Tử tù được gặp thân nhân mỗi tháng một giờ

24/07/2012 09:15 GMT+7 | Pháp luật

Đây là một trong những nội dung tại Thông tư số 39/2012/TT-BCA Quy định về quản lý, giam giữ người bị kết án tử hình do Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang ký ban hành tháng 7/2012.

Theo thống kê mới nhất từ Bộ Công an, cả nước hiện có gần 400 tử tù, trong đó TP. Hồ Chí Minh có số phạm nhân chờ thi hành án tử hình đông nhất với 70 người.

Bộ công an cho biết đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực và phương tiện, nhiều nhà thi hành án tử hình bằng thuốc độc đã được xây dựng xong tại TP HCM, Đắc Lắc, Sơn La, Hà Nội và Nghệ An.

Nhưng, đến nay vẫn chưa một trường hợp nào trong số hàng trăm tử tù bị thi hành án bằng phương pháp tiêm thuốc độc, dù hiệu lực của quy định này đã có gần một năm. Nguyên nhân vì phải chờ Bộ Y tế nhập thuốc.

Trong lúc chờ phương tiện để thực hiện thi hành án đối với phạm nhân tử hình, mới đây Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Thông tư 39/2012 Quy định về quản lý, giam giữ người bị kết án tử hình.

Thông tư này đã quy định rất chi tiết về việc quản lý, giam giữ tử tù.



Nguyễn Đức Nghĩa sẽ chỉ được gặp không quá 5 người thân mỗi lần

Một lần gặp không quá 5 người thân

Theo đó, những đối tượng được thăm tử tù gồm: ông, bà (nội, ngoại), bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi hợp pháp, bố mẹ vợ (hoặc chồng), anh chị em ruột, vợ (hoặc chồng), con dâu, con rể, con đẻ, con nuôi hợp pháp.

Thông tư này cũng quy định, khi thân nhân đến thăm gặp tử tù phải có sổ thăm gặp do trại tạm giam cấp hoặc đơn đề nghị được thăm gặp có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú, hoặc cơ quan, đơn vị nơi làm việc, giấy chứng minh thư nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác.

Theo quy định tại Thông tư, tử tù chỉ được gặp không quá 5 người thân trong mỗi lần gặp. Mặc dù số lần người nhà được thăm gặp tử tù tùy thuộc vào điều kiện của trại tạm giam và do Giám thị trại tạm giam quyết định, nhưng mỗi tháng không được gặp quá một lần, và thời gian gặp không quá một giờ/lần.

Thông tư cũng quy định, với trường hợp thân nhân người bị kết án tử hình là người nước ngoài khi thăm gặp phải có đơn đề nghị (bằng Tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài) và được sự đồng ý của Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý trại tạm giam. Nếu đơn viết bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch sang tiếng Việt, được xác nhận của cơ quan đại diện Ngoại giao hoặc lãnh sự của nước mà người đó mang quốc tịch hoặc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam, nơi người đó làm việc.

Tử từ được chuyển viện trong tình trạng cần cấp cứu

Thông tư 39 quy định rõ, nếu tử tù bị bệnh, cán bộ y tế trại tạm giam phải khám và điều trị cho họ. Trường hợp vượt quá khả năng khám, điều trị của y tế trại tạm giam cần cấp cứu, khám chữa bệnh ngay thì Giám thị trại tạm giam phải báo cáo Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý trại giam và Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp để chỉ đạo, đồng thời làm các thủ tục chuyển phạm nhân đến cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước để khám, điều trị.

Sau khi chuyển phạm nhân phải thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và Tòa án nhân dân nơi đã tuyên án tử hình để biết. Quá trình đưa đi bệnh viện để khám và điều trị, tử tù phải bị cùm chân, có buồng riêng để điều trị, phải được tổ chức quản lý, giám sát thật nghiêm ngặt, chặt chẽ.

Nhận quà của người nhà không quá 2 lần/tháng

Theo quy định tại Thông tư này, tử tù được gửi đồ vật, tư trang không sử dụng về cho thân nhân, gia đình; được nhận quà, tiền lưu ký và những đồ dùng sinh hoạt mỗi tháng không quá hai lần.

Bên cạnh đó, Thông tư 39 cũng quy định rõ về khu vực, buồng giam tử tù; tiếp nhận, quản lý, giam giữ tử tù trong buồng giam; việc giáo dục tử tù…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/8/2012.

Theo VnMedia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm