Từ “khởi thủy” phim Việt đến phim thời @

08/02/2009 19:53 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Nhìn lại lịch sử phim ảnh Việt Nam, dù ở bất cứ thời nào, thì vai trò của diễn viên lồng tiếng vẫn chưa thay thế được. Mỗi thời kỳ, nghề lồng tiếng có những bước phát triển và sự tác động khác nhau.
 
 
Diễn viên lồng tiếng rất đông, đã trải qua 4-5 thế hệ, đi lên bằng con đường tự học, có người đã trở thành nghệ sĩ, là ngôi sao trong giới làm nghề.
Một cảnh lồng tiếng.

* Từ thuở “lập địa”phim Việt

Từ thời Pháp thuộc, phim đã vào Việt Nam và một vài phim đã vận dụng đến kỹ thuật lồng tiếng. Sau 1945, nghề lồng tiếng xuất hiện cùng với các bộ phim đen trắng do Hãng phim Truyện Việt Nam sản xuất như Chung một dòng sông (1959, ĐD: Phạm Hiếu Dân và Nguyễn Hồng Nghi), Lửa trung tuyến (1961, KB: Văn Dân, ĐD: Phạm Văn Khoa)… Cùng với Lưu Xuân Thư, Ngọc Lan, Việt Hà… NSƯT Hồ Kiểng còn sống hiện nay là một trong những diễn viên lồng tiếng cho phim Việt thời kỳ đầu. Ông được coi là người có thâm niên lồng tiếng từ phim Lửa trung tuyến; tính đến nay, ông đã tham gia lồng khoảng 195 phim.

Khánh Hoàng - một ngôi sao lồng tiếng.
Ông kể, một bộ phim 90 phút thời trước thì mỗi vai chính phải lồng mất hơn 45 phút. Đó là nói khi lồng mà không bị diễn lại, còn nếu như bị lỗi hay không đạt thì thời gian rất vô chừng. Thời của ông chỉ nghĩ việc lồng tiếng là đang “làm nhiệm vụ”, chẳng mấy khi nghĩ đến chuyện cát-sê, vốn ít ỏi, chứ đừng nói gì đến chuyện nổi tiếng. “Đôi khi người lồng tiếng chỉ mong có được lời khen của đạo diễn khi xong vai là đã cảm thấy mãn nguyện. Nếu nhân vật diễn tệ, nhờ lồng tiếng góp sức mà sinh động hơn, thì quá hạnh phúc” - Hồ Kiểng tâm sự.

Thế hệ tiếp theo thì có Hồng Phúc, Minh Khánh… và nhiều người khác, năm nay cũng đã vào tuổi “cổ lai hy”, đã số đã giải nghệ hoặc chỉ làm những vai thật yêu thích. Nghệ sĩ Hồ Kiểng nhận xét: “Về kỹ thuật điện tử và kỹ thuật lồng tiếng, suốt 50 năm qua có nhiều phát triển, nhưng yêu cầu nghề nghiệp thì căn bản vẫn vậy”. Một nữ nghệ sĩ lồng tiếng thế hệ đầu, không muốn nêu tên, tâm sự: Sao của nghề lồng tiếng phải hỏi trong thế hệ thứ 2, thứ 3 ấy, thời tụi tôi chưa có đâu. Riêng các đạo diễn kỳ cựu như Lê Dân thì nói đại ý rằng, phim thời kỳ đầu, phim thời chiến tranh quay rất khó khăn và mất thời gian, nghề lồng tiếng cũng vậy. Nên khi nói tới chuyện yêu nghề và tính nghệ sĩ, thời trước phải nâng lên tầm lý tưởng.

* Đến phim thời @

Thế hệ 2 và 3, được gọi là nghệ sĩ lồng tiếng hiện nay đang ở trong độ tuổi phổ biến từ 40 đến 60, một phần còn lại ở độ tuổi nhỏ hơn. Những tên tuổi trên sân khấu như Tú Trinh, Quốc Thảo, Khánh Hoàng, Minh Hoàng, Kim Xuân, Đàm Loan, Việt Anh, Hương Giang... đều khá “nổi” trong giới lồng tiếng. Sếp la-tô Xuân Tâm nói rằng anh rất phục tài lồng tiếng của Khánh Hoàng, Ngọc Châu, Kim Phụng, Ánh Tuyết, Hà Thao… rồi cả các gương mặt trẻ như Thiên Bảo, Lý Thanh Thảo, Lê Khánh, Thanh Vân… Nhiều ca sĩ cũng có khiếu trong chuyện này.

Những người đi lên từ tay ngang, tự học mà thành danh trong nghề lồng tiếng thì không nói, riêng về đài từ, các diễn viên kịch nói thường chiếm ưu thế hơn, nên khi bước vào lồng, họ có nhiều thuận lợi. Đạo diễn Võ Tấn Bình rất phục tài của chị Kim Phụng, khi vai Út Nhỏ do Tăng Thanh Hà đóng trong Hương phù sa rất đạt, giọng trẻ, hồn nhiên kiểu Nam bộ, đã được chị “thả” giọng rất tài tình, hợp lý. Phim Hướng nghiệp 1 thì chính Hà Thao đã vực Kinh Quốc lên thành ngôi sao bằng việc lồng tiếng. Tiết Cương thì nói chính chú Khánh Hoàng đã cứu giọng “vịt đực” của mình; Trương Minh Quốc Thái thì mãi tới phim Tình án gần đây mới dám tự lồng, các phim trước kia đều nhờ người khác.

Lý Thanh Thảo mê lồng tiếng “quên” đóng phim?
Từ bộ phim Lẵng hoa tình yêu (năm 2004), mở đầu cho thể loại phim sitcom - thu tiếng trực tiếp tại Việt Nam, đã có ý kiến cho rằng nghề lồng tiếng sắp hết thời. Nhưng thực tế trên thế giới cho thấy, nghề lồng tiếng “chưa chết”, bằng chứng rất nhiều phim bom tấn của Hollywood đều có lồng tiếng, dù mời chính giọng thật của diễn viên đã đóng. Rồi các phim hoạt hình, các game nói tiếng người, không lồng tiếng thì quả là chuyện lạ.

Từ nữ hoàng truyền hình Mỹ Oprah Winfrey, đến các tên tuổi như Michael Madsen, Patrick Stewart, Ron Perlman, Bruce Campbell, Lance Henriksen, Keith David, Tara Strong, Michael Rapaport… đều đã lồng cho rất nhiều phim hoạt hình và các trò chơi điện tử. Các tài tử nổi tiếng như Tom Hank, Nicole Kidman, Cameron Diaz, Cate Blanchett, Catherine Zeta Jone, Robin Willams… đều rất giỏi công việc lồng tiếng. Riêng ở Việt Nam, phim Người mẹ nhí, Cô gái xấu xí được BHD làm theo công nghệ thu tiếng trực tiếng, nhưng đến Bỗng dưng muốn khóc thì lại lồng tiếng. Tùy thể loại và yêu cầu cụ thể mà nhà sản xuất chọn cách làm hợp lý.

Dù bước qua thời kỳ nào thì nghề lồng tiếng vẫn có một chỗ đứng, và diễn viên lồng tiếng vẫn là người đóng vai trò quan trọng - đó là ý kiến của một số đạo diễn. Như Lê Hoàng: “Dù kỹ thuật thu âm trực tiếp của các thể loại mới như sitcom, telenovela đang rất phổ biến, nhưng công việc lồng tiếng không hề mất đi. Bởi nếu không có trường quay riêng, đúng tiêu chuẩn cách âm thì phim truyền hình Việt Nam vẫn phải sử dụng diễn viên lồng tiếng”. Chính vì thế, nên vẫn có nhiều diễn viên trẻ gắn bó với nghề lồng tiếng, đơn cử như Lý Thanh Thảo, gần đây nhiều phim mời nhưng cô đã từ chối đóng, cô đã tạo cho Thanh Hằng trong Gia tài bác sĩ một phong thái chững chạc, hợp với cặp mắt buồn. Để rồi, từ những diễn viên này sẽ có những nghệ sĩ, những ngôi sao lồng tiếng mọc lên.

Văn Bảy - Diệu Hồng
 
Kỳ 3: Lồng tiếng - Nghề dạy nghề!

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm