Từ 1/11 có còn tải nhạc miễn phí?

31/10/2012 07:27 GMT+7 | Âm nhạc


(TT&VH) - Từ 0h ngày mai 1/11, thời điểm mà các trang web cho tải nhạc phải tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ, không thể “xài chùa” những bản nhạc như trước đây. Hình thức “răn đe” mang tính thực tiễn theo đại diện MV Corp cho biết là: Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ VH,TT&DL sẽ vào cuộc và đề nghị nhà mạng cắt đường truyền của trang web nào vi phạm. Nhưng thực tiễn có diễn ra tốt đẹp như nhiều người mong muốn?

Khí thế của “Nghe có ý thức” cũng đang hừng hực, có thể nói ngày 1/11/2012 là cột mốc đáng nhớ của lĩnh vực kinh doanh nhạc số tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tiễn cũng còn lắm ngổn ngang…

Một thách thức với MV Corp

Có thể nói rằng, trong vòng một thập niên qua, quãng thời gian mà đĩa lậu hoành hành, các website chia sẻ nhạc không trả tác quyền tràn lan, đó cũng là giai đoạn “thất bát” nhất của các hãng sản xuất đĩa nhạc. Việc xây dựng những chương trình rất hiếm hoi, các hãng sản xuất chủ yếu là “bán giấy phép”. Vì vậy, mặc dù trên bìa đĩa vẫn hiển hiện tên của các hãng sản xuất, nhưng hầu hết vốn đầu tư là của ca sĩ, nhạc sĩ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc sở hữu quyền khai thác tác phẩm không phải của các nhà sản xuất, mà trong đó một số khá lớn là thành viên của Hiệp hội ghi âm VN (RIAV). “Gia tài” mà RIAV sở hữu đa phần là những chương trình cũ đã xây dựng trước đây, trong đó có những băng đĩa về nhạc trữ tình.

Nhưng hiện nay, những bài nhạc có lượt download nhiều nhất (có bài lên đến cả triệu lượt) lại thuộc về những ca sĩ “hot”, những bản nhạc “hit” của thị trường.

Hình ảnh đầy quyết tâm trong Tọa đàm nhạc số VN... ngày 15/8 tại Khách sạn Park Hyatt, TP.HCM

Các bài “hit” của thị trường thì thay đổi xoành xoạch, muốn kinh doanh hiệu quả thì phải nhanh tay, thậm chí là đoán trước những bài có thể thành “hit” để đầu tư.

Điều này thì các CP (đơn vị cung cấp nội dung số cho các nhà mạng), các “đại gia” cho tải nhạc miễn phí thời gian qua rất nhanh nhạy. Vì vậy khi bắt đầu việc kinh doanh nhạc số, thực sự là một “cuộc chiến” đối với những đơn vị muốn tồn tại và phát triển.

Về nguyên tắc, các CP và các trang web có thể ký hợp đồng trực tiếp với các ca sĩ, hoặc một tổ chức cung cấp nội dung nào đó mà không phải là MV Corp, miễn là có thỏa thuận tác quyền, không vi phạm luật Sở hữu trí tuệ.

Vì vậy, việc giành lấy thị phần cung cấp nội dung để kinh doanh, MV Corp muốn trở thành một “CP lớn” chi phối phần lớn thị trường nhạc số, họ phải nỗ lực rất nhiều và phải nhạy bén với nhu cầu của thị trường.

“Vấn nạn” tải nhạc miễn phí “hợp pháp”?

Trước lúc giờ G sắp điểm, Công ty MV Corp cho biết, tính đến chiều 30/10 đã có 18 trang web ký thỏa thuận đồng ý thu phí tải nhạc. Trong đó có 8 trang web đã hoàn tất cơ sở hạ tầng để phục vụ việc thu phí và 2 trang web khác đang nỗ lực hoàn tất cho kịp ngày 1/11. Tìm hiểu một số trang nhạc lớn như mp3.zing.vn, nhacso.net, yeucahat.com, nhaccuatui.com… họ cho biết cũng đã sẵn sàng tinh thần. Tuy nhiên, điều đáng nói là chỉ thu tiền đối với 100 album ban đầu mà Công ty MV Corp cung cấp từ kho nhạc mua lại quyền khai thác của RIAV. Còn lại những phần down load miễn phí lâu nay trên các trang web thì vẫn tiếp tục cho down load miễn phí.

Đại diện một số trang web cho biết, họ không vi phạm tác quyền vì đã có hợp đồng mua tác quyền từ nhiều nguồn như: RIAV, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN, ca sĩ, nhạc sĩ…

Điều này cho thấy rằng, không phải tất cả các trang web lớn chia sẻ nhạc đều đi vào “nề nếp”: cho nghe miễn phí và thu tiền tải nhạc, mà tình trạng tải nhạc miễn phí vẫn như xưa (đó là chưa tính rất nhiều trang web khác chưa ký thỏa thuận với MV Corp). Có chăng là thêm phần tải nhạc thu tiền đối với 100 album do MV Corp cung cấp.

100 album tải nhạc thu tiền này, với khoảng hơn 1.000 bài nhạc là con số còn quá khiêm tốn so với vài chục, thậm chí vài trăm ngàn bản nhạc mà một số trang web đang cho tải miễn phí. Nó như muối bỏ biển chẳng thể tạo một cú hích đáng kể để thay đổi việc kinh doanh nhạc số trên môi trường internet, kể cả họ liên tục cập nhật thời gian sau đó.

Tuy nhiên, bà Trương Thu Dung (Phó chủ tịch RIAV) cho biết: “Hiện nay, có 4 trang web còn thời hạn hợp đồng về việc mua tác quyền với RIAV là: mp3.zing.vn, nhavui.vn, nhaccuatui.com và nhacso.net. Trong tất cả các hợp đồng của RIAV đối với các trang web, bà Dung nhấn mạnh là điều khoản hợp đồng chỉ cho phép nghe chứ không cho phép tải nhạc. Nếu trang web nào sử dụng những bản nhạc đã mua tác quyền của RIAV mà cho mọi người tải miễn phí là vi phạm hợp đồng”.

Chưa kể là trên thực tế vẫn có trường hợp “mượn gió bẻ măng”, trong rất nhiều bài nhạc đang chia sẻ miễn phí trên các web, thực tế chỉ một số trong đó là có hợp đồng thỏa thuận tác quyền hẳn hoi.

Mọi chuyện xem ra còn lắm ngổn ngang, chưa thể đi vào nề nếp để có thể lập lại trật tự trong vấn đề chia sẻ nhạc trên các trang web. “Đây là giai đoạn thử nghiệm, chủ yếu là tập dần thói quen cho người tiêu dùng. Đồng thời MV Corp cũng nỗ lực nâng cao chất lượng âm thanh các bản nhạc để người tiêu dùng thấy được sự khác biệt giữa bản nhạc tải trả tiền và bản tải miễn phí”, bà Dung chia sẻ thêm.

Có thể thấy rằng, việc “Nghe có ý thức” không những dành cho người tiêu dùng mà ngay cả những nhà cung cấp. Nếu họ đồng lòng thu phí tải nhạc mới mong cải thiện được tình hình. Tuy nhiên, có khá nhiều trang web mà lợi nhuận của họ không phải nhắm vào việc thu tiền tải nhạc, họ cho tải miễn phí để thu hút “view” và thu lợi nhuận từ những nguồn khác. Đó cũng là điều khá nan giải đối với việc vận động toàn bộ các trang web thu tiền tải nhạc hiện nay.

Bình Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm