Tưởng nhớ NSND Hải Ninh (kỳ 1): Mái tóc mềm và chiếc mũ phớt

23/03/2013 06:49 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Giờ thì "cha đẻ" Em bé Hà Nội vừa yên nghỉ trong đất thủ đô, nơi ông sống và lao động nửa thế kỷ cho điện ảnh Việt Nam (ĐAVN). Sáng 19/3/2013, bình tro hài cốt của đạo diễn, NSND Nguyễn Hải Ninh đã được đặt trong lòng mộ ông, tại nghĩa trang làng Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội.

Trút hơi thở cuối sáng 5/2 (24 Tết), ĐD Hải Ninh - con người ngay ngắn, đức độ, thích sum vầy, không kịp ăn cái Tết cuối cùng đại gia đình, dù ông giục con mua cành đào bích từ đầu tháng Chạp. Đào chưa kịp mua thì đã người ngắm đào đã mất.

Bức chân dung đẹp

Tình cảm với nhiều đồng nghiệp trong cuộc đời làm phim khiến Hải Ninh có một "gia đình lớn" bao chứa gia đình điện ảnh của mình. Khi lo hậu sự cho bố, ĐD Nguyễn Thanh Vân, con trai thứ hai của ông, không tìm thấy bức chân dung nào đẹp mà không đeo kính. Từ trẻ khuôn mặt gầy má hóp đến lúc già da đỏ hồng, vẫn là đôi mắt sáng sau cặp kính, cặp môi dày thường trực nụ cười gần gũi. Tiếng ông cười giòn vang đâu đó trong phòng tang lễ trần cao, ánh mắt ấm áp từ tấm ảnh trìu mến nhìn mọi người đến tiễn biệt.

NSƯT Minh Đức, NSND Đoàn Dũng òa khóc khi nghe Thanh Vân báo tin. NSND Trà Giang nghẹn ngào đi mua vé máy bay ra Hà Nội sáng 6/2, cùng NSND Đoàn Dũng, Thế Anh.

Ông bà Hải Ninh - Hồng Liệu bên hồ Gươm dịp 1000 năm Thăng Long. Ảnh: Thu Hà

Buổi viếng NSND Hải Ninh thành cuộc gặp mặt cuối năm của các thế hệ những người làm ĐAVN giai đoạn lắm khó khăn. Thời gian điểm danh nghệ sĩ, giữa nhớ - quên, còn - mất. Dù giá nào, phép lạ nào, chẳng thể đoàn tụ đủ đầy. Lớp diễn viên điện ảnh (DVĐA) khóa 1 đến đưa tiễn người anh, có các NSƯT: Ngọc Lan, Kim Chi, Thanh Thủy, Lịch Du. Lớp DVĐA khóa 2 có: Đào Bá Sơn, Bùi Bài Bình, Minh Châu, Thanh Quý. Đạo diễn NSƯT Xuân Sơn viết và đọc điếu văn, giọng Nghệ An nghẹn run vì xúc động, nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn và ĐD Đăng Khoa phải đỡ hai bên cánh tay. Nhiều diễn viên, cộng sự các phim của ông, đã tề tựu trong chuỗi khuôn hình của Bộ - phim - Hải -Ninh. Hôm ấy, chưa hẳn là cuốn phim chót. Bởi bộ phim đời ông hợp bởi 15 phim truyện và tài liệu, vẫn chiếu trong ký ức người xem, cảnh này, phần khác.

Sau tấm kính quan tài, ĐD Hải Ninh như đang ngủ, tóc húi cua lạ lẫm. Sinh thời, chưa khi nào ông húi tóc. Người cắt tóc cho ông 30 năm nay chính là Nguyễn Thanh Vân. Anh tiếc đã không kịp chăm sóc cho mái tóc mềm của bố lần cuối.

"Hằng tháng, tôi đều cắt cho bố mẹ. Năm 2001, đưa phim Đời cát đi dự Liên hoan phim quốc tế Singapore, tôi mua bộ kéo chuyên nghiệp, 12 năm không mài mà kéo vẫn sắc, thợ cắt tóc lành nghề phải thèm. Ông nằm viện 9 ngày sau cú hạ đường huyết, hôn mê. Các con cắt cử thay ca vào trông, cô giúp việc thường trực. Tóc ông bết không gội được, cô ấy kêu thợ cắt tóc vào, bảo húi luôn cho sạch, chẳng hỏi ý ai. Tôi không biết nên không kịp ngăn. Cắt tóc hôm trước, hôm sau ông cụ mất".

