ thấu hiểu tâm lý của người bệnh, đồng thời càng hiểu rõ hơn những vấn đề vận động viên đang gặp phải để dễ dàng chia sẻ, hỗ trợ, điều trị cho người bệnh.

“Tôi từng gặp chấn thương trong thể thao. Tôi cũng hiểu trong thể thao, mỗi bộ môn sẽ gặp những chấn thương riêng. Điều trị cho vận động viên là phải cá nhân hóa, không chỉ điều trị chấn thương mà còn cần điều trị cả về tâm lý”, nữ bác sĩ 35 tuổi nói.

35 tuổi, độc thân, dành phần lớn thời gian cho công việc chuyên môn ở bệnh viện, nghiên cứu khoa học, đến nay bác sĩ đam mê thể thao đã có 2 công trình nghiên cứu khoa học thành công và được ứng dụng tại bệnh viện là “Xác định giá trị ngưỡng và tính khả lặp của phép đo mức di lệch mâm chày ra trước trên khớp gối bình thường người Việt Nam bằng dụng cụ KT – 1000” và “Phẫu thuật nội soi khớp cổ chân sử dụng dụng cụ khớp gối: tính khả thi, an toàn và hiệu quả”.

Hiện tại, bác sĩ Nguyệt Anh và các đồng đội thực hiện đề tài nội soi khớp cổ tay. Theo bác sĩ, nhiều người mới chỉ nghe nhiều về nội soi khớp gối, khớp háng… mới đây nội soi các khớp nhỏ như khớp cổ tay mới được quan tâm.

Cái khó của thực hiện nội soi khớp nhỏ là bệnh nhân thường bỏ sót, ít quan tâm và việc thực hiện cũng cần những dụng cụ chuyên biệt, đắt tiền. Vì vậy hiện chưa có nhiều bệnh viện đầu tư. Bởi vậy, với những bệnh nhân bị chấn thương khớp cổ tay thường sẽ vẫn phải thực hiện mổ mở, quá trình điều trị chưa thực sự triệt để. Đây cũng là lý do để nhóm của bác sĩ Nguyệt Anh nghiên cứu đề tài này, đáp ứng với yêu cầu điều trị của bệnh nhân.

Chú thích ảnh
Nguyệt Anh (bìa phải)

Hai lần trong tâm dịch

Giỏi chuyên môn, khao khát cống hiến trong cộng đồng, tới nay nữ bác sĩ Nguyệt Anh đã 2 lần ở trong tâm dịch Covid-19: Một là ở Bắc Giang, và hai là ở ngay ở Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM khi thành phố bước vào làn sóng dịch thứ 4 khốc liệt nhất của năm 2021.

Nữ bác sĩ cho biết trong đời hơn 10 năm công tác của mình, chưa bao giờ chị chứng kiến nhiều bệnh nhân rời xa vòng tay của y bác sĩ như thế, nhiều đồng nghiệp trẻ bị sốc, sang chấn tâm lý. Chị động viên mọi người, xốc lại tinh thần mọi người và thường xuyên nhắc rằng không một ai trong chúng ta mong muốn lặp lại những hình ảnh đau thương này thêm một lần nào nữa. Là người thầy thuốc, chị nhắc mình và các đồng nghiệp tạm gác những cảm xúc đau buồn sang một bên, nhiệm vụ của người thầy thuốc phải là cứu người, làm sao để ngày càng giảm đi những ca diễn biến nặng, tử vong. “Nhưng niềm hạnh phúc của chúng tôi, đó là những nụ cười của người bệnh, những người đã bình phục gửi lời cảm ơn. Và lứa y bác sĩ được thử lửa qua đợt dịch khốc liệt này đã trưởng thành nhanh chóng”, chị xúc động.

Nữ bác sĩ Nguyệt Anh 3 lần nhận giải thưởng Phạm Ngọc Thạch (các năm 2019, 2020, 2022) cho những bác sĩ trẻ có thành tựu xuất sắc.

Năm 2021, chị nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ khen thưởng cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19 tại đợt dịch lần thứ 4. Chị cũng nhận bằng khen của UBND tỉnh Bắc Giang khen tặng đã có đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Trước đó, năm 2020 chị được tuyên dương “Thầy thuốc trẻ tiêu biểu” tại Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam; Bằng khen Thành đoàn TP.HCM về khen tặng thanh niên tiên tiến TP.HCM làm theo lời Bác.

Nam Sơn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm