Tương lai toàn cầu hóa của bóng đá nữ thế giới: Cơ hội nào cho bóng đá Việt Nam?

10/08/2023 06:56 GMT+7 | Bóng đá 24h

Ở kỳ World Cup nữ năm nay, người hâm mộ đã được chứng kiến những điều thực sự thú vị. Không chỉ đến từ sức hấp dẫn của những trận cầu nảy lửa, mà còn là tính chất "toàn cầu hóa" với nhiều ĐTQG tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Ảnh hưởng của bóng đá Mỹ với bóng đá nữ thế giới

Ở kỳ World Cup nữ năm nay, người hâm mộ đã được chứng kiến những điều thực sự thú vị. Không chỉ đến từ sức hấp dẫn của những trận cầu nảy lửa, mà còn là tính chất "toàn cầu hóa" với nhiều ĐTQG tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Một thủ môn đến từ miền nam California, một hậu vệ đến từ Seattle, hay tiền đạo sinh ra tại Washington DC. Đó chỉ là một ví dụ đơn giản khi lướt qua danh sách đăng ký thi đấu của ĐT nữ Philippines tại World Cup nữ 2023. Đây là ĐTQG có tới 18 trong số 23 cầu thủ được sinh ra ở Mỹ và phần lớn đều đã được sử dụng ở kỳ World Cup năm nay.

Tương lai toàn cầu hóa của bóng đá nữ thế giới: Cơ hội nào cho bóng đá Việt Nam? - Ảnh 2.

ĐT nữ Philippines sử dụng nhiều cầu thủ nhập tịch trong đội hình

Tuy nhiên, không chỉ có ĐT nữ Philippines làm như vậy. Bất chấp việc ĐT nữ Mỹ bị loại sớm  từ vòng 1/8, ảnh hưởng của xứ sở cờ hoa đối với các ĐTQG khác ở World Cup nữ 2023 là rất rõ ràng, với hàng chục cầu thủ sinh ra và lớn lên ở Mỹ.

Điều này phản ánh sự toàn cầu hóa của bộ môn thể thao này, với các vận động viên mang hai quốc tịch ngày càng nhiều hơn. Những nữ cầu thủ sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm nghề nghiệp hơn nhờ tài năng sẵn có ở một môi trường chuyên nghiệp, từ khi mới bén duyên với trái bóng tròn.

Một điều thú vị khác khi các cầu thủ nữ sinh ra ở Mỹ đã tìm tới nhiều quốc gia khác để thi đấu, thì điều ngược lại đang xảy ra trong bóng đá nam. Với một lượng lớn các ngôi sao sinh ra và lớn lên ở nước ngoài đang đổ bộ vào Mỹ, người hâm mộ bóng đá xứ sở cờ hoa lại đang chứng kiến nhiều hơn những cái tên nhập tịch ở ĐT bóng đá nam nước này.

Còn nhớ, ở kỳ World Cup 2022, ĐT Mỹ đã trình làng một đội hình gồm nhiều cái tên sinh ra ở nước ngoài, như hậu vệ Antonee Robinson của Fulham, người sinh ra ở Vương quốc Anh. Hậu vệ Sergino Dest sinh ra ở Hà Lan, và có lẽ đáng chú ý nhất là tiền đạo sinh ra ở Mỹ Timothy Weah.

Cha của Timothy Weah chính là tiền đạo huyền thoại ĐT Liberia, trước khi trở thành Tổng thống của quốc gia Tây Phi. Tuy nhiên, thay vì lựa chọn khoác áo ĐT Liberia, Timothy Weah quyết định khoác áo ĐT Mỹ để tham dự World Cup 2022.

Các chuyên gia cho biết có nhiều yếu tố đằng sau xu hướng này, nhưng chủ yếu là do khoảng cách lớn về trình độ và sự phát triển của bóng đá nam và nữ tại Mỹ. ĐT nữ Mỹ thực sự là một thế lực lớn trong làng bóng đá nữ thế giới. Họ giành được 4 chức vô địch World Cup cùng 4 Huy chương Vàng Olympic.

Tương lai toàn cầu hóa của bóng đá nữ thế giới: Cơ hội nào cho bóng đá Việt Nam? - Ảnh 3.

Bóng đá nữ Mỹ là một thế lực thực sự của bóng đá thế giới

Ngược lại, kể từ khi lọt vào bán kết World Cup năm 1930, ĐT bóng đá nam của Mỹ mới chỉ lọt vào tứ kết một lần và chưa bao giờ được coi là ứng cử viên cho chức vô địch thế giới.

Gijsbert Oonk, Giám đốc chương trình nghiên cứu Thể thao Quốc gia tại Đại học Erasmus Rotterdam đã tập trung vào vai trò của quyền công dân và sự dịch chuyển trong bóng đá hiện đại. Ông cho biết rằng "sự khác biệt rõ rệt về trình độ sẽ kéo theo một sự đối lập giữa các lựa chọn nhập tịch và quyền cống hiến cho quốc gia màu cờ sắc áo".

ĐT bóng đá nữ Mỹ phát triển như thế nào?

Các chuyên gia tại Mỹ cho rằng luật dân quyền ở "Mục IX" được thông qua năm 1972, là một trong những lý do quyết định tới sự phát triển của bóng đá nữ Mỹ. Luật cấm phân biệt giới tính tại các trường học đã quy định rõ: nếu các trường đại học cấp học bổng cho các VĐV nam, thì họ cũng phải cấp học bổng cho các VĐV nữ.

Bóng đá trở thành một con đường dẫn đến giáo dục đại học. Do đó, môn thể thao này giúp gia tăng số lượng người tham dự và thúc đẩy các trường đại học đầu tư số tiền khổng lồ vào các chương trình dành cho phụ nữ.

"Trong một môi trường mà thực tế không có nguồn lực nào dành cho các môn thể thao của phụ nữ, "Mục IX" là yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với các vận động viên nữ Mỹ. Có thể phần còn lại của thế giới sẽ không đầu tư vào thể thao nữ, nên đội tuyển bóng đá nữ Mỹ chiếm lợi thế rất lớn khi bước ra đấu trường thế giới", Leander Schaerlaeckens - Giảng viên cao cấp môn Truyền thông thể thao tại Đại học Marist khẳng định.

Tương lai toàn cầu hóa của bóng đá nữ thế giới: Cơ hội nào cho bóng đá Việt Nam? - Ảnh 4.

Mỹ tìm ra hướng phát triển mạnh mẽ bóng đá nữ

Mỹ luôn là quốc gia đi trước đón đầu. Sau 1 năm "Mục IX" chính thức trở thành luật liên bang, lệnh cấm bóng đá nữ đã được gỡ bỏ ở Anh, quốc gia được coi là cái nôi sinh ra bộ môn này. Thậm chí khi đó ở Brazil, một cường quốc của môn bóng đá nam, việc phụ nữ chơi bóng vẫn là bất hợp pháp.

Sau đó, phần còn lại của thế giới dần thay đổi thái độ dành cho bóng đá nữ với tốc độ chóng mặt. "Mục IX" đã giúp Mỹ có một khởi đầu thuận lợi cho sự phát triển ở môn thể thao vua dành cho phái nữ.

Vào thời điểm các cường quốc bóng đá trên thế giới bắt đầu đầu tư vào bóng đá nữ, vốn chỉ mới diễn ra tương đối gần đây, thì nước Mỹ đã đào tạo ra vô số tài năng bóng đá nữ trong nhiều thập kỷ.

Thế nhưng, đội nam của Mỹ từ lâu lại bị tụt hậu so với các đồng nghiệp toàn cầu vì nhiều lý do, và một phần cũng tới từ chính sách của riêng nước Mỹ. Từ lâu, các cầu thủ nam ở các quốc gia khác đã được cọ xát ở những sân chơi khắc nghiệt khi còn rất trẻ.

Điều này không dành cho các cầu thủ nam tại Mỹ bởi ở đây, đại học thực sự đã cản trở sự nghiệp bóng đá chuyên nghiệp của họ. "Những cậu bé tuổi teen tài năng ở Tây Ban Nha, Anh hay Argentina và bất cứ nơi nào đều có thể nhảy thẳng từ học viện lên thành các cầu thủ chuyên nghiệp, mà không cần phải thi đấu ở trường đại học trước khi bước vào đợt tuyển chọn", ông Schaerlaeckens phân tích.

Cũng có những yếu tố văn hóa xã hội khác ảnh hưởng tới bóng đá nam tại Mỹ. "Trong nhiều thập kỷ, các môn thể thao hàng đầu của nam giới tại Mỹ là bóng chày và bóng rổ, trong đó bóng đá thường được coi là môn thể thao không dành cho đàn ông thực thụ", Oonk - Giám đốc Đại học Erasmus cho biết.

Một "bức tranh hoàn toàn khác" ở phần lớn các quốc gia Châu Âu và Châu Mỹ La-tinh khi bóng đá luôn là môn thể thao phổ biến nhất từ trước tới nay.

Cầu thủ nữ Mỹ nhập tịch ồ ạt vào các ĐTQG khác

Sự thống trị của ĐT nữ Mỹ và chất lượng phát triển bóng đá nữ của quốc gia này cũng đồng nghĩa với việc "tỷ lệ chọi" sẽ lớn hơn cho các tài năng có cơ hội lên ĐTQG, và rồi những cầu thủ không lọt vào danh sách sau đó có thể tìm nơi khác để cống hiến.

"Nếu bạn sinh ra và lớn lên ở Mỹ và bạn có hai quốc tịch, ví dụ như người Nigeria, Jamaica hay Mexico, và bạn là một cầu thủ bóng đá xuất sắc nhưng lại không được chọn vào đội tuyển quốc gia Mỹ, bạn có quyền lựa chọn để đại diện cho bất kỳ quốc gia nào khác", ông Oonk chia sẻ.

"Ngay cả khi họ đủ tốt để góp mặt ở ĐT nữ Mỹ, nhưng họ cũng chưa chắc được chọn vào danh sách 23 cầu thủ tham dự World Cup, hoặc chỉ có thể ra sân từ băng ghế dự bị. Trong trường hợp đó, việc một cầu thủ nữ Mỹ chuyển đến một đội tuyển quốc gia khác vẫn có thể là một lựa chọn tốt hơn", Giám đốc Đại học Erasmus nói thêm.

"Điều này hoàn toàn ngược lại với bóng đá nam của Mỹ", ông Schaerlaeckens chia sẻ. "Không có đủ tài năng để phục vụ đội tuyển nam, nên bóng đá nam của Mỹ tìm tới phương án cho phép các cầu thủ nhập tịch khoác áo ĐTQG".

Tương lai toàn cầu hóa của bóng đá nữ thế giới: Cơ hội nào cho bóng đá Việt Nam? - Ảnh 5.

Sarina Bolden ghi bàn thắng lịch sử cho ĐT nữ Philippines tại World Cup nữ 2023

Theo quy định của FIFA, các cầu thủ chỉ có thể đại diện cho các quốc gia nơi họ mang quốc tịch, chẳng hạn như nơi họ sinh ra hoặc quê hương của cha mẹ, ông bà của họ. Họ cũng có thể đại diện cho các quốc gia không có mối liên hệ nào với dòng dõi nếu họ đã sống ở đó trong một số năm nhất định.

Cho đến khi Sarina Bolden gia nhập ĐT nữ Philippines, cô nàng thậm chí chưa bao giờ đến thăm quốc gia Đông Nam Á này. Cô thừa nhận rằng mình muốn khám phá thêm về khía cạnh khác của bản thân, cội nguồn của chính mình.

Noa Ganthier, cầu thủ 20 tuổi đến từ Florida cho biết trong lần đầu tiên tham dự một trại hè bóng đá ở Haiti, quê hương của cha mình, cô đã cảm thấy có gì đó kích thích theo cách mà cô chưa từng trải nghiệm tại Mỹ.

"Lần đầu tiên tôi được hát và nhảy, tất cả chúng tôi đều cười nói vui vẻ với nhau. Đó là một sự rung cảm hoàn toàn khác. Kể từ thời điểm đó, tôi đã biết chắc chắn rằng mình muốn chơi cho Haiti", Noa Ganthier chia sẻ.

Tương lai toàn cầu hóa của bóng đá nữ thế giới: Cơ hội nào cho bóng đá Việt Nam? - Ảnh 6.

ĐT nữ Haiti cũng sử dụng nhiều cầu thủ nhập tịch dự World Cup

Noa Ganthier đã đại diện cho ĐT nữ Haiti tại World Cup nữ. "Có một niềm tự hào khác khi chơi cho Haiti. Tôi không thể diễn tả cảm giác đó nhưng khi khoác lên người chiếc áo đấu của Haiti là một trong những cảm giác tuyệt vời nhất mà tôi từng trải qua", Noa Ganthier bồi hồi.

Danielle Etienne, một người gốc Virginia cũng thuộc đội nữ Haiti cho biết Haiti là đất nước "đã cưu mang tôi vì coi tôi là một cầu thủ có giá trị". Cha của cô, Derrick Etienne từng chơi cho đội tuyển quốc gia nam của Haiti trong quá khứ. "Dù Mỹ là nơi tôi sinh ra nhưng tôi hoàn toàn là một người Haiti", Danielle nói thêm.

Các quốc gia châu Á và Việt Nam với bài toán nhập tịch

Theo nghiên cứu của ông Oonk, tỷ lệ nhập tịch có thể tăng nhanh trong những năm tới. "Hiện có nhiều quốc gia tích cực hơn trong việc tìm kiếm những người mang hai quốc tịch ở nước ngoài, và đủ điều kiện đại diện cho quốc gia của họ", ông Oonk phát biểu.

Nhiều quốc gia châu Phi cũng đang tìm kiếm các VĐV tiềm năng ở cộng đồng người châu Phi, cho cả bóng đá nam và nữ. Xu hướng tương tự cũng diễn ra ở châu Á, với Trung Quốc và Việt Nam.

Tương lai toàn cầu hóa của bóng đá nữ thế giới: Cơ hội nào cho bóng đá Việt Nam? - Ảnh 7.

ĐT nữ Philippines vẫn là "lá cờ đầu" trong phong trào nhập tịch

Ở khu vực Đông Nam Á, Philippines vẫn là "lá cờ đầu" trong phong trào nhập tịch khi số lượng cầu thủ nhập tịch chiếm phần lớn trong danh sách ĐT bóng đá nam và nữ của họ. Ngay cả khi các cầu thủ này không nói được ngôn ngữ hay chưa bao giờ đặt chân đến đất nước của họ.

Điều này cũng vấp phải những tranh cãi, đặc biệt liên quan đến những cầu thủ không có mối quan hệ nào với đất nước mà họ thi đấu. Đây cũng là rào cản khiến cả ĐT bóng đá nam và nữ tại Việt Nam gặp khó trong việc sử dụng những cầu thủ nhập tịch.

Trong quá khứ, những người lãnh đạo của bóng đá Việt Nam từng nhiều lần khẳng định cánh cửa của ĐTQG sẽ luôn rộng mở với các cầu thủ nhập tịch. Đó cũng là những điều mà Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam Trần Quốc Tuấn và chính HLV trưởng Mai Đức Chung hướng tới nhằm phát triển mạnh mẽ hơn nền bóng đá Việt Nam.

Tương lai toàn cầu hóa của bóng đá nữ thế giới: Cơ hội nào cho bóng đá Việt Nam? - Ảnh 8.

ĐT nữ Việt Nam cần có kế hoạch cho việc mở cửa cho cầu thủ nhập tịch

Dù vậy, một bài toán khác được đặt ra đó là sự thu hút nguồn lực của bóng đá Việt Nam đang tới đâu. Với bóng đá nam, dù chúng ta đã đạt được những thành tích đáng kể ở vòng loại World Cup 2022 và gây tiếng vang trong khu vực nhưng sẽ vẫn là một bước đi mạo hiểm dành cho các cầu thủ nhập tịch khi chọn khoác áo ĐT bóng đá nam Việt Nam.

Ngược lại, bóng đá nữ với lần đầu tiên trong lịch sử tham dự World Cup hứa hẹn sẽ là một bước đệm cho việc thu hút các cầu thủ nữ nhập tịch lựa chọn cống hiến cho ĐT nữ Việt Nam. Câu chuyện này hứa hẹn sẽ còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố cả về vấn đề thủ tục giấy tờ, rào cản ngôn ngữ, và đặc biệt là nguồn lực tài chính...

VIẾT THÀNH

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm