'Tuổi heo may' với hình ảnh người phụ nữ

12/06/2019 20:25 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tập thơ thứ 2 Tuổi heo may (sau Lời người bán rong) của nhà báo - nhà thơ Trần Mai Hưởng đề cập tới nhiều vấn đề, song nổi bật nhất là ba đề tài: thu - hoa - em. Ở đề tài mùa thu và hoa, nhà thơ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha và nhà thơ Bùi Kim Anh đã viết rất sâu sắc. Ở bài viết này, tôi muốn đi sâu hơn về đề tài người phụ nữ.

Chiêm nghiệm 'Tuổi heo may' của nhà báo Trần Mai Hưởng

Chiêm nghiệm 'Tuổi heo may' của nhà báo Trần Mai Hưởng

Nhà báo Trần Mai Hưởng vừa ra mắt độc giả tập thơ "Tuổi heo may" (NXB Hội Nhà văn, 2019). Thể thao & Văn hóa trân trọng giới thiệu bài viết về tập thơ này của nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha.

Được anh tặng thơ, được đọc thơ anh thường xuyên trên Facebook, tôi thấy nhà thơ Trần Mai Hưởng luôn có cái nhìn thấu hiểu, trân trọng và ngợi ca người phụ nữ. Đó là những người tần tảo và giàu đức hi sinh: ''Nửa phía em trĩu nặng lo toan/ Buồn nhiều vui ít'', vẫn ''âm thầm giữa lửa'' để anh sau bao bão giông được ''cậy về tìm hơi ấm bình yên''.

Hoặc:

Em hiền như mẹ ngày xưa

Bao nhiêu gian khó cũng vừa hai vai

Anh xót xa cho những mối tình dang dở bởi chiến tranh. Gặp lại người xưa ở chợ khi đã hòa bình, nàng vỡ òa đau xót trong nước mắt mặn đắng trách cứ: 

Sao anh mãi không về

Phận đàn bà con gái

Em đã cố đợi chờ

Người ta nói ''tình cũ không rủ cũng đến'', dù tiếc, dù còn yêu thương lắm nhưng anh đã xử sự thật cao thượng với ý nghĩ; yêu là để cho người mình yêu được hạnh phúc. Khi không thể cải thiện được hoàn cảnh thì xử sự như vậy mới là trân trọng người con gái mình yêu:

Còn bao nhiêu tha thiết

Giữ lấy cho riêng mình

Trái tim luôn đủ chỗ 

Cho cả nghĩa và tình

Và dù "nghèn nghẹn lên khóe mắt'' nhưng anh vẫn khuyên nhủ nàng nhẹ nhàng, đầy yêu thương: ''Em về đi, người chờ''!

Chú thích ảnh
Bìa tập thơ "Tuổi heo may" của Trần Mai Hưởng

Khi yêu mà ''không còn chung đôi'', người yêu đã thuộc về người khác, chàng trai không oán giận mà vẫn cao thượng theo tinh thần của nhà thơ Puskin, ''anh yêu em chân thành đằm thắm/ Cầu cho em tìm được người tình như anh đã yêu em'': 

Anh ấy thật chu đáo

Hoa cho em mối ngày

Và chúc phúc cho họ: “Hạnh phúc bình yên nhé... Thương nhớ vẫn theo người”.

Vẫn mạch thấu hiểu, xót xa cho những số phận không may mắn như thế, nhà thơ nhập vai vào nhân vật người phụ nữ chung chồng khi đất nước bị cắt chia để thấu hiểu những ngóc ngách trong tâm hồn họ. Người chồng tập kết ra Bắc ''mấy mươi năm nước qua cầu chảy trôi'' được cô gái xứ Bắc ''thương anh lầm lũi mong manh giữa đời'.' Anh đã nhập vai người vợ Bắc thấu hiểu nỗi lòng người vợ Nam mấy chục năm ''nhìn về phương nhớ mà mong sao trời''. Thế nên, người vợ Bắc đã bộc bạch với người vợ Nam:

Lòng em thương chị muôn phần

Chắp tay tạ chị một lần cuối thôi

... Lụy vào nhau gánh phận trời

Lỗi lầm em nhận, xin người bao dung.

Rồi bời bời những tâm trạng, cảm xúc khi chồng về đoàn tụ bên chị ấy. Nào thanh minh, day dứt: "Bỗng dưng gặp gỡ làm chi/ Mấy lần toan dứt bỏ đi không đành". Rồi âm thầm khao khát: "Nén lòng đêm khóc, ngày cười héo hon''. Rồi đau xót ê chề: 

Dở dang chắp lấy vuông tròn

Trớ trêu hai nỗi sầu trong gượng ngoài

Niềm riêng khó nói thành lời

Thì xin giữ lấy cho người, cho ta

Sau hết vẫn là nghĩa tình của hai người phụ nữ: "Nghĩa tình sau trước vẫn là thương yêu''.

Chú thích ảnh
Tác giả Trần Mai Hưởng. Ảnh: Vietnam+

Từ thấu hiểu sẽ dẫn đến cảm thông, chia sẻ, thương yêu. Anh thương chị diễn viên chèo hát điệu luyện năm cung với khát khao bình dị: vợ tằm tang canh cửi, chồng bình văn. Nhưng chiến tranh, ''người con trai năm ấy không về/ Lời hát xưa dang dở/ Giấc mơ đứt nửa chừng/ Đêm góa phụ/ Một đời chị vấn vương''.

Đến thăm di tích, anh thương người thiếu phụ Nam Xương ''Oan khiên dày như đất/ Rung động mấy tầng trời''. 

Vào đến chiến trường Quảng Trị, anh tiếc thương, ca ngợi nữ liệt sĩ Gio Linh: "Em để lại tuổi 20 trên cát/.../ Người con gái sáng trong như ngọc/ Giữa lòng cát quê hương vẫn sáng tựa trăng rằm".

Sang nước ngoài công tác, đến đâu anh cũng phát hiện ra nét đẹp của người phụ nữ. Thấy bức tượng ở Odessa, anh liên tưởng giống hòn vọng phu của Việt Nam và thốt lên: ''Khổ đau đâu của riêng nào một ai". Hình ảnh người đàn bà Crimea trong truyện Tchekhov cũng khiến anh thán phục:

Em đã cho tôi niềm tin không đơn giản

Dám sống hết mình với một tình yêu.

Với cái nhìn thấu hiểu, trận trọng và ngợi ca ấy, anh không đi sâu vào miêu tả ngoại hình mà khai thác vẻ đẹp phẩm chất, tâm hồn. Sức hấp dẫn của người phụ nữ là ở đó.

Trên mặt đất, em là ngôi sao nhỏ

Mỗi bước yêu thương trong trẻo hồn nhiên.

Sóng hấp dẫn từ em lan tỏa

Làm xung quanh bao ánh mắt ngả nghiêng

Người ta gọi phụ nữ là phái đẹp. Phụ nữ và tình yêu là nguồn cảm hứng không bao giờ cạn trong thi ca. Nhà thơ Trần Mai Hưởng cũng vậy. Ngay cả khi viết về hoa thì thơ anh vẫn có bóng hình mỹ nhân như bài ''Hồng đào'', ''Violet'', ''Hoa ti gôn'', ''Hoa bưởi'', '' Hoa loa kèn'',..., đặc biệt là bài ''Trà sen'':

Mùa lặn vào trong mỗi cánh sen

Sắc trong xanh mát ngát ân tình.

Người qua năm tháng hồn thu thảo

Nghiêng chén chân mây một bóng hình.

Nhan đề bài thơ là "Trà sen'', thế nhưng thú thưởng trà chỉ cần miêu tả qua một từ ''nghiêng chén". Câu thơ cô đọng và gợi tả gợi cảm. Cử chỉ ''nghiêng chén'' thật tao nhã. Phải thưởng trà ở một không gian thoáng đãng, yên tĩnh mới thấy ''chân mây'' sóng sánh chén trà. Và ''một bóng hình'' thì độc giả cứ thả sức tưởng tượng. Ai tưởng tượng thế nào thì là việc của họ. Riêng tôi, ''bóng hình'' ấy ắt là một mĩ nhân. Thanh tao, tinh tế, lãng mạn xiết bao!

Đấy! Ngay cả khi viết về hoa thì thơ anh Trần Mai Hưởng vẫn thấp thoáng bóng hình người phụ nữ xinh đẹp cả thế chất lẫn tâm hồn.

Đọc Tuổi heo may, tôi thầm mong nhà thơ Trần Mai Hưởng sẽ có một tập thơ tiếp theo.

Lưu Hồng

Từ Sơn, ngày 10/6/2019

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm