Arsenal đến Việt Nam: Ai sẽ là 'thầy giáo' của bóng đá Việt Nam?

17/07/2013 09:22 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - HLV Arsene Wenger, được coi là một trong những nhà cầm quân đáng kính nhất thế giới vào thời điểm này, đã ở đây. Các cầu thủ Arsenal cũng đã ra sân và dạy đá bóng cho các em nhỏ. Nhưng “người thầy” thực sự của bóng đá Việt Nam đã xuất hiện?

Ông Wenger chơi bóng trên sân tập vào chiều qua. Ảnh VSI

Wenger và Arsenal đều tuyệt vời

Chỉ trong khoảng 30 phút phỏng vấn ngắn ngủi vào chiều hôm kia, HLV Arsene Wenger đã cho thấy sự thông minh và lịch thiệp của ông. Khi cánh phóng viên nhìn thấy ông ở tiền sảnh của khách sạn InterContinental, khuôn mặt của Wenger vẫn đang hơi cau có một chút. Nhưng đến khi bước vào phòng họp báo, HLV người Pháp luôn tươi cười, và trả lời các câu hỏi với một sự dí dỏm tinh tế rất “Pháp”.

Ông mang đến đây kiến thức của hơn 30 năm huấn luyện đỉnh cao, và 17 năm dẫn dắt một trong những đội bóng thành công nhất của kỷ nguyên Premier League. Arsenal của ông Wenger có lẽ đã là người tiên phong trong việc đặt ra khái niệm chiến thắng đi kèm với sự tâm phục của đối phương bằng mùa giải bất bại 2003-2004, và sự cân bằng về tài chính .

Ông đã nói về bóng đá Việt, thậm chí là khả năng vươn đến tầm quốc tế của chúng ta (“các bạn có thể dự World Cup sau 5-10 năm nữa”). Ông đưa ra một vài lời khuyên (“bạn không thể chi tiêu vượt quá số tiền bạn có”). Đó hẳn là những lời đúng đắn của một người thông thái.

Các cầu thủ Arsenal sang Việt Nam cũng với tư cách của một bóng đi “truyền bá văn minh”, từ một nền bóng đá phát triển hơn. Cầu thủ của họ đã từng chinh chiến ở những đấu trường khốc liệt bậc nhất, và là những nhân vật mà khi được tiếp xúc bằng xương bằng thịt, ít ai giấu được cảm giác hồi hộp. Đơn giản vì chúng ta vẫn nhìn thấy họ trên truyền hình mỗi ngày cuối tuần, và đến giờ mới được tiếp cận. Nhiều đứa trẻ trong buổi đào tạo kỹ năng chiều qua tại sân vận động hồ Tây đã nói với chúng tôi rằng các em háo hức chỉ vì “đây là lần đầu tiên được những cầu thủ giỏi nước ngoài hướng dẫn”.

Cả ông Wenger và Arsenal đều đã đem đến cảm hứng đáng kể cho không khí bóng đá ở Việt Nam, vì những giá trị họ đã tạo dựng. Và đó là một nguồn cảm hứng vô giá.

Nhưng “người thầy” bóng đá Việt Nam chưa xuất hiện

Chúng ta nhớ lại một chút về thời kỳ ông Wenger làm việc ở Nhật Bản: Ông vẫn còn vô danh, nhưng chỉ sau một mùa bóng, đã giúp Nagoya Grampus trở thành một trong những đội bóng đáng xem nhất của Nhật Bản. Tác phong và cảm hứng ông Wenger mang lại đã góp phần thúc đẩy một giải VĐQG còn rất non trẻ. Wenger đến đây chỉ 3 năm sau khi J-League ra đời.

Giải chuyên nghiệp Nhật Bản ra đời từ năm 1992, và nó lớn lên nhờ rất nhiều những “người thầy”. Zico là nhà tiên phong, người đã mở ra kỷ nguyên chuyên nghiệp cho giải đấu này nhờ sự quyết liệt trong việc thay đổi những thói quen xấu của các đồng đội và thậm chí là cả chính HLV của ông. Cho đến giờ, người Nhật vẫn truyền tụng với nhau về “tinh thần Zico”. Sau đó, một làn sóng người Brazil đổ sang Nhật chơi bóng, mà nổi bật có Bebeto (Kashima Antlers năm 2000).

Họ, cũng như ông Wenger, sang Nhật làm việc, và trở thành những người giúp bóng đá Nhật phát triển với tốc độ chóng mặt. Đó chính là những “người thầy” thực sự, những người không chỉ đến, mà còn để lại đây tâm sức, nhiệt huyết, và được ủng hộ tối đa bởi những nhà quản lý bóng đá Nhật Bản.

Arsenal và ông Wenger sang Việt Nam lần này là một sự kiện quan trọng với các CĐV yêu mến họ, nhưng đây đơn thuần là một chuyến du đấu trong hành trình Viễn Đông của họ. Cũng giống như Barcelona B sang đây dự Cúp Honda năm 2005, và Olympic Brazil năm 2008, họ sang đây không phải để đánh giá lại một nền bóng đá còn ở vùng trũng của thế giới, mà đơn thuần là du lịch, cho các CĐV cơ hội ngắm thần tượng bằng xương bằng thịt, và truyền cảm hứng cho những con tim yêu bóng đá ở Việt Nam.

Nhưng sau khi mọi thứ ồn ào đi qua, bóng đá Việt Nam sẽ lại phải tự đối diện với chính mình. Những “người thầy” không đến đây, như đã đến Nhật Bản cách đây 18 năm.

Ban Cầm
Thể thao & Văn hóa

“Người thầy” của Wenger là ai?

Ông Wenger mang đến Nhật Bản tác phong của một nhà thể thao chuyên nghiệp và các phương pháp huấn luyện châu Âu, nhưng chính đất nước Nhật Bản (cho CLB Nagoya Grampus từ 1995-1996) cũng là nơi mà ông tiếp thu thêm không ít những kiến thức phục vụ cho quá trình làm việc sau này tại Arsenal, “sản phẩm” tuyệt vời nhất trong sự nghiệp huấn luyện của ông.

Ông Wenger chính là người tiên phong trong việc áp dụng chế độ dinh dưỡng mới ở giải Ngoại hạng, từ thực đơn của người Nhật. Ông kê cho các cầu thủ Arsenal một thực đơn ít chất béo, và thật nhiều cá, rau xanh. Ông quan tâm đến những chi tiết nhỏ nhặt có thể tác động đến thể chất cầu thủ (Wenger đã từng yêu cầu hạ thấp nhiệt độ xe bus chỉ để bảo vệ sức bền của cơ bắp cho các “học trò”) và đặc biệt là lưu ý đến yếu tố tinh thần cũng nhờ tiếp thu những giá trị của văn hóa phương Đông nói chung và Nhật Bản nói riêng. Cách quản lý của ông cũng dựa trên sự ôn hòa và mang tính chất gợi mở của xu hướng phương Đông.

Đó rõ ràng là một nhân vật có ảnh hưởng đến sự phát triển của J-League giữa thập niên 90 thế kỷ trước, nhưng chính Nhật Bản cũng đã đem lại rất nhiều cho sự nghiệp huấn luyện sau này của ông.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm