20/05/2012 13:45 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Mặc dù đang theo đuổi dòng tranh Phi lập thể chưa định hình như một trường phái mỹ thuật, nhưng chàng họa sĩ sinh năm 1984 xuất thân từ trại mồ côi Nguyễn Quốc Dân đã có hai cuộc triển lãm “solo” và tạo được dư luận tốt. Kênh truyền hình NHK uy tín của Nhật đã làm một phóng sự dài về chàng họa sĩ này.
Sáng 19/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97A Phó Đức Chính, Q.1), họa sĩ trẻ Nguyễn Quốc Dân có cuộc triển lãm Phi lập thể đa sắc, trưng bày 25 tác phẩm khổ lớn. Để có cuộc triển lãm này, Nguyễn Quốc Dân đã phải mượn tiền của bạn bè và tất cả đều nhiệt tình ủng hộ anh.
Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân
* Học vẽ trong trại mồ côi
Sinh tại Quảng Nam, số phận của họa sĩ trẻ này khá đặc biệt khi anh lớn lên trong trại trẻ mồ côi ở phố cổ Hội An. Nguyễn Quốc Dân cho biết mẹ ruột của anh vẫn còn ở Hội An, nhưng bà bị bệnh tâm thần sống trong một cơ sở từ thiện.
Mẹ của Nguyễn Quốc Dân tên Nguyễn Thị Nông. Chàng họa sĩ trẻ lạc quan yêu đời hóm hỉnh nói rằng: hai mẹ con em là “Nông Dân”. Chính vì hoàn cảnh gia đình như vậy nên Nguyễn Quốc Dân phải sống trong trại trẻ mồ côi và anh đã học vẽ tại đây.
Ước mơ học vẽ đàng hoàng đã đưa Nguyễn Quốc Dân đến với trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM. Nhưng do khó khăn về kinh tế, nên thay vì ra trường đúng hạn như bạn bè, Dân phải trở thành “sinh viên già” ra trường muộn.
* Lập thể và Phi lập thể
Tranh Phi lập thể của Nguyễn Quốc Dân được đánh giá là rất khó làm giả vì cách thức tạo ra tác phẩm của anh không… đụng hàng. Chưa bàn đến trường phái Phi lập thể mà Nguyễn Quốc Dân đang theo đuổi là gì, chỉ nói đến cách vẽ tranh của Quân đã thấy khác người.
Họa sĩ trẻ này trải một tấm vải bố trên mặt đất, màu cho vào bịch nilon dùi một lỗ nhỏ rồi phun thẳng trên mặt bố theo ý tưởng và cảm xúc của mình. Những vệt màu phun từ nilon tạo thành những đường dây màu nổi cộm. Cách vẽ tranh này khiến họa sĩ phải vận động toàn thân chứ không ngồi trên ghế cầm cọ vẽ trên khung vẽ như thường thấy.
Một tác phẩm trong triển lãm Phi lập thể đa sắc
Nguyễn Quốc Dân cho biết: “Khi họa sĩ thành danh, tranh của họ hay bị làm giả, điều này khiến tranh của nhiều danh họa giảm giá trị. Tôi cố gắng để tranh của mình khó bị làm giả nhất nên tìm cách sáng tạo ra tác phẩm khác với bình thường”.
Tranh của Nguyễn Quốc Dân toàn dùng màu sống không pha, màu chồng màu nổi trên bố tạo thành một hiệu ứng lạ mắt. Tuy nhiên, cách vẽ này khá… tốn của, vì để làm nên một bức tranh phải mất rất nhiều màu. Triển lãm Phi lập thể đa sắc lần này của Dân dùng toàn màu dạ quang đắt tiền. Xem ra, chàng họa sĩ trẻ lớn lên trong trại mồ côi chơi tranh không… “ngại ngần”.
Danh họa Pablo Picasso đã định danh nên trường phái tranh Lập thể, Nguyễn Quốc Dân vẽ tranh Phi lập thể có phải vì muốn “đối lập” lại với thiên tài người Tây Ban Nha? Nguyễn Quốc Dân cho rằng hoàn toàn không có chuyện “muốn đối lập” gì hết, vì trong nghệ thuật không có sự đối lập mà tất cả đều cùng hướng đến cái đẹp. “Phi lập thể” của Nguyễn Quốc Dân chỉ là muốn tạo ra sự khác lạ với những gì đã tồn tại mà thôi, còn khác lạ tới đâu thì còn… chờ đợi”.
* Chuyên mặc quần áo lộn trái
Gặp họa sĩ trẻ này ngoài đời, nhìn dung mạo mà anh “design” cho mình cũng rất “thời thượng” về râu và tóc giống như nhiều họa sĩ khác. Nhưng kỳ quặc là, Nguyễn Quốc Dân toàn mặc quần áo lộn trái với những túi, đường chỉ may, dây kéo… lòi ra bên ngoài. Phải chăng anh chàng họa sĩ này muốn ăn mặc khác lạ với mọi người hay muốn mượn hình thức ăn mặc bề ngoài để diễn một vai ấn tượng với đời?
Giải thích thắc mắc về chuyện mặc quần áo lộn trái, Nguyễn Quốc Dân cho biết anh đã mặc đồ như vầy từ lâu lắm rồi nên quen với bề trái lộn ra ngoài. Ừ nhỉ, tại sao cứ để ý đến chuyện áo quần mặc trái hay phải, miễn là cơ thể ta không… lộ hàng ra ngoài.
Chuyện cách vẽ tranh của Nguyễn Quốc Dân cũng vậy, anh dùng cọ hay dùng bịch nilon có gì quan trọng đâu? Chỉ hy vọng rằng tranh của anh sẽ tạo thành một trường phái mang tên Phi lập thể Nguyễn Quốc Dân, mà hy vọng thì ai cũng có dù ít hay nhiều.
Nhân vật trên Đài NHK Nhật Tháng 9/2011, khi Nguyễn Quốc Dân lần đầu triển lãm cá nhân tại Nhà triển lãm ĐH Mỹ thuật TP.HCM, kênh truyền hình NHK của Nhật đã thực hiện một phóng sự về chàng họa sĩ trẻ này. Theo đánh giá của các chuyên gia về mỹ thuật trên NHK, thì cách vẽ tranh của Nguyễn Quốc Dân là một sự sáng tạo, các tác phẩm của anh đem đến góc nhìn và cảm xúc lạ cho người xem. Phóng viên NHK đã ghi hình ngôi nhà trọ nằm trong công viên ở Q. Gò Vấp, TP.HCM của Nguyễn Quốc Dân. Phòng trọ chưa đến 10m2, nhưng không gian xung quanh thật lý tưởng để họa sĩ trẻ trải vải bố trên cỏ vẽ tranh. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất