“Từ rừng già, chú đến với người…”

24/04/2012 09:26 GMT+7


(TT&VH) - 1. Mỗi ngày tôi đều đi đường Kim Mã, qua đoạn công viên Thủ Lệ. Tôi thường phóng mắt qua hồ, phía bên kia có chuồng voi. Đã lâu không vào công viên này, nhưng tôi vẫn nhớ vị trí: chuồng khỉ, chuồng hươu, cá sấu. Tôi thương nhất những con voi: chúng đứng, chân bị xích, mắt buồn chẳng có gì nô chơi, ngoài một bể nước không lấy gì làm sạch. Thường khi uống nước voi thích thú sẽ phun nước qua vòi, mắt như nheo cười.

Voi ở công viên Thủ  Lệ - Nguồn: Internet

Voi thông minh lắm. Những con voi ở Thủ Lệ thường phun nước như trò tiêu khiển duy nhất trong lúc buồn rầu, có khi giận dữ. Người xem, cả lớn và nhỏ, hiếm ai đem đồ ăn ưa thích cho voi: mía, ngô, khoai, chuối. Có kẻ xấu còn lừa cho voi ăn để voi tới gần ném hoặc chọc que vào thân nó.

Mỗi ngày Hè nóng, mỗi mùa Đông giá, tôi đều thương voi vườn thú, chuồng trống hoác, bốn bề chẳng có ổ rơm, chưa khi nào có bạt che, mơ đâu tấm chăn. “Chăn nào xuể” - bạn tôi cười - “sao thương vay khóc mướn thế?”. Chăn cũ thiếu gì, trải làm ổ cho voi nằm, có tình với chúng, thì chuyện ổ rơm chăn cũ quá nhỏ.

Vào vườn thú không tiện, nên tôi thường chỉ đem đồ ăn cho 4 con voi của rạp xiếc Trung ương cuối đường Trần Nhân Tông. Voi ở sau rạp, chuồng khá rộng, cửa sắt, kín hơn vườn thú, có hồ nước, vẫn chẳng có gì để chơi để nằm, trơ trọi. Tôi thắc mắc điều này với NSƯT Vũ Ngoạn Hợp (giám đốc Liên đoàn xiếc VN), ông chỉ cười, khuôn mặt đôn hậu.

2. Bản Đôn (Đăk Lăk) ngày càng ít voi. Đặc tính của voi là chu kỳ sinh sản thưa, mất chừng 3 năm, mà làm “chuyện ấy” thì phải vắng lặng, thoải mái, không có người. Lấy đâu ra viễn cảnh ấy! Oằn lưng rã vòi chở khách du lịch trên lưng, bị nài đánh, nạt nộ suốt ngày. Ngơi khách thì voi kéo cây, kéo gỗ, tối mịt mới được nghỉ, chân lại bị xích. “Chú voi con ở Bản Đôn, chưa có ngà nên còn trẻ con … Voi con ơi voi con ơi, mau lớn nhanh có đôi ngà to, kéo gỗ cho buôn làng của ta”. Bài hát thuở nhỏ tôi và lũ bạn gân cổ hát, giờ mới thấy người mình “ác” lắm. Nhồi vào đầu óc trẻ thơ ý thức trưng dụng sức lao động của động vật. “Từ rừng già chú đến với người”. Đến làm gì, chúng bị săn bắt, thuần hoá, thậm chí bị biến thành nô lệ đấy chứ.

Rồi thỉnh thoảng lại TV đưa tin voi rừng về phá làng. Chúng trả thù. Vợ chồng, con, bạn chúng bị bắt, giết thảm hại, sao chúng không thù?! Trong các loài vật, ngoài khỉ (linh trưởng) thì voi, chó, ngựa, bồ câu, cá heo là những con vật được đánh giá thông minh, nghĩa tình. Người ta phá đốt, chiếm rừng, tước đoạt môi trường của thú, dồn bủa chúng man rợ. Từ ngàn năm nay, voi xung trận dũng mãnh. Trong các cuộc khởi nghĩa, chinh chiến vệ quốc, các tướng thường cưỡi voi. Voi tham gia vào lịch sử bằng sự tận tuỵ trung thành, từ Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Quang Trung, Bùi Thị Xuân v.v… bao chiến công lẫy lừng đều có voi đóng góp. Thời chiến tranh chống Mỹ voi huy động vận chuyển súng đạn.

Voi VN còn được bao nhiêu? Chúng đáng được thương yêu lắm chứ. Nhưng được mấy người? Khi còn tồn tại những lễ hội đâm trâu (dù ngàn đời coi “con trâu là đầu cơ nghiệp”), chọc lợn hàng chục nhát dao như trò “vui” ở một số làng hội, thì phận voi bi đát thế cũng phải.

Nhìn thẳng vào sự thật ấy, mắt mình rưng rưng, mắt voi rười rượi.

Vi Thuỳ Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm