Từ những cú ngã của Đức và Argentina: Ngửi thấy mùi sợ hãi

26/11/2022 10:23 GMT+7 | World Cup 2022

Những người Đức và Argentina đã bắt đầu trận đấu với suy nghĩ rằng họ không có gì phải sợ, để rồi rơi vào nỗi sợ hãi mà không biết làm gì. Các đối thủ còn lại đã nhìn ra điểm yếu này, và những trận đấu tiếp theo, chắc chắn họ sẽ cố gắng "ngửi" thấy thời khắc nào hai gã khổng lồ này sợ hãi.

Trong một cuộc phỏng vấn với ký giả nổi tiếng Graham Bensinger, võ sĩ huyền thoại Mike Tyson đã nói về một bí quyết thắng trận của anh, ngoài sức mạnh phi thường: Khai thác nỗi sợ hãi.

Bí quyết của Mike Tyson

"Bạn cứ để ý, rồi sẽ cảm nhận được" - Tyson nói. "(Bạn) chỉ biết điều đó khi bạn nhìn ra nó, từ kinh nghiệm và cứ thế lặp đi lặp lại nhiều năm, bạn sẽ thấy nó… bạn thấy nó khi bạn tiến vào sàn đấu… bạn chỉ biết thế thôi, bạn ngửi thấy, và cảm thấy nó… Ngay cả những người đủ chuyên nghiệp và kỷ luật để che giấu nó, bạn vẫn có thể nhìn thấu họ".

Nhưng nhiều người có thể ngạc nhiên, nếu biết rằng bản thân Tyson cũng bước lên sàn đấu với nỗi sợ hãi ngập tràn: "Tôi luôn trông có vẻ 'cứng', tôi luôn nói rằng mình muốn giết hắn ta (đối thủ), nhưng tôi luôn sợ chết khiếp… Đó là tất cả những gì tôi có thể nhớ về giao đấu - nỗi sợ hãi. Sợ hãi là một tài sản lớn và là người dẫn đường vĩ đại, phải nói là thế. Trong trận đấu hay cuộc đời nói chung, tôi nghĩ sợ hãi là hoa tiêu vĩ đại".

Với quyền Anh, môn thể thao có tính đối kháng cao bậc nhất, thì quản lý nỗi sợ hãi là một trong những kỹ năng quan trọng. Ở hạng cân của Tyson, các cú đấm có thể dẫn đến tử vong, và chiến thắng giành được không chỉ có mồ hôi, mà còn cả máu. Không thể sợ đến mức không làm được gì, nhưng cũng không thể thiếu đi nỗi sợ. Không thể hèn nhát, nhưng không thể quá kiêu ngạo. Đấy là nghệ thuật của sự cân bằng.

Các trận thua sốc của hai ông lớn Đức và Argentina ở lượt mở màn vòng bảng World Cup 2022 cho thấy kết quả không được định đoạt bằng trình độ: Cả hai đội tuyển cửa trên đã áp đặt trận đấu ngay từ đầu, ghi bàn trước, và tạo ra hàng loạt cơ hội mười mươi. Đức đã bỏ lỡ đến 4-5 cơ hội rõ rệt, còn Argentina đã vài lần làm lưới Saudi Arabia rung lên, nhưng đều bị lỗi việt vị từ chối.

Từ những cú ngã của Đức và Argentina: Ngửi thấy mùi sợ hãi - Ảnh 1.

Cả Đức và Argentina đều thua sốc ở lượt trận ra quân

 Quản trị nỗi sợ

Chứng kiến gió xoay chiều nhanh chóng trong hiệp hai, có lẽ nhiều người đã hiểu rõ những lời của Mike Tyson. Nhật Bản và Saudi Arabia đã bắt đầu với nỗi sợ hãi nhất định trước đối thủ của họ, với chủ trương đá thận trọng và phòng ngự, từ từ thăm dò. Ngược lại, Argentina và Đức khởi đầu tự tin, được củng cố theo thời gian, nhờ bàn dẫn trước và nhận thức được rằng họ có trình độ tốt hơn hai đội tuyển châu Á kia.

Những biểu hiện trên sân đến khá rõ rệt. Lionel Messi đi bộ thảnh thơi. Antonio Rudiger lại biểu diễn kiểu chạy hài hước đã thành "thương hiệu", khi đua tốc độ với cầu thủ Nhật Bản. Một hình ảnh có tính biểu tượng: Hậu vệ của đội tuyển Đức, với sải chân dài, chạy như thể đối phương của họ không bao giờ có thể bắt kịp. Đến thời điểm ấy, mọi chuyện diễn ra đúng như vậy.

Nhưng vào thời khắc quyết định, Saudi Arabia và Nhật Bản đã đóng vai Mike Tyson: Họ bắt đầu tăng tốc để tìm kiếm bàn thắng, và khi áp lực gia tăng, bắt đầu nhìn thấy sự sợ hãi trong mắt của các cường quốc bóng đá kia. Hàng thủ lộ sơ hở. Cơ hội thứ nhất. Rồi cơ hội thứ hai. Rồi bàn gỡ hòa. Đối phương rối loạn, rơi vào sợ hãi thực sự, và từ đó, Nhật Bản và Saudi Arabia trở thành ông chủ của trận đấu.

Sau trận, tờ Daily Mail đưa tin các CĐV Đức đã chỉ trích đội nhà trên Twitter, cho rằng họ đã "quá tập trung vào chính trị" và "xứng đáng thua trận", vì đã cố đưa ra thông điệp phản đối FIFA, thay vì đưa ra tuyên bố thực sự trên sân cỏ. Với các CĐV Argentina, họ đã thức dậy từ 7 giờ sáng, xếp hàng ở các tiệm bánh ngọt ăn vội cho qua bữa, để tập trung xem trận đấu, rồi bị dội một gáo nước lạnh: "Thành thật mà nói, bạn không thể tin được, đó là một trận đấu kỳ lạ, bất thường, nhưng đó cũng là bóng đá" – Fabian Rodriguez, một CĐV Argentina, kể lại với Reuters. Điều may mắn cho cả Đức và Argentina là bài học sâu sắc này đã đến ngay ở lượt trận đầu, tức là họ vẫn còn thời gian để sửa sai. World Cup không phải một cuộc dạo chơi, và chuyện thắng thua không chỉ là vấn đề đẳng cấp hay trình độ giữa các nền bóng đá. Đấy cũng là một cuộc đấu tay đôi mà bên nào quản trị nỗi sợ hãi tốt hơn, bên đó có thể giành được lợi thế.


Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm