10/10/2011 10:36 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Cô từng được xem là người phụ nữ dũng cảm nhất Mexico, khi dám ngồi vào ghế cảnh sát trưởng một thị trấn đang bị các băng buôn ma túy hoành hành, với hy vọng hướng tiếp cận phi bạo lực của mình có thể giúp giảm bạo lực. Nhưng nỗ lực đầy thiện chí của Marisol Valles García đã khiến cô suýt mất mạng và giờ đang phải lánh nạn trên đất Mỹ.
Đứng trên một dải đất cao ở El Paso, Texas, Mỹ và nhìn ngang qua sông Rio Grande, Marisol Valles Garcia có thể nhìn thấy gần như rõ ràng quê nhà mình ở Mexico. Nhưng điều nghiệt ngã là cô không thể trở lại.
Ngồi ghế nóng vì muốn tạo thay đổi
Valles từng có thời kỳ làm cảnh sát trưởng thị trấn Praxedis G Guerrero, một địa điểm cách biên giới Mỹ chỉ vài cây số. Vị trí địa lý có một không hai này, cộng với thực tế hoạt động buôn bán ma túy xuyên biên giới Mỹ - Mexico đạt mốc 300 tỉ USD/năm, đã nhanh chóng đẩy Praxedis vào vòng lốc xoáy bạo lực của cuộc chiến ma túy.
Hơn 40.000 người đã thiệt mạng kể từ khi Tổng thống Mexico Felipe Calderon tuyên bố chống lại các băng buôn bán ma túy hồi năm 2006. Khu vực bang Chihuahua, nơi có thị trấn nhỏ Praxedis, là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Năm ngoái riêng Chihuahua đã có gần 4.500 người bị giết và các băng buôn bán ma túy vừa tàn sát lẫn nhau lẫn những người vô tội trong quá trình tranh giành quyền kiểm soát những tuyến đường buôn bán ma túy giá trị.
Từng hy vọng sẽ dùng biện pháp đấu tranh phi bạo lực để chống lại tội phạm ma túy,
Marisol Valles Garcia giờ phải chạy sang Mỹ để bảo vệ mạng sống
Praxedis nằm ngay ở trung tâm chiến trường khốc liệt này. Kết cục là người tiền nhiệm của Valles, Juan Manuel Carbajal, 45 tuổi, đã bị bắn chết khi ông đang lái xe qua các con phố ở thị trấn Caseta. Người tiền nhiệm của Carbajal, ông Martin Castro Martinez, 62 tuổi, thậm chí còn bị bắt cóc 4 ngày trước khi chính thức nhận ghế cảnh sát trưởng. Những tay sát thủ đã chặt đầu người đàn ông khốn khổ và để nó trong một chiếc hộp đựng đá ngoài đồn cảnh sát.
Vì lẽ đó khi Valles chấp nhận ngồi vào ghế cảnh sát trưởng, báo chí đã tung hô cô là người phụ nữ dũng cảm nhất nước. Không ít người khác nghĩ Valles có vấn đề về... thần kinh. Cá nhân cô có những lý do riêng. “Tôi đã nghĩ mình có thể tạo nên sự thay đổi. Tôi tin rằng một cô gái địa phương như mình, chỉ dùng vũ khí là lời nói và giao tiếp bình thường, biết đâu có thể cải thiện tình hình”.
Ký ức của Valles về Praxedis chứa đầy những hình ảnh thanh bình, đầy những lễ hội và các buổi khiêu vũ tập thể đáng nhớ. Nhưng khi cô lớn lên, tình hình cũng thay đổi. “Nhiều kẻ lạ mặt tìm tới thị trấn. Rồi mọi người biến mất một cách bí ẩn. Đó là những người bạn tôi từng cắp sách tới trường cùng. Có lúc thi thể của họ xuất hiện trên phố, nhưng đôi khi họ biến mất không một dấu vết. Đầu tiên mọi người đều sốc. Nhưng sau một thời gian, khi anh đã quen với chuyện đó thì nó xảy ra càng lúc càng nhiều” - cô kể - “Những đứa trẻ tôi từng đi học cùng, vốn nhút nhát e dè, bắt đầu phóng như bay trên những chiếc xe đắt tiền. Tôi hỏi chúng kiếm tiền ở đâu ra và chúng chỉ nhún vai. Nhưng ai cũng biết chúng lấy tiền ở đâu ra”.
Sống trong sợ hãi
Valles còn nhớ rõ một người bạn thân tên Aaron. Chàng trai 22 tuổi này sống bằng nghề bán bánh mỳ và rất vui vẻ, thân thiện với cô. Nhưng một ngày kia, Aaron bị bắn hạ khi đang lái xe. Ông nội của cậu đang ngồi ở ghế hành khách cũng bị bắn chết.
Vấn đề là Aaron không buôn ma túy, nhưng trong bối cảnh láo nháo ở Praxedis, rất có thể cậu đã bị một băng tội phạm nào đó nghi ngờ và quyết định xử tử để tránh rắc rối. “Khi đó chẳng ai biết được anh có làm việc cho tội phạm ma túy hay không” - Valles đánh giá.
Cơn bão bạo lực mang tới tổn thất lớn cho Praxedis. Trong số những người bạn của Valles, một lượng lớn đã mất tích, bị giết hoặc phải bỏ quê ra đi. Điều này khiến cô nảy sinh quyết tâm ngăn chặn bạo lực. Để chống lại tình trạng tội phạm ở Praxedis, Valles đã sử dụng chiến thuật mới. Cô để việc đối đầu trực tiếp với tội phạm cho lực lượng cảnh sát liên bang và quân đội lo. Cùng với đội ngũ cộng sự 13 cảnh sát, gồm 9 nữ giới, Valles sử dụng chiến thuật mềm dẻo, phi bạo lực để chống tội phạm.
Theo đó, họ sẽ tuyên truyền, vận động, giúp người dân nâng cao các giá trị truyền thống gia đình. Họ cũng triển khai các chương trình giáo dục ở các khu dân cư và tại trường học nhằm lấy lại bầu không khí an ninh trong vùng. Những cá nhân trong nhóm sẽ đi từng nhà để kêu gọi cư dân khôi phục các hoạt động thường nhật của họ như đưa con tới chơi ở các khu vực công cộng trong thị trấn và tái xây dựng không khí cộng đồng.
Bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái, công việc của Valles diễn ra khá ổn. Bất chấp sự nghi ngờ từ dư luận, cô và đội ngũ nhân viên dưới quyền toàn cảnh sát nữ của mình đã đi từng nhà, dùng lời lẽ để giải quyết bạo lực gia đình, khuyên nhủ các bậc phụ huynh nên kiểm soát con cái và tìm cách ngăn chặn thanh thiếu niên rơi vào vòng tay của các băng tội phạm ma túy.
Nhưng từ tháng 2 năm nay, các lời đe dọa bắt đầu xuất hiện. “Tôi đang đi cùng mẹ khi một cú điện thoại lạ xuất hiện trên máy điện thoại di động, với số người gọi không hiển thị. Vì thế tôi hơi nghi ngờ, nhưng nghĩ rằng có ai đó đang đùa mình nên vẫn trả lời điện thoại. Đầu dây bên kia một giọng nói cất lên: “Mày không nhận được tin à? Chúng tao không muốn mày ở đây” - Valles kể - “Tôi tức giận pha lẫn sự hoảng sợ, nhưng vẫn trả lời lại rằng “Tôi không dây dưa với các ông. Tôi không có súng và không quan tâm tới các ông. Tôi chỉ làm công việc của mình là giúp đỡ cộng đồng”.
Valles tiếp tục công việc, nhưng lần này có kèm theo nỗi sợ hãi. “Tôi vẫn đi làm, nhưng càng lúc càng sợ hãi. Mỗi lần một chiếc xe chầm chậm lướt qua, tôi lại tự hỏi đằng sau kính lái tối màu là những ai, liệu họ có nhìn mình với đôi mắt hình viên đạn. Tôi nói chuyện với thị trưởng và ông cũng thừa nhận việc bị đe dọa lấy mạng” - cô kể.
Những cuộc gọi đe dọa tiếp tục tìm tới Valles, mỗi lúc thêm chi tiết về hoạt động đi lại của cô. Các tay tội phạm ma túy nói rằng nếu cô cung cấp thông tin cho chúng về các hoạt động của cảnh sát và các dự án an ninh trong vùng, cô sẽ được để cho sống. Valles biết rõ có người trong lực lượng cảnh sát vẫn bán tin cho tội phạm ma túy và giờ tay này vẫn sống yên ổn trong vùng. Nhưng cô không thể làm vậy.
Tháng 3 vừa qua, không còn chịu nổi những lời đe dọa, Valles đã bỏ trốn khỏi Mexico để bảo vệ tính mạng bản thân. Valles còn nhớ trong ngày nhận được tin dữ, cô đã vội vã đẩy cha mẹ, các chị em, người chồng và đứa con trai mới 1 tuổi của họ vào xe hơi rồi phóng thẳng qua biên giới để sang tị nạn ở Mỹ. Họ đã rời đi kịp lúc. Đêm đó, một toán sát thủ đã ghé thăm nhà của Valles và phá tung mọi thứ khi thấy cô không có ở đó.
“Tôi muốn về nhà. Nhưng tôi không thể rời khỏi đất nước đang che chở mình hiện nay” - Valles rầu rĩ tâm sự.
Tường Linh (Theo Telegraph)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất