Công Vinh, giá mấy tỉ ?

09/07/2008 10:24 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH Online) -Suốt 5 năm ở V-League, chưa bao giờ Công Vinh ghi được nhiều hơn 10 bàn thắng/mùa. Từ đầu V-League 2008, Vinh cũng không đạt tới cột mốc đó. Anh ghi 2 bàn thắng trong trận khai mạc rồi tịt ngòi, rồi vất vả ghi bàn, rồi lại tịt ngòi để đến sau vòng 19, mới có vẻn vẹn 5 bàn thắng.

Nếu căn cứ vào số bàn thắng để hỏi liệu Công Vinh có đáng với cái giá 1 triệu USD (17 tỉ đồng) hay không, rõ ràng, ai cũng có thể trả lời là không. Và Vinh càng không thể trở thành tiền đạo đắt giá nhất Việt Nam hiện nay, vì Ngọc Thanh của XMHP đã ghi tới 11 bàn thắng cho đội bóng của anh ta ở V-League. Nếu tính nhẩm, một tiền đạo chỉ đạt hiệu suất 2,5-3 trận/bàn chắc chỉ đáng giá 2-3 tỉ là tối đa trong thời điểm hiện nay.

Nhìn rộng ra, việc kỳ vọng mua Công Vinh về có thể sẽ tái lập thành tích như bầu Đức mua Kiatisak 6 năm về trước, chỉ là ảo tưởng. Vinh chưa đủ tầm để dẫn dắt và là thủ lĩnh của cả một đội bóng.

Nhưng, giá trị của Vinh không chỉ là những bàn thắng. Nó nằm ở thương hiệu nhiều hơn, chủ yếu là nhờ khi anh khoác áo đội tuyển. Thực tế, cái tên Công Vinh hiện đã tạo nên sức hút rất lớn đối với giới truyền thông trong nước. Ngay cả truyền thông nước ngoài khi đề cập tới BĐVN cũng bị “đánh lừa” bởi thương hiệu đó cho tới khi không ít người nhận ra, trên sân cỏ, đôi lúc Vinh không quan trọng bằng những cầu thủ như Tài Em hay Minh Phương.

Tuy nhiên, thương hiệu của Công Vinh liệu đã đủ để cáng đáng thương hiệu cho một doanh nghiệp nào đó hay chưa lại là điều phải bàn. BĐVN đã từng có những ngôi sao lên màn ảnh quảng cáo sản phẩm, như Huỳnh Đức với thuốc trị bệnh ngoài da Nizoral, Hồng Sơn với viên sủi Pluzz, hay Văn Quyến với sản phẩm TV của hãng LG. 3 cái tên ấy trong từng thời điểm không hề thua kém, nếu không muốn nói là hơn cả thương hiệu Công Vinh trong thời điểm hiện nay. Vậy mà hiệu ứng dư luận và hiệu quả kinh tế họ tạo nên cũng không đạt tới mức thành công như các doanh nghiệp kỳ vọng.

Thực tế này dẫn tới một nhận định: đầu tư 1 triệu USD để có được Công Vinh không phải là một thương vụ thành công trên lĩnh vực kinh tế. Một kiểu hợp đồng điên rồ chăng?
 
Trung vệ Như Thành với bản hợp đồng kỷ lục 12 tỉ đồng cùng CLB Bình Dương là do có thời hạn tới 10 năm. 5 năm cho hợp đồng cầu thủ (theo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, hợp đồng cầu thủ không dài hơn 5 năm). 5 năm còn lại là để sau này trở thành HLV của CLB. Thế cho nên, nếu căn cứ vào hợp đồng của Như Thành để “định giá” Công Vinh không phải là cách tính thực sự chính xác.

T.P

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm