Vì sao BĐVN chưa từng vô địch AFF Cup ?: Chuyên nghiệp nửa vời

27/11/2008 13:58 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - HLV Calisto nói đúng, chúng ta chưa từng vô địch khu vực trong suốt 2 thập kỷ tái hội nhập, nên lần này cũng sẽ khó thay đổi được số phận. Nhưng, điều gì nằm sau sự thật hiển hiện ấy? Dưới đây là góc nhìn của HLV đang lên Hoàng Anh Tuấn.

* Trước hết, ông nhận xét thế nào về ĐTQG dưới triều đại của HLV Calisto?

- Đã tập hợp hết những cầu thủ giỏi nhất trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, chấn thương của quá nhiều vị trí trụ cột đã ảnh hưởng đến tiến trình gắn kết lối chơi chung, cũng như đến mục tiêu và ý đồ xây dựng lối chơi của HLV. Ông Calisto chủ trương khai thác hết tiềm năng của cầu thủ, thành ra ông thử nghiệm nhiều vị trí. Tôi chia sẻ cái giá của sự thử nghiệm, khâm phục sự kiên định vì cái đích chính là AFF Cup của HLV Calisto. Hãy kiên nhẫn thêm, nếu AFF Suzuki Cup không thành công, lúc đó phán xét vẫn chưa muộn.

Tôi chỉ cấn cá hai điều. Thứ nhất, tinh thần cầu thủ chưa tốt ở rất nhiều thời điểm. Thứ hai, đã có 5 cầu thủ xin về kể từ lần đầu tập trung đến nay. Điều này chứng tỏ phải xem lại khâu quản lý. Môi trường ở tuyển đã có sự công bằng hay chưa? Thứ hai, ai là người để các cầu thủ chia sẻ khi họ không trực tiếp đối thoại với HLV trưởng?
 
 ĐTVN chỉ có thể vô địch ở các giải giao hữu trên sân nhà. Còn AFF Cup thì chưa!

* Dưới lăng kính của ông, vì sao bao năm qua chúng ta không thể một lần vô địch được?

- Muốn vô địch phải hội đủ nhiều yếu tố như khả năng tận dụng thời cơ, cộng thêm một chút sự may mắn đứng cạnh. Phải hội đủ các phẩm chất của nhà vô địch gồm đẳng cấp, bản lĩnh, tinh thần của đội bóng và cả cách làm ở tầm vĩ mô.

Đi vào phân tích, rõ ràng ở cấp vĩ mô chúng ta chưa có định hướng khoa học. Cụ thể, chúng ta thay đổi quá nhiều HLV ngoại khiến quá trình huấn luyện đứt đoạn, không xây dựng được một lối chơi có bản sắc, phù hợp với tố chất con người Việt Nam. Chúng ta nặng bệnh thành tích, nên các HLV ngoại đều bị áp lực khiến việc xác định điểm rơi lẫn mục tiêu, thiếu chính xác như năm 2007 chẳng hạn.

Chúng ta có những lứa cầu thủ rất giỏi, nhưng tính chuyên nghiệp thì không thể theo kịp nhiều đội bóng, chứ không chỉ Thái Lan. Tính chuyên nghiệp bộc lộ qua thái độ chơi, cách chơi và tinh thần tập luyện của mỗi cầu thủ trên sân. Tính chuyên nghiệp thể hiện ở ý thức kỷ luật trong đấu pháp, chiến thuật của hàng loạt trận đấu. Tính chuyên nghiệp giúp cho sự đoàn kết luôn ở mức cao nhất. Hãy nhìn V-League đủ biết, những đội bóng hàng đầu như Bình Dương, ĐT.LA thường xây dựng được tính chuyên nghiệp rất cao. Thanh Hoá nổi lên được mùa, sau đó chìm luôn cũng vì thiếu chuyên nghiệp.

Thái Lan luôn thể hiện được tư thế của đội bóng lớn vì cầu thủ họ rất chuyên nghiệp. Hãy để ý, dường chưa bao giờ họ lình xình vì những tác động khách quan. Còn ta, rất nhiều lần người hâm mộ phiền muộn. Từ Tiger Cup 1996 cho tới SEA Games 2005, đều xảy ra chuyện cả.

Mặt khác, tính lịch sử, nói chính xác hơn cú hích từ lịch sử cũng rất quan trọng trong bóng đá. Bóng đá Singapore lột xác rất nhiều sau lần vô địch Tiger Cup 1998. Nếu năm đó ta vô địch, thì có thể đẳng cấp bây giờ đã lên một bậc.

* Ông đánh giá thế nào về bức tranh toàn cảnh của bóng đá Đông Nam Á, và khả năng của ĐTVN tại AFF Suzuki Cup lần này?

- Theo tôi, đẳng cấp giữa Thái Lan với ta là 10-8. Singapore-ta: 10-9. Ta ngang ngửa Malaysia, Indonesia, Myanmar. Có nghĩa, chúng ta luôn nằm trong tốp 6, không vào được bán kết kể cũng tệ. Có thể sau những khó khăn thời gian qua, ĐTVN sẽ chuyển mình khi vào chiến dịch chính. Tuy thế, tôi vẫn không tin thầy trò HLV Calisto sẽ vô địch được.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

NGỌC HÒA (Thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm