(TT&VH) - Trong Hội chợ và Triển lãm sách Quốc tế vừa diễn ra tại Triển lãm Giảng Võ, buổi tọa đàm “Văn hóa đọc, kĩ năng chọn sách và đọc sách siêu tốc” với sự diễn giải của TS Nguyễn Mạnh Hùng, người được mệnh danh là “Tiến sĩ Văn hóa đọc” đã thu hút rất nhiều người quan tâm, nhất là với các bạn trẻ.
Ông cho biết:- Tôi đã đến nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, chủ yếu là các nhà trường và doanh nghiệp để tuyên truyền về văn hóa đọc đến mọi người. Tôi cũng có những nghiên cứu về văn hóa đọc của người dân chúng ta. Tôi cho rằng người dân nước ta nói chung và các bạn trẻ bây giờ nói riêng, khi đọc sách vấp phải những sai lầm cơ bản sau đây: 10 sai lầm khi đọc theo tổng kết của tôi là: 1 - Chậm và kỹ; 2 - Từng từ; 3 - Thành chữ; 4 - Phải hiểu hết 100% nội dung; 5 - Phải nhớ hết 100% nội dung đọc; 6 - Đọc ngược lại; 7- Tìm hiểu kỹ vấn đề chưa hiểu rồi mới đọc tiếp; 8 - Không ghi chú, không gạch chân; 9 - Động cơ đọc không liên quan đến tốc độ; 10 - Không thể tăng tốc độ đọc. Theo đó, tôi nghĩ rằng, văn hóa đọc của chúng ta đang “đi số lùi”. 82% không có kỹ năng đọc sách; 91% có vấn đề về tập trung.
“Tôi nhớ ngày xưa có phong trào hô hào người dân tập thể dục buổi sáng. Và cuối cùng cả nước tập thể dục. Đến bây giờ hàng sáng truyền hình và đài tiếng nói VN vẫn phát chương trình tập thể dục buổi sáng, vẫn hàng triệu người tập thể dục buổi sáng theo TV, theo đài. Tôi đang kỳ vọng vào phong trào toàn dân đọc sách mà chúng tôi đang tiến hành cũng như vậy” (Phát biểu của TS Nguyễn Mạnh Hùng). |
* Ông cho rằng hiện nay người dân chúng ta, nhất là giới trẻ mắc rất nhiều “lỗi” trong việc đọc sách. Vậy, những lỗi đó xuất phát từ đâu? - Có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết có lẽ là lỗi của nền giáo dục, của nhà trường, sau là ý thức và quan điểm của từng người đối với việc đọc sách. Chúng ta, nhất là giới trẻ không được hướng dẫn đọc, không có nhiều buổi sinh hoạt về sách, nói chuyện về sách, kể sách... Hiện nay, các bạn học sinh thậm chí bị nhồi nhét đọc sách giáo khoa, do đó thiếu hẳn đi mảng sách công cụ, sách kiến thức phổ thông, sách kỹ năng. Nhiều khi đọc sách giáo khoa cả ngày, cả đêm. Mệt quá rồi nên không muốn đọc nữa! Không cẩn thận cứ đà này các em sẽ “chán”, “ngấy” sách và mọi điều sẽ tồi tệ hơn. Nguyên nhân khác là nhiều bạn đọc chậm quá. Nếu đọc chậm sẽ chán rồi lười đọc. Ở VN không thấy ở đâu hướng dẫn đọc không có các chương trình về văn hóa đọc, về đọc sách nhanh. Tôi là 1 trong những người đầu tiên đã làm chuyện này mấy năm nay và thu hút được rất nhiều bạn đọc. Biết cách đọc, biết cách biến kiến thức của người khác, của các chuyên gia thành của mình sẽ rất thích và tạo ra sự hứng thú. Nếu không sẽ chán. Giống như bạn học càng giỏi càng thích học, còn bạn học kém càng muốn bỏ hay nghỉ học. * Vậy phải làm gì để văn hóa đọc không bị mai một? - Cần đưa việc dạy đọc sách, nói về sách và văn hóa đọc vào trường học. Học là tự đọc. Nói thật với anh, nếu 30 tuổi không có thói quen đọc sách là hầu như hết phương cứu chữa. Có thói quen đọc sách từ cấp 1 là quan trọng nhất. Mỗi gia đình cần chú ý đến đọc sách. Cha mẹ hãy dành thời gian đọc sách cùng con, hướng dẫn con cách đọc, cách chọn sách. Mỗi gia đình cần có 1 tủ sách. Cần phải rèn luyện các em nhỏ có thói quen đọc sách, nhà văn Nguyên Ngọc có kể rằng ở Phần Lan ngày sinh cháu bé, thay vì tặng quà người ta tặng giỏ sách. Thật là tuyệt vời. Bên cạnh đó, các nhà xuất bản, các công ty sách cần có trách nhiệm về những cuốn sách mình xuất bản. Và nói thật, những ai muốn làm giàu, nhất là giàu nhanh xin tránh xa ngành xuất bản. Ngành xuất bản là ngành của tri thức, của phục vụ, của cống hiến. Nếu anh chị muốn làm giàu mà chưa đủ tâm huyết, chưa đủ hiểu biết thì nên chuyển sang mở loại hình kinh doanh khác. Nhà nước cũng nên quan tâm hơn đến văn hóa đọc. Cần có ngân sách lớn hơn cho việc xây dựng các thư viện, hỗ trợ xuất bản sách, có ngân sách mua sách cho các thư viện từ trung ương đến làng xã. Có sách sẽ có tri thức. Tri thức có từ sách và văn hóa đọc sách, mà tri thức là nền tảng để phát triển đất nước. * Xin cảm ơn ông!
Quỳnh Phạm (Thực hiện)