Mái tóc mềm mại mà ĐD Hải Ninh ngầm tự hào, thường được đội mũ phớt. Ông có nhiều  loại mũ này, hễ ra khỏi nhà là đội mũ.

ĐD Thanh Vân chia sẻ, anh đã để bên bố chiếc mũ phớt đẹp nhất. Mũ này mua tại La Fayette, siêu thị sang nhất Paris, khi anh qua Pháp cùng ĐD Xuân Phượng.

Điện ảnh còn là lý tưởng

ĐD Hải Ninh, người cẩn trọng, kỹ càng trong nghề nghiệp, hóa ra lại gắn với các dấu mốc đầu tiên, dấn thân thể hiện, chinh phục các thể loại. Bộ phim truyện nhựa 2 tập đầu tiên của ĐAVN Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, do ông cùng viết kịch bản suốt 5 năm với Hoàng Tích Chỉ và phim lịch sử cổ trang đầu tiên là: Đêm hội Long Trì, Kiếp phù du. Ê kíp chính sáng tạo Đêm hội Long Trì lần lượt ra đi. NSND Đào Đức thiết kế mỹ thuật, NSƯT Trần Trung Nhàn nhà quay phim rồi đến Hải Ninh.

Hải Ninh, ĐD lứa đầu duy nhất còn lại, nhân chứng của tiến trình điện ảnh cách mạng Việt Nam, đã không thể có mặt ngày hội 60 năm ĐAVN, tổ chức 14/3/2013 tại Nhà hát Lớn, dù ông đã hồ hởi trả lời cho phim của ĐD Nguyễn Thước, hồi tháng 1. Người em gái Trà Giang ra dự sự kiện này, đã đến thắp hương ông chiều 13/3, đúng ngày ĐD Thanh Vân hoàn tất việc xây, lắp bia mộ cho bố.

Điện ảnh, với Hải Ninh, còn là lý tưởng. Năm tháng hôn nhân của vợ chồng ông trùng tuổi của nền điện ảnh cách mạng. Hôm 23/12/2012, ông bà kỷ niệm 59 năm ngày cưới và sau đó sinh nhật ông 81 tuổi ngày 31/12, may có được các bức ảnh quây quầy đầm ấm - những bức ảnh của lần sum họp cuối.

Nguyễn Hải Ninh, chú bé mồ côi cha mẹ ở làng Nhân Dục, xã Hoằng Lý đã gặp thôn nữ xinh đẹp Lê Thị Hồng Liệu, gái làng Hoằng Phúc, thị trấn Bút Sơn, cùng huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa và yêu nhau ngay lần đầu chạm mặt. Họ cưới năm 1953 tại quê. Bất ngờ, yếu nhân góp phần chủ chốt sáng lập nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, đạo diễn Phạm Văn Khoa (1914 - 1982), người nhận Hải Ninh vào ngành này, hơn 30 năm sau, thành thông gia. Năm 1984, hai ông được phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (đợt 1).

NSND Hải Ninh ngừng làm đạo diễn hơn 20 năm, vẫn hòa nhịp thở của nền điện ảnh dân tộc. Ông đã kịp xong kịch bản phim nhựa Bà mẹ ngoại thành và Thung lũng vua (theo tiểu thuyết Cổng trời của Ngôn Vĩnh). Bao giờ ông cũng chăm chút rất kỹ cho phim từ khâu đầu tiên.

Trên bàn làm việc của ông trước lúc đi cấp cứu bệnh viện Việt Xô, vài chục trang về NSND Trà Giang đang dở. Từ nhật ký của diễn viên kỳ cựu và sổ ghi chép, ảnh chụp, ĐD Hải Ninh muốn viết về nữ diễn viên "ruột" mà ông sủng ái. Chiều 6/2/2013, bà Hồng Liệu đã trao lại NSND Trà Giang nhật ký và những trang viết này.

Trong ngôi nhà tường xanh nằm giữa vườn xanh, giờ chỉ còn bà tóc bạc trắng thẫn thờ ngồi ngắm ảnh chồng như còn bóng ông hay đứng bên khung cửa sổ trắng dịu dàng ngắm bà và khu vườn mướt mát những lúc dừng tay viết.

Vi Thùy Linh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm