Từ chuyện 'ông chú Viettel' đến vụ khủng bố Charlie Hebdo…

14/01/2015 07:50 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Báo chí vừa đưa tin “ông chú Viettel” là một trong 3 chiêu lừa phổ biến nhất trên mạng tại Việt Nam năm 2014.

Lợi dụng sự cả tin và lòng tham của người sử dụng, kẻ xấu đã tung tin về việc có “ông chú” làm ở Viettel tiết lộ thông tin về chương trình khuyến mại gấp hàng chục lần. Để nhận khuyến mại, người dùng được hướng dẫn bấm cú pháp nạp thẻ với một dãy số bí mật để được xác nhận là nhân viên Viettel. Khi thao tác cú pháp này sẽ được nạp tiền vào tài khoản. Sau đó, chính nạn nhân lại "lên tiếng" chia sẻ đến danh sách bạn bè của mình, giúp kẻ xấu trục lợi.

Tâm lý quen biết, nhờ vả người nhà vốn rất phổ biến trong xã hội, vẫn kiểu “một người làm quan cả họ được nhờ”. Những người mắc lừa nghĩ rằng mình có thể trở thành cháu của “ông chú Viettel” để có thể “trục lợi”. Với lòng tham thì hành xử ngoài đời hay trên mạng, có khác gì nhau?

Không chỉ sự thận trọng khi “nhận”, trên mạng xã hội cũng cần tỉnh táo khi chia sẻ, bởi sức phát tán thông tin vô cùng khó lường. Bài học còn nóng hổi từ vụ khủng bố tại Pháp. Người đàn ông đã tung lên mạng đoạn video ghi lại cảnh 2 tay súng tấn công tòa soạn Charlie Hebdo, bắn chết một viên cảnh sát Pháp trên phố, đã phải dằn vặt vì hành động xuất phát từ “phản xạ ngu ngốc” của mình. Đoạn phim ngắn của Mir đã lập tức trở thành một trong những hình ảnh khiến người ta khó quên trong tấn kịch khủng bố kéo dài 3 ngày ở Pháp khiến hàng chục người chết.

Ông không thể giải thích được vì sao ông lại đưa đoạn video lên Internet. Ông nói rằng có thể đây chỉ là phản ứng theo “thói quen chia sẻ nhanh mọi thứ lên mạng Internet”, sau thời gian dài hoạt động trên Facebook, nơi ông có 2.500 người “bạn”.

***

Qua 2 dẫn chứng rất gần nêu trên, không chỉ tôi mà hẳn nhiều người thừa nhận rằng mạng xã hội đã thay đổi cách giao tiếp của chúng ta, chúng ta “nói chuyện” không chỉ với nhau mà với toàn thế giới. Nó được định dạng bằng những từ khóa, những đường link liên quan, những mã nguồn mở.

Không chỉ mới đây, những hình ảnh biếm họa nhà tiên tri Muhammad đăng tải trên mạng từng khiến quan hệ giữa các nước phương Tây và thế giới Hồi giáo căng thẳng, tòa soạn bị đánh bom và các nhà báo bị dọa giết.

Sẽ chẳng thể dùng lý thuyết suông để thay đổi những điều vốn đã thuộc về thói quen truyền thống. Với internet nhất là với mạng xã hội, khối giá trị lại va chạm với nhau theo tần suất ngày càng khốc liệt. Suy cho cùng, đây là câu chuyện thuộc về ý niệm, mỗi con người, mỗi cộng đồng lại có một cách ứng xử rất khác nhau. Chắc chắn sẽ có những cộng đồng sẽ không chấp nhận sự khác biệt của cộng đồng kia, chúng ta chẳng thể gọi họ là cực đoan.

Internet, mạng xã hội làm cho thế giới phẳng hơn nhưng chưa chắc đã làm chúng ta gần nhau hơn. Có khi lại tạo thêm hố sâu ngăn cách, những cái nhìn thù hằn.

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm