Hàng vạn người chiêm bái tượng phật ngọc

18/05/2009 13:49 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Sư thầy Thích Giác Đạt - Chùa Phật Tích cho biết, hôm qua 17/5, ngày đầu tiên mở cửa tự do cho các phật tử về chiêm bái tượng Phật ngọc tại chùa Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh đã có gần 3 vạn người hành hương về đây.

Danh tiếng và vẻ đẹp của bức tượng được coi là “bảo vật của Phật giáo đồ” đã làm nức lòng hàng vạn người, dù để được chiêm ngưỡng tượng phật người dân cũng phải vất vả sau một phen chen chúc và bị các dịch vụ tranh thủ “chặt chém”.

Chen lấn xô đẩy

Sau hai ngày, hai đêm liên tục di chuyển từ chùa Vạn An - Châu Thành- Đồng Tháp, tượng Phật ngọc đến Bắc Ninh vào lúc 23h00 ngày 14/5. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển và yêu cầu về mặt an ninh, việc di chuyển và lắp đặt tượng tại chùa đều diễn ra hết sức bí mật. Theo ông Nguyễn Đức Đạt, Trưởng Công an xã Phật Tích cho biết, ngay khi tượng được đưa về chùa, rất nhiều người dân trong vùng đã đứng chờ sẵn, tuy nhiên, tượng được bọc kín trong vải, lưu trong thùng gỗ, khi người dân đến xem thì được công an thông báo là “lắp đặt loa đài, sân khấu”. Vì vậy, chỉ khi BTC chính thức thông báo, người dân mới biết sự có mặt của tượng phật.

Khoảng 3 km dọc con đường vào khu di tích chùa Phật tích đậu chật kín hàng nghìn xe ô tô. BTC đã ngăn hơn 1km đường, cấm các xe cơ giới, chỉ dành cho người đi bộ hành hương vào chùa. Tuy nhiên, dịch vụ xe ôm làng khá phát triển, nếu khách ngại đi bộ, thì có thể mất từ 10 - 20 ngàn cho 1km đường vào chùa bằng cách đi tắt qua làng, thậm chí đi ngang nhiên qua đường cấm. Hầu hết thanh niên, thậm chí cả phụ nữ ở xã Phật Tích cũng tranh thủ làm xe ôm. Dịch vụ trông xe là phát đạt nhất với giá chung 10 ngàn đồng cho một xe máy. Chị Trần Thanh Quế đã huy động cả đại gia đình để trông xe cho khách. Chị hồ hởi: “Cả làng làm dịch vụ, 2 ngày rồi, nhà em trông ngót nghét 1 nghìn rưỡi xe. Tính ra trừ chi phí được hơn chục triệu. Mấy ngày nữa sẽ còn đông khách nữa”. Các cửa hàng bán đặc sản Kinh Bắc bày la liệt trong khu di tích từ rượu làng Vân đến nem chua Thuận Thành...

Đặc biệt, tại lễ hội, lực lượng bán hàng rong và “cái bang” ăn xin lại chủ yếu ra từ các tỉnh miền Nam như Cần Thơ, Sa Đéc (Đồng Tháp), Quảng Nam, Đà Nẵng. Đó là những tỉnh thành mà tượng phật ngọc đã từng được trưng bày. Họ bán dạo tranh ảnh, băng đĩa, tượng liên qua đến phật ngọc. Theo giải thích của một người bán hàng rong, thì tranh ảnh, tượng đã được sản xuất tại Tp. HCM và Quảng Nam ngay từ khi tượng phật vào Việt Nam. Vì vậy khi tượng phật ra Bắc thì lượng bán hàng rong ăn theo cũng đã di chuyển ra Bắc và có hàng lưu niệm bán ngay cho khách hàng. Giá các mặt hàng lưu niệm khá đa dạng, rẻ nhất là tranh tượng nhỏ giá 2 ngàn đồng, hút khách nhất là tranh sơn mài gỗ giá từ 50 đến 100 ngàn đồng, giá cao là tượng đá có bức vài triệu đồng.

Chen chúc chiêm bái Phật ngọc


Có đôi điều nhức nhối là nhiều trẻ em tàn tật, người già mù lòa được đẩy nằm dưới đường ăn xin của khách hành hương. Họ không chèo kéo mà chỉ nằm dưới đất chờ bố thí, tuy nhiên điều này cũng để lại những ấn tượng không tốt.

Việc ngắm tượng phật ngọc đã không làm phần lớn người dân thỏa mãn. Lượng người quá đông, chen chúc, lối đi qua tượng phật nhỏ và cách xa “đài sen phật ngự”, mỗi người chỉ được đi qua rất nhanh nên người xem, nhất là các cụ già nhìn không được rõ. Nhiều cụ già cố gắng đứng lại để xem cho thật rõ mặc dòng người xô qua. Lực lượng bảo vệ làm việc hết sức vất vả, nhưng cũng không tránh khỏi việc chen lấn xô đẩy trước tượng phật ngọc. Tuy nhiên, theo thông tin của TTVH, không có vụ việc đáng tiếc nào kể xảy ra tại lễ hội. Nạn móc túi cũng không còn xuất hiện, bởi lực lượng công an bảo vệ khá đông và nhiệt tình.

Một việc khiến rất nhiều người dân rất cảm động đó là các tăng ni đã nấu năm nghìn suất cơm chay phát miễn phí cho khách thập phương. Tuy nhiên vẫn không đáp ứng đủ số lượng lên đến hàng chục ngàn người nên đã phải nấu tăng thêm, tổng cộng tới bảy nghìn suất. Bên cạnh đó, nhà chùa còn phát thêm hàng ngàn chiếc bánh mỳ để tăng ni, phật tử và người dân không phải lo “cái ăn“. Tuy nhiên, đáng tiếc do chỉ bố trí một điểm phát cơm chay và phát rải rác, có cơm đến đâu phát đến đó nên đã xẩy ra tình trạng chen lấn, không đẹp mắt.

Cầu cho quốc thái dân an

Đại lễ cung nghinh tượng Phật Ngọc, cầu quốc thái dân an và hoà bình thế giới đã khai mạc vào 19h30' ngày 16/5. Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, địa phương, một số Đại sứ, Tổng lãnh sự các nước tại Hà Nội cùng trên 1.000 chư tôn giáo phẩm, tăng ni, phật tử ở nhiều tỉnh, thành phố đã về dự.

Phật ngọc ngự trên đài sen


Theo hòa thượng Thích Thanh Tứ, nhiều người dân dù xa xôi lại có thời tiết không thuận lợi nhưng cùng về chùa Phật Tích để chiêm ngưỡng Phật ngọc và cầu nguyện hòa bình cho thế giới, cho nhân dân ta an lạc, đó là điều rất quý, thể hiện tinh thần vì đạo pháp của nhân dân ta. Chùa Phật Tích là điểm dừng chân cuối cùng của tượng Phât Ngọc trong hành trình xuyên Việt trước khi đưa về tháp Hòa Bình ở Úc.

Theo ông Ian Green, chủ nhân của bức Phật ngọc, năm 2000, một tảng ngọc thạch nặng 18 tấn đã được khám phá tại một mỏ ngọc ở Canada. Kích thước và chất lượng của khối ngọc này khiến cho toàn thế giới kinh ngạc. Tượng Phật ngọc Hòa bình làm từ khối ngọc thạch nephrite nên được xếp vào ngọc bán quí, được coi là Niềm kiêu hãnh của Bắc cực (Pride of Polar) và có chất lượng tốt nhất từng được biết đến trên thế giới.

Khối ngọc này có màu xanh tươi đồng nhất, trong mờ, ít nứt nẻ mà trọng lượng lại lớn hiếm có. Ông Ian Green trúng thầu mua khối ngọc 1,5 triệu USD vào cuối năm 2006, và chọn xưởng của Cty Jade Thongtawee (Thái Lan) để chế tác. Sau nhiều tháng nghiên cứu, họ xẻ phần tốt nhất nặng khoảng bốn tấn của khối ngọc này để tạc phần chính của pho tượng. Các phần khác của khối ngọc tạc nên toà sen, bình bát, hào quang và búi tóc của Đức Phật.

Xin chữ trong chùa Phật Tích


Nhờ một vào người Úc gốc Việt giới thiệu, ông Ian Green sắp xếp và phát tâm trưng bày tôn tượng Phật Ngọc này tại Việt Nam với ước mong tôn tượng Phật Ngọc là biểu tượng của sự phát triển tình hữu nghị giữa hai quốc gia và giữa hết thảy chúng sinh trên thế giới, cầu nguyện Đức Phật sẽ gia hộ và mang lại hòa bình cho thế giới, bình an cho các mối quan hệ, bình yên cho gia đình và bè bạn, bình an trong công sở, và sự thanh thản trong tâm hồn.

Theo sư thầy Thích Giác Đạt, đến chùa Phật Tích trong dịp này, du khách thập phương không chỉ chiêm bái Phật ngọc mà còn có thể cảm nhận vẻ đẹp đặc biệt của ngôi chùa cổ được xây dựng vào năm Thái Bình thứ tư (1057). Cho đến nay, chùa Phật Tích vẫn còn giữ được nhiều di vật cổ quý giá như bức tượng Phật A di đà bằng đá xanh nguyên khối được dát ngoài bằng vàng; tượng người chim đánh trống, một nhân vật thần thoại, thể hiện ước mơ thoát tục và khát vọng vươn tới của con người. Sư thầy cũng cho biết nhà chùa đang tiến hành xây dựng một bức tượng A di đà bằng đá xanh có chiều cao lên tới 27m. Đây cũng sẽ là một trong những bức tượng lớn nhất khu vực.

Mạnh Cường – Thu Hoài

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm