Từ lời cáo buộc của Ribery đến bản chất của giải Quả Bóng Vàng FIFA

08/01/2015 22:08 GMT+7 | Champions League

(Thethaovanhoa.vn) - Ngôi sao người Pháp là cái tên mới nhất trong danh sách những người nghi ngờ về sự công bằng của Ballon D'Or. Phải chăng anh đã chính xác?

"Tôi đã hiểu thêm nhiều điều sau lễ trao giải Ballon D'Or năm ngoái. Ngay từ lúc đặt chân tới đó, tôi đã nói với vợ rằng mình sẽ thua cuộc.", Franck Ribery trả lời phỏng vấn trên tờ Bild (Đức) với thái độ quả quyết. "Quá nhiều vấn đề theo kiểu chính trị. Tôi thấy Sepp Blatter ôm (Cristiano) Ronaldo và cả gia đình của anh ta đều có mặt ở đó. Tôi đâu có ngu. Rõ ràng là anh ta sẽ giành được giải thưởng."

Chủ quan và cảm tính như Ballon D'Or!

Đây không phải lần đầu tiên kể từ giải thưởng Quả Bóng Vàng ra đời 59 năm trước, cũng như sau việc sát nhập với giải Cầu thủ của Năm do FIFA trao vào năm 2010, lại có một cầu thủ tên tuổi phàn nàn về bản chất của FIFA Ballon D'Or (Quả Bóng Vàng FIFA).

Trong những năm đã qua, chúng ta đã thấy Jose Mourinho, Zlatan Ibrahimovich, Diego Maradona và thậm chí cả hai trong số ba ứng cử viên của danh hiệu năm nay – Cristiano Ronaldo, Manuel Neuer – có những cáo buộc tương tự lời Ribery.

Có quá nhiều bằng chứng và luận điểm để chứng minh rằng họ đúng.


Các ứng cử viên của danh hiệu QBV 2013.

Ví dụ, với danh hiệu năm 2013, gần như tất cả những nhân vật liên qua tới CLB Barcelona và ĐTQG Argentina như Luis Enrique, Josep Maria Bartomeu, Tata Martino, Marcelo Bielsa đều lên tiếng ủng hộ Lionel Messi. Tương tự, bất kỳ cái tên nào có dính líu tới Real Madrid hoặc Bồ Đào Nha – Carlo Ancelotti, Gareth Bale, Marcelo, Pepe, Ronaldo "béo", Luis Figo... – đều ủng hộ Ronaldo. Franck Ribery, tương tự, cũng nhận sự chống lưng từ Bayern Munich, Đức và Pháp.

Thế nên thật khó để nói rằng Quả Bóng Vàng FIFA là một giải thưởng khách quan, thậm chí là rất chủ quan. Đây là một vấn đề đã được nhiều chuyên gia nhận định, bởi so với việc chỉ có các nhà báo do tạp chí France Football mời được bình chọn thì lá phiếu của các HLV trưởng cũng như đội trưởng các đội tuyển quốc gia hầu hết đều không mang tính trung lập và khách quan. Phần nhiều trong số họ bầu cho những cái tên thân quen hoặc tệ hơn, với các đội bóng tiểu nhược, là thần tượng của họ.

Năm ngoái, Cesare Prandelli và Gianluigi Buffon bầu cho Andrea Pirlo; Didier Deschamps và Hugo Lloris bầu cho Ribery; Didier Drogba chọn Yaya Toure; Mario Yepes điền tên Radamel Falcao; Robin Van Persie đưa tên Arjen Robben vào phiếu; Diego Lugano gật đầu với Luis Suarez... Và dĩ nhiên, Messi và Ronaldo thì không điền tên nhau vào phiếu bầu.


Prandelli và Buffon ủng hộ "gà nhà" Pirlo trong phiếu bầu năm ngoái.

Ảnh hưởng của truyền thông

Một "mánh" để chiếm khả năng giành chiến thắng trong mọi cuộc bình bầu chính là tạo ấn tượng với đám đông. Xét trên tiêu chí này, Cristiano Ronaldo và lực lượng đài báo đứng sau lưng anh trong cuộc đua tranh Quả Bóng Vàng FIFA 2013 đã thực hiện xuất sắc công việc.

Họ đã khai thác tối đa sự kiện Sepp Blatter "lỡ mồm" mô tả Messi là "cậu bé ngoan" còn Ronaldo "như một tư lệnh quân đội". Đầu tiên, Ronaldo đăng trên các mạng xã hội một thông điệp... chúc sức khỏe Blatter rằng "hẳn ông sẽ có thể theo dõi được sự thành công của đội bóng và cầu thủ mà ông yêu thích."


Ronaldo đã chơi "đòn" truyền thông thành công?

Các trang báo thân Real Madrid như AS và Marca đã lập tức thổi phồng thông điệp này bằng hàng loạt bài phân tích để chứng minh rằng FIFA không công bằng trong các cuộc bầu chọn giải thưởng. Như các chính trị gia thường nói, "lựa chọn thời điểm là yếu tố quan trọng nhất trong hoạt động chính trị", chỉ ít lâu sau, FIFA tạo ra một tiền lệ chưa từng có: dời hạn bình chọn sang gần một tuần sau, đúng vào thời điểm Ronaldo gây ấn tượng mạnh mẽ với các bàn thắng vào lưới Thụy Điển để đưa Bồ Đào Nha tới Brazil hè 2014.

Cần nhấn mạnh rằng, danh sách những ứng cử viên được đưa ra bởi một hội đồng do FIFA tổ chức sau những buổi họp kín. Ở đó, tiêu chí nào được sử dụng thì vĩnh viễn nằm sau cánh cửa đóng chặt...

Tiêu Hoa
(theo Goal)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm