TS Lê Y Linh: Vừa hạnh phúc, vừa áp lực khi thực hiện chương trình 'Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên'

21/04/2024 11:22 GMT+7 | Văn hoá

Tiến sĩ - Nhà nghiên cứu âm nhạc Lê Y Linh đã có những trao đổi về ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình nghệ thuật đặc biệt: Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên.

Tiến tới lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024), Tiến sĩ - Nhà nghiên cứu âm nhạc Lê Y Linh (hiện đang định cư tại Pháp) đảm nhận vai trò sản xuất kịch bản chương trình Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên do Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Bộ Công an chỉ đạo Nhà hát Hồ Gươm thực hiện. 

Trao đổi với phóng viên, bà cho biết sự kiện này không chỉ nhằm hồi tưởng lại mốc son hào hùng của đất nước mà còn mang ý nghĩa cùng khán giả lần giở lại một trang trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, đồng thời mang một thông điệp nghệ thuật của nền âm nhạc hàn lâm Việt Nam tới công chúng.

TS. Lê Y Linh: Áp lực khi thực hiện chương trình nghệ thuật kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Ảnh 1.

Tiến sĩ Lê Y Linh

Nữ tiến sĩ chia sẻ: "Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ là một mốc quan trọng bởi có lẽ đây sẽ là một trong những lần kỷ niệm cuối cùng mà chúng ta sẽ còn thấy sự hiện diện của những người chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Ngay từ khi ý tưởng của chương trình Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên được tôi trình bày với Nhà hát Hồ Gươm đã nhận được sự nhất trí cao. 

Bởi, ý nghĩa to lớn của chương trình là thông qua âm nhạc để khẳng định lại thành tựu to lớn của một phần lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc, đồng thời cũng cho thấy thành tựu phát triển của âm nhạc Việt Nam đồng hành cùng dân tộc".

TS. Lê Y Linh: Áp lực khi thực hiện chương trình nghệ thuật kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Ảnh 2.

Các tác phẩm xuất hiện tại chương trình được chọn lựa cẩn thận, nhằm tri ân các chiến sĩ đã hy sinh, giành độc lập cho dân tộc. Chiến tranh không chỉ là đau thương mà qua âm nhạc còn tràn đầy tình yêu Tổ quốc.

Bên cạnh đó, bà cũng cảm thấy chút áp lực vì chương trình nghệ thuật lần này có quy mô lớn với hàng trăm nghệ sĩ, nhạc công, diễn viên,... Ngoài ra, sự kiện kỷ niệm này còn mang sứ mệnh dẫn dắt cảm xúc và thăng hoa cùng khán giả, vì vậy ê - kíp sản xuất phải đặt hàng các nhạc sĩ phối khí để giữ được hồn cốt tác phẩm nhưng cũng vẫn phải mang được hơi thở thời đại. 

Tiến sĩ Lê Y Linh nói thêm: "Việc lựa chọn tác phẩm cho một chương trình với những yêu cầu nghệ thuật đòi hỏi khắt khe là một bài toán khó. Đáp án lựa chọn của chương trình kỷ niệm 70 năm có mẫu số chung là tập hợp các tác phẩm ra đời trong khoảnh khắc đặc biệt - một trang sử còn ít người biết đến của nền âm nhạc Việt Nam".

TS. Lê Y Linh: Áp lực khi thực hiện chương trình nghệ thuật kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Ảnh 3.

Chương trình cũng dành một vị trí trân trọng cho bốn tác phẩm đầy tính lạc quan, trữ tình và bi tráng, gồm "Du kích sông Thao" (Đỗ Nhuận), "Bác đang cùng chúng cháu hành quân" (Huy Thục), "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" (Nguyễn Đức Toàn), "Người chiến sĩ ấy" (Hoàng Vân).

Đáng chú ý, Điện Biên Phủ - Không bao giờ quên còn lan tỏa thông điệp về tinh thần Điện Biên Phủ đã tạo nên những con người kiệt xuất cả trên chiến trường và trong nghệ thuật, ê-kíp thực hiện kỳ vọng chương trình sẽ mang tới công chúng những cảm nhận sâu sắc thông qua sức mạnh biểu đạt của Dàn nhạc Giao hưởng và cả dàn Hợp xướng. 

Đặc biệt, hai tác phẩm biểu tượng của Điện Biên Phủ là Giải phóng Điện Biên và Hò kéo pháo sẽ được phối khí theo phong cách hoàn toàn mới. Đây cũng là một trong những tiêu chí mang đến công chúng một chương trình nghệ thuật phong phú và đa dạng bởi ngôn ngữ âm nhạc và hình thức thể hiện.

Duy An (Tổng hợp)/ Nguồn ảnh: Internet

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm