29/10/2022 07:17 GMT+7 | Văn hoá
Gốm Bảo Toàn, sắp đặt Bảo Toàn những năm 2000 đã được định danh bởi những thực hành nghệ thuật mang tính hậu hiện đại, hoành tráng, đậm chất văn hóa dân gian, dân tộc. Nhưng có lẽ ít ai biết Bảo Toàn vẽ trước cả làm gốm. Ông cũng rong ruổi khắp làng quê để chìm trong vẻ đẹp của làng với hàng nghìn bức ký họa.
Làng - Triển lãm cá nhân mới nhất của ông vừa diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội). Đây là dịp để người xem được thấy một góc khác chìm khuất trong nghệ thuật Bảo Toàn: Yên ả, hoài niệm và đầy chất thơ qua các tác phẩm tranh và gốm.
Làng và tính tự tình
Nói đến làng, người ta thường nghĩ ngay đến làng quê ở đồng bằng. Nhưng làng của Bảo Toàn bao trùm cả văn hóa đồng bằng lẫn miền núi, hòa quyện, là thể thống nhất, nguyên sơ và tối giản.
Bước vào triển lãm là góc sắp đặt bộ lịch thẻ tre - bộ lịch thẻ nông nghiệp Việt Nam duy nhất chỉ có ở người Mường (theo tác giả). Những tấm vải sợi dệt thưa buông thõng gắn giấy đỏ cùng tượng gốm mèo mà người xem tưởng là một góc sắp đặt, thật ra là những lá bùa - một hình thức tâm linh không chỉ gợi nhớ đến những sắp đặt trước kia của Bảo Toàn mà còn cho thấy cá tính và đức tin đã ăn sâu trong người nghệ sĩ bản địa.
Trong triển lãm này, các tác phẩm được vẽ bằng nhiều chất liệu như chì than, sơn dầu trên toan, mực, acrylic trên giấy Giang của người Mông. Tranh chiếm chủ đạo, gốm bày điểm xuyết không gian. Tranh và gốm có cùng phong cách tạo hình với những dãy tường làng trắng, vẽ lối mảng phẳng chạy ngang tác phẩm. Phía trên và dưới tường làng là cảnh thiên nhiên vần vũ thành từng khối tròn. Làng chạy thành những dải trắng tối giản và bình yên đối lập với khoang cảnh trời đất xám đen vần vũ.
Làng qua hội họa Bảo Toàn ở triển lãm này có hàm chứa chất erotic - như một sự tự tình, đầy lãng mạn. Những lùm thiên nhiên cuồn cuộn, căng tròn bao trùm không gian một cách bí ẩn. Đường cong của những bức tường làng trắng, những cái cửa đóng then cài, khi thì hé mở được chính tác giả giải thích như sự duyên dáng thẹn thùng của người phụ nữ.
Vẻ đẹp xưa cũ của làng trong tác giả không biết đến từ đâu, để vào trong các tác phẩm của ông một cách nửa thực nửa mơ. Ông đi trực họa, ký họa hàng nghìn bức, nay có bày một nhóm trong triển lãmmà bức nào cũng như sáng tác, đầy biến đổi thị giác, bóp méo và tái cấu trúc. Chứng tỏ rằng, làng của Bảo Toàn ở đây, ngày hôm nay, cũng chẳng phải là đối tượng thực trong đời sống, mà làng trong các tác phẩm này là nhân vật hư cấu được xây dựng bằng trí nhớ và chất lãng mạn trong con người nghệ sĩ.
Làng của Bảo Toàn hiện lên qua lời ông miêu tả: “Làng thời tôi ngày xưa đẹp lắm, đất đỏ, lũy tre. Tôi đi lang thang về Kinh Bắc, đi tắt vì sợ máy bay bỏ bom, xuyên qua hết làng này đến làng khác. Tường làng quét vôi trắng để cho sạch, còn có tác dụng giết sâu bọ… cái màu trắng cũng đẹp đấy chứ, nên nó cứ ấn tượng mãi trong đầu. Thật ra làng Việt Nam mình cũng không phải như thế này đâu, mà những cái tôi vẽ nó cứ nửa mơ nửa thực…”
“Thật ra làng Việt Nam mình cũng không phải như thế này đâu, mà những cái tôi vẽ nó cứ nửa mơ nửa thực…” - Bảo Toàn. |
Làng tĩnh trong động
Sự đối lập của động, tĩnh trong những bức tranh rất rõ nét. Tường làng là đối tượng chính được tạo hình bằng mảng phẳng chạy ngang qua tác phẩm. Đối lập với nó là những nét chấm, gạch ngắn, đứt đoạn, lặp lại.Những nét đứt đoạn ngắn trong tranh ông kết tụ thành luồng, mật độ lúc mau lúc thưa cho cảm giác rõ rệt về chuyển động theo tuyến, tốc độ, thời gian mau chậm của từng đối tượng. Kích cỡ và độ đậm của nét cũng thay đổi linh hoạt tạo nên vị trí gần xa trong không gian ba chiều.
Trong tranh của ông, thời gian và không gian đều vận động mạnh mẽ, nhưng tất cả được cân bằng bởi bức tường làng. Như vậy, có hai không gian trong cùng tác phẩm. Không gian của những bức tường vôi trắng tĩnh tại và không gian bao quanh nó cuồn cuộn biến động.
Tranh của ông đơn giản, khúc chiết bởi sử dụng mảng miếng rõ rệt và những yếu tố cơ bản nhất của nghệ thuật tạo hình là điểm và nét. Màu kiệm và tối giản. Vì thế mà nhìn thoáng qua nó toát lên vẻ hiện đại, có hơi hướng như nghệ thuật hội họa phương Tây đầu thế kỷ 20, khi các nghệ sĩ tìm cùng hướng về tinh thần nguyên sơ trong nghệ thuật tạo hình. Hỏi ra mới biết, những chấm vạch của ông lại xuất phát từ văn hóa phương Đông.
“Lúc đầu tôi cũng vẽ kỹ, nhiều đường nét… sau đó một thời gian rất dài tôi ảnh hưởng bởi Kinh Dịch" - Bảo Toàn chia sẻ - "Tôi có được xem tài liệu về ký hiệu các con vật: Một chấm là con ngựa (vì có một móng), năm chấm là con mèo (vì mèo năm móng)… những cái đó dần cứ ăn vào đầu tôi để thể hiện thành chấm vạch, âm dương trong tranh. Hay như các ông nông thôn lao động vác lúa ngày xưa được tính công bằng gạch. Vác được một bao, gạch một cái. Vác được hai bao, gạch hai cái, năm bao gạch một ô vuông và thêm một cái (cười)… Mà tôi thấy nó là cái hay, kiệm nhưng nói được rất nhiều điều. Nghệ thuật đi được đến cái giản dị lại là cái khó nhất”.
Đi từ cái phức tạp về cái giản dị
Cuộc đời của người nghệ sĩ này lắm thăng trầm. Có lẽ vì thế mà nghệ thuật của ông từng mạnh mẽ, phức tạp, đầy bản năng, nguyên sơ. Qua cả chặng đường dài thực hành nghệ thuật, Bảo Toàn đã cho thấy ông đang đi từ cái phức tạp về cái giản dị. Có lẽ người xem vẫn bị quá ấn tượng với những triển lãm sắp đặt “đã” con mắt của một Bảo Toàn hết mình trong dòng chảy nghệ thuật đương đại Việt Nam những năm 2000, mà theo ông đó là “cái dạo mà tôi mải mê làm sắp đặt, cho hết ý thích của mình khi đó, chứ không phải do thời thế”. Sắp đặt của ông nhiều quá đến nỗi không có chỗ để phải đem ra sông Hồng đốt.
Ông kể rất thật nhưng trong đó người nghe cũng không khỏi chạnh lòng cho nghệ thuật Việt, khi sự thật, sắp đặt là một hình thức nghệ thuật quá tốn kém và “không biết để đâu”!
Sau triển lãm Mạn ngược (2011), Bảo Toàn quay về tập trung vào gốm và tranh, ông đùa bảo “mình có món gốm mà mình quên đi mất”. Tranh và gốm của Bảo Toàn nay đã giản dị hơn, lại hòa nhập được vào nghệ thuật đương đại Việt Nam. Cái vui là người xem vẫn thấy chất Bảo Toàn được chuyển hóa qua mọi hoàn cảnh. Nhưng đâu đó vẫn thấy nhữngthăng trầm, tự sự vẫn cuồn cuộn trong chất lãng mạn của Bảo Toàn ngày hôm nay.
Vài nét vềnghệ sĩ Bảo Toàn Nguyễn Bảo Toàn sinh năm 1951 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Ông là một trong ít những nghệ sĩ thực hành sắp đặt trong không gian lớn có sử dụng các vật liệu dân gian như tre nứa, vàng mã, nến kết hợp với giấy, tranh vẽ, tượng, âm thanh, ánh sáng… Các triển lãm nổi bật: Đất qua lửa (1994), Rằm tháng bảy (1999), Đồng đội (2000), Mùa vàng (2003), Hội tụ (2004), Thời gian và tri thức (2007), Mạn ngược (2011)… |
Huyền T. Trần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất