08/02/2011 10:55 GMT+7 | Văn hoá
Với gần 8.000 lễ hội đang tồn tại trên toàn quốc, việc quy hoạch cần được định hướng và triển khai như thế nào?
Là chuyên gia của Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, TS Bùi Quang Thắng từ hơn 10 năm qua đã tham gia nghiên cứu và phục dựng nhiều lễ hội truyền thống như Lễ hội Xuân Phả (Thanh Hóa) năm 2003, Lễ hội Lam Kinh (Thanh Hóa) năm 2005, Lễ hội Kiếp Bạc (Hải Dương) năm 2006, Lễ hội Lảnh Giang (Hà Nam) năm 2009, Lễ hội Tịch điền (Hà Nam) năm 2009 và 2010... Từ thực tiễn đó, ông có những quan niệm và đánh giá rất riêng về lễ hội, có thể không hoàn toàn giống như cách quan niệm bấy nay.Trò chuyện với TT&VH, ông Thắng nói:
- Nếu nói vắn tắt, quy hoạch lễ hội truyền thống phải đầu bằng việc thống kê và phân loại toàn bộ những lễ hội hiện có. Chúng ta cần biết rõ trong hàng ngàn lễ hội ấy, những lễ hội nào có tầm ảnh hưởng cấp vùng, cấp tỉnh hay chỉ giới hạn trong phạm vi cộng đồng làng. Rồi trên cơ sở thống kê ấy, những lễ hội có giá trị nhất sẽ được đưa lên thành lễ hội quốc gia.
Nếu so sánh, các di sản văn hóa như đình, chùa, di tích... đang được quản lý như vậy, trong khi lễ hội thì chưa. Tất nhiên, việc xác định tiêu chí để xếp hạng một loại di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội là phức tạp hơn nhiều. Nhưng tôi khẳng định: chúng ta hoàn toàn có thể làm được nếu như tiến hành thống kê bằng các phương pháp và tiêu chí khoa học.
“Hiện nay, thay vì khảo sát , “số hóa” các lễ hội để nghiên cứu và ưu tiên phục dựng thì nhiều địa phương lại làm ngược, nghĩa là được doanh nghiệp bản địa tài trợ nên hì hục xin phục dựng, nâng cấp lễ hội cho hoành tráng nhất”? (Phát biểu của TS Bùi Quang Thắng) |
- Trong quá trình làm việc những năm qua, chúng tôi cũng có dịp thống kê lễ hội truyền thống tại một số địa phương như Hà Nội (địa giới cũ), Tây Ninh, Vĩnh Phúc, Hội An, TP.HCM, Hà Nam... Theo yêu cầu của cơ sở, chúng tôi tự xây dựng bộ bảng biểu thống kê bằng phương pháp định lượng. Tiêu chí để “đo đạc” mỗi lễ hội ấy là hàng loạt mẫu câu hỏi và số liệu. Chẳng hạn, về yếu tố vật thể, điều tra viên cần tìm hiểu xem các kiến trúc thần phả, sắc phong thờ tự, các mẫu nghi trượng, nghi vật, cờ quạt võng lọng... của lễ hội còn lưu truyền lại không? Về mặt phi vật thể, cần điều tra tại địa phương, đặc biệt là từ những người lớn tuổi, để biết họ còn giữ được tới mức nào những tục hèm, giao yết, đại tế, rước, trò chơi dân gian hay các diễn xướng liên quan tới sự tích vị thánh được thờ...
Sau khi hoàn thành, các câu hỏi trên được mã hóa để thống kê và xếp thành 4 loại. Dựa vào các số liệu biểu thị, lễ hội nào phong phú, đa dạng và còn được 90 % yếu tố nguyên bản trở lên thì được xếp loại đặc biệt. Dưới nữa thì có loại A (còn khoảng 60%), rồi tới loại B. Lễ hội xếp loại C thì nghĩa là gần như mất hẳn.
Lễ hội Tịch điền sau khi phục dựng đã được coi là “đặc sản lễ hội” của Hà Nam
Đơn cử, theo điều tra chúng tôi thực hiện năm 2000, khu vực ngoại thành Hà Nội cũ chỉ có 3 lễ hội loại đặc biệt, (Hội Gióng, hội vật cầu Thúy Liễu và hội rước vua sống tại Đông Anh) chiếm 0,6 % tổng số lễ hội của Hà Nội. Số lễ hội loại A còn giữ được ở đây là 155 lễ hội (gần 30%). Khu vực nội thành Hà Nội thì còn đáng buồn hơn, không có loại đặc biệt và chỉ có 25 lễ hội loại A (chiếm khoảng 23,1 %).
Theo tôi, khi thống kê và xếp loại xong, chúng ta có thể bảo tồn những lễ hội có giá trị nhất, đồng thời ưu tiên nghiên cứu phục dựng những lễ hội vẫn còn giữ được kha khá bản sắc riêng của mình. Trước mắt, mỗi tỉnh có thể chọn phục dựng cho mình một hoặc một vài lễ hội độc đáo nhất, để trước hết phục vụ nhu cầu trẩy hội của người dân địa phương. Đó là một quá trình dài và cần làm bài bản...* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Hoàng Nguyên (thực hiện)
Lãnh đạo Hà Nam cày tịch điền Ngày mai 9/2/2011 tức ngày 7 tháng Giêng năm Tân Mão, Lễ tịch điền (vua đi cày) sẽ được khai mạc tại xã Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam. Theo ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Hà Nam, năm nay lễ hội tịch điền sẽ được UBND tỉnh giao về cho huyện Duy Tiên tổ chức. Theo kế hoạch, kể từ năm 2011 lễ hội tịch điền sẽ được tổ chức với quy mô lớn 5 năm/lần, do UBND tỉnh đứng ra tổ chức, lãnh đạo Đảng và Nhà nước sẽ thực hiện nghi lễ cày tịch điền. Các năm còn lại được huyện Duy Tiên đứng ra tổ chức. Năm nay, các đồng chí lãnh đạo trong tỉnh Hà Nam sẽ thực hiện nghi lễ cày tịch điền. Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 7 - 9/2/2011 tức mùng 5 đến ngày 7 tháng Giêng Tân Mão, tại khu vực chùa Đọi, xã Đọi Sơn là nơi vua Lê Đại Hành thực hiện nghi lễ cày tịch điền năm xưa. 20 giờ 30 đêm qua (mùng 5), tại đình làng Đọi Tam đã diễn ra lễ Cáo Yết, khai mùa lê hội. Hôm nay (mùng 6) sẽ diễn ra lễ rước nước lên chùa Đọi Sơn, lễ sái tịnh, các trò chơi dân gian đu quay, cờ người, đấu vật, bịt mắt bắt dê, kéo co... Đúng 9 giờ sáng ngày mai (mùng 7), tại cánh đồng dưới chân núi Đọi sẽ diễn ra màn trống hội, dâng hương trước bàn thờ thần Nông và linh vị vua Lê Đại Hành, chính thức khai lễ tịch điền. Mạnh Cường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất