Từ bức ảnh giả mạo của Giáo hoàng Francis khiến cả thế giới chao đảo, "công nghệ giả dạng" có trở thành cơn ác mộng của thời đại mới?

30/03/2023 15:00 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Mới đây, trí tuệ nhân tạo AI đã tạo nên một bức ảnh chi tiết một cách đáng kinh ngạc về Giáo hoàng Francis (người đứng đầu và lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo). Giáo hoàng trông rất “thời thượng” so với độ tuổi 87. Không mặc phẩm phục Công giáo, ông bước ra ngoài trong chiếc áo khoác phao dài màu trắng đến từ nhà mốt Balenciaga, thậm chí đeo cả găng tay và giày thể thao đồng màu.

Bức ảnh sau đó đã được lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt, khi “vỡ lẽ” ra đây chỉ là “hàng giả”, dân mạng ngỡ ngàng và thán phục với sự phát triển vượt bậc của công nghệ trí tuệ nhân tạo AI. Nhiều người không thể phân biệt đây là hàng thật hay giả bởi dường như AI đã đạt đến một bức độ chân thật đến khó tin.

Từ bức ảnh giả mạo của Giáo hoàng Francis khiến cả thế giới chao đảo, "công nghệ giả dạng" có trở thành cơn ác mộng của thời đại mới? - Ảnh 1.

Rất nhiều người tưởng bức ảnh này là thật

Từ bức ảnh giả mạo của Giáo hoàng Francis khiến cả thế giới chao đảo, "công nghệ giả dạng" có trở thành cơn ác mộng của thời đại mới? - Ảnh 2.

Đây mới là phẩm phục thường thấy của Giáo hoàng

Theo dữ liệu của Google Trends, số lượt tìm kiếm về Giáo hoàng đã tăng lên thần kỳ ngay sau khi những bức ảnh đó được đăng lên Twitter. Trong cuộc phỏng vấn với Buzzfeed, tác giả của bức ảnh, Pablo Xavier cho biết: “Tôi chỉ thấy thật buồn cười khi nhìn Giáo hoàng với vẻ ngoài đạo mạo nhưng lại khoác chiếc áo phao ngộ nghĩnh”. Pablo Xavier đã sử dụng Midjourney để tạo nên bức ảnh của Giáo hoàng. Midjourney là một hệ thống AI cho phép người dùng nhập vào ý tưởng cho bức tranh mình muốn vẽ, máy tính sẽ thực hiện các thuật toán phức tạp và chuyển ý tưởng (văn bản) thành một bức tranh kỹ thuật số độc đáo.

Anh chia sẻ về quá trình tạo hình của anh: “Một ý tưởng nảy ra trong đầu tôi. Tôi bắt tay làm một bức hình về Giáo hoàng. Ngài mặc một chiếc áo phao Balenciaga, đi dạo trên đường phố Paris hay Rome gì đó”. Thành quả xong xuôi, anh chia sẻ ảnh trên Facebook, Reddit, và chỉ khi “đặt chân” lên Twitter thì nó mới trở thành “cú nổ”.

Mặc dù qua mặt được hàng triệu người, bức ảnh vẫn bị một số người tinh ý nhận ra điểm bất thường. Đó là chi tiết về bàn tay lảo đảo của Giáo hoàng, cây thánh giá trên ngực bị biến dạng và vết bóng mờ xung quanh kính và cây thánh giá của Giáo Hoàng. Nếu phóng to, bạn sẽ thấy những chi tiết này bị méo mó, sai lệch với thực tế. Công cụ tái tạo hình có thể lắp ghép những thứ không liên quan một cách kỳ diệu, nhưng vẫn chưa thể nắm vững các quy luật vật lý, vì vậy nếu soi kỹ bạn sẽ nhận ra “có gì đó không đúng”.

Từ bức ảnh giả mạo của Giáo hoàng Francis khiến cả thế giới chao đảo, "công nghệ giả dạng" có trở thành cơn ác mộng của thời đại mới? - Ảnh 3.

Nếu soi kỹ bạn sẽ nhận ra điểm bất thường

Pablo Xavier không hề muốn tác phẩm của mình bị thổi phồng quá mức như vậy, điều này thực sự đáng sợ khi “mọi người đều tin bức ảnh là thật và chia sẻ nhanh chóng mặt mà không hề đặt nghi vấn về nguồn gốc, tính xác thực của ảnh”.

Thời đại của ảnh giả mạo đã đến?

Khi các công cụ vẽ tranh nghệ thuật bằng AI trở nên dễ tiếp cận hơn, mọi người có thể tạo ra tất cả các loại hình ảnh theo ý mình. Mặc dù vẫn còn những thiếu sót nhưng các công cụ đang dần hoàn thiện, chi tiết hơn, đòi hỏi người xem phải soi thật kỹ mới không bị lừa. Đáng tiếc vì trong cuộc sống bận rộn như ngày, đôi khi chúng ta chỉ dành chưa đến 3 giây để nhìn vào một bức ảnh. 

Trong thời gian qua, những hình ảnh giả mạo của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, tổng thống Nga Vladimir Putin, nam diễn viên Will Smith, được trí tuệ nhân tạo AI tạo ra và được đăng tải trên mạng xã hội, cũng đã tạo ra làn sóng tương tự. Đáng chú ý nhất là hình ảnh của Donald Trump. Tuần trước, Midjourney đã tạo ra hình ảnh giả cho thấy cựu Tổng thống Donald Trump bị bắt trông y như thật. Bức ảnh này xuất hiện ngay sau khi có thông tin đồn đoán Trump có khả năng đối diện với các cáo buộc hình sự trong một cuộc điều tra tài chính ở New York.

Từ bức ảnh giả mạo của Giáo hoàng Francis khiến cả thế giới chao đảo, "công nghệ giả dạng" có trở thành cơn ác mộng của thời đại mới? - Ảnh 4.

Bức ảnh Donald Trump bị bắt do AI tạo ra

Các chuyên gia cho biết, với các hình ảnh tổng hợp ngày càng trở nên khó phân biệt với thực tế, cách tốt nhất để chống lại thông tin sai lệch là nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng. “Việc tạo ra những hình ảnh này đang trở nên quá đỗi dễ dàng, chúng ta nên làm hết khả năng để công chúng nhận thức được những tiến bộ công nghệ hiện nay”, Jevin West, giáo sư tại Đại học Washington ở Seattle cho biết. 

Arthur Holland Michel, là một thành viên tại Hội đồng Đạo đức trong các vấn đề quốc tế tại Carnegie, New York. Ông cho hay: “Từ góc độ chính sách, tôi không chắc liệu chúng ta đã sẵn sàng để đối phó với thông tin sai lệch quy mô lớn. Có lẽ chúng ta cần một bước đột phá kỹ thuật chưa từng có để chấm dứt hiện tượng này”.

Làm sao để không bị qua mặt trong tương lai?

Để tránh bị lừa, có thể bạn sẽ cần dành thêm chút thời gian để “mổ xẻ” các bức ảnh. Điều quan trọng là cần ghi nhớ trong đầu một nguyên tắc: Bất kỳ thứ gì bạn thấy trên mạng ngày nay đều có thể làm giả. Nếu được, bạn cũng có thể tự hỏi mình một số câu hỏi: Ảnh này đến từ đâu? Ai đang chia sẻ nó và tại sao? Người đăng ảnh là người như thế nào? Đã có bất kỳ nguồn báo chính thống nào xác thực độ tin cậy của ảnh chưa? Hơn nữa, Google cũng có các công cụ để kiểm tra những nền tảng mà bức ảnh này đã xuất hiện. Bạn chỉ cần nhấp chuột phải vào ảnh và chọn “Tìm kiếm hình ảnh này trên Google”.

Đã có giải pháp công nghệ nào giúp phát hiện ảnh AI?

Có vô số phần mềm hỗ trợ làm ảnh và video deepfake nhưng rất ít công cụ trực tuyến giúp phát hiện ảnh giả mạo, hoặc nếu có thì cũng “hên xui”. Ví dụ, một công cụ trên nền tảng AI Hugging Face, có thể phát hiện ảnh của Giáo hoàng mặc đồ Balenciaga là giả và do AI tạo ra (69%). Nhưng khi nhập bức ảnh của Elon Musk, cũng được tạo ra bởi Midjourney, thì công cụ này kết luận 54% là thật. Đáng nói, khi ảnh bị thay đổi kích thước hay chất lượng giảm xuống thì càng khó phát hiện. 

Tuy nhiên, một nhóm các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hy vọng bằng cách “lấy độc trị độc”. Họ dùng một công cụ AI mới để sao chép ảnh, nếu đưa ảnh giả mạo (do AI khác tạo ra) vào, công cụ này sẽ cho ra một bản sao rất giống bức ảnh giả mạo, nhưng khi dùng ảnh chụp người thật, công cụ sẽ không thể sao chép chính xác. Phát hiện này có thể là bước đầu để họ nâng cấp lên thành các công cụ trực truyến mạnh mẽ trong tương lai.

Hạ Khương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm