Truy nguyên về nguồn gốc nguyên thủy của Táo Quân

13/01/2023 07:55 GMT+7 | Văn hoá

Thực hành nghi thức thờ cúng Ông Táo trở thành tục lệ không thể thiếu vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm trong mỗi gia đình. Vậy, nghi lễ này là sự sao chép hay tiếp biến từ nguyên mẫu tục thờ phụng Táo Thần của Trung Quốc? Hay phải chăng nó còn có nguồn gốc khác?

Vào đầu thế kỉ trước, Paul Giran đã khẳng định trong cuốn Tín ngưỡng và phù thuật An Nam: "Với người An Nam, lửa được tôn thờ dưới hình hài của thần bếp. Vị thần này (Táo Quân) chắc chắn có nguồn gốc Trung Hoa; điều này có thể thấy rõ từ rất nhiều điểm tuơng đồng tồn tại giữa dáng vẻ của vị thần ấy ở Trung Hoa và ở An Nam".

Từ ngọn lửa mang những huyền thuật

Có lẽ bởi tên gọi Táo Thần hay Táo Quân và nghi thức cúng tế vị thần bếp trong văn hóa của hai quốc gia, cùng với ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Trung Hoa vào nước ta trong thời gian dài, nên đã khiến Giran suy luận như vậy về nguồn gốc thực sự của vị Ông Táo được thờ phụng ở Việt Nam.  

Truy nguyên sâu xa hơn về tục thờ thần bếp, vị thần này thì hẳn là xuất phát từ ý niệm nguyên thủy về ba trụ đất sét hay ba hòn đá cấu thành nên chiếc bếp nguyên thủy, và phát triển hơn là kiềng sắt với ba chân, tục xưa gọi còn là ba ông đầu rau.

Truy nguyên về nguồn gốc nguyên thủy của Táo Quân - Ảnh 1.

Hình tượng Ông Táo trong tranh dân gian Đông Hồ

Trú ngụ trong bếp là lửa - nhân tố đóng vai trò quan trọng trong đại đa số các nền văn minh trên thế giới, là yếu tố không thể thiếu trong đời sống từ xã hội nguyên thủy đến xã hội văn minh, phồn thịnh. Nó được sử dụng trong các hoạt động sinh hoạt thường nhật như nấu nướng, thắp sáng, sưởi ấm,… rồi đi vào trong các nghi thực hành tôn giáo, tín ngưỡng.

Những vật phẩm cúng tế như đồ mã, tranh đồ thế,… sau khi dâng cúng lên những vị thần thượng cấp hay những người quá cố ở thế giới bên kia, được con cháu ở nhân gian đem đi đốt, với niềm tin rằng trải qua quá trình thực hành tín ngưỡng, những đồ vật được làm từ giấy và tre ấy đã được phú cho tính chất tương tự đồ vật thật. Nên sau khi hóa vàng, những vật phẩm ấy sẽ được dâng tới cho bậc tiền hiền, tổ tiên ở thế giới bên kia để họ có thể thụ hưởng, sử dụng.

Vì vậy, lửa trở thành nguyên tố trung gian giữa hai thế giới hữu hình và vô hình, giữa con người ở cõi thực và đấng tối cao, gia tiên ở cõi thiêng.

Người Dao quan niệm, ngọn lửa bập bùng cháy trong bếp bên cạnh chức năng nấu ăn, giữ ấm cho không gian sinh hoạt trong mùa Đông giá lạnh ở miền núi, còn có chức năng phá tan những chướng khí bám theo người ta bước vào trong nhà.

Ngọn lửa đôi với người Kinh cũng có công năng thanh tẩy những uế nhơ đeo bám con người ta sau khi bước từ không gian uế nhơ như tiếp xúc với thi thể người chết, tham dự tang ma,…  trở về không gian sống thường nhật, tránh gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh.

Với những chức năng của lửa từ trong sinh hoạt đến thực hành tín ngưỡng, dân gian phú cho bếp lửa những yếu tố thiêng liêng và tôn thờ nó dưới dạng một vị thần. Theo nghiên cứu của PGS-TS Trần Hữu Sơn, Thần Bếp trong tâm thức người Hà Nhì được tôn kính như "bà chủ" trong gia đình, vị thần quyền năng thứ hai trong gia đình, xếp sau tổ tiên với chức năng cai quản gia đình và bảo vệ linh hồn của các thành viên trong gia đình cũng như gia súc, gia cầm.

Cũng xuất phát từ việc tìm ra lửa và sử dụng lửa trong nấu nướng, xua đuổi thú dữ, người Hán dần thiêng hóa ngọn lửa và hình thành tục thờ thần lửa ngay từ thời đồ đá cũ. Theo tiến trình lịch sử, hình tượng Táo Thần được sáng tạo tương đối hoàn chỉnh như ngày nay, có khả năng là sau khi người Hán biết hình thành gia đình, hoặc khi đã biết xây được bếp lò nấu ăn, bởi "táo" trong tiếng Hán Việt được hiểu là bếp lò.

Truy nguyên về nguồn gốc nguyên thủy của Táo Quân - Ảnh 2.

Phụ nữ người Dao nấu nướng bên bếp lửa. Ảnh có tính chất minh họa. Nguồn: internet

Cho tới hình tượng Ông Táo linh thiêng

Tôi cho rằng, kế thừa tục thờ thần bếp nguyên thủy và tiếp biến hình tượng Táo Thần trong văn hóa Trung Hoa, hình tượng Ông Táo trong văn hóa Việt dần được sáng tạo thêm và dần hoàn thiện chỉn chu hơn về mặt tạo hình, giới tính, chức năng, tính cách và cả huyền tích gắn với những vị thần này.

Từ ba hòn kê bếp, dân gian Việt Nam đã sáng tạo và lưu truyền câu chuyện về hai vợ chồng nghèo tên Trọng Cao và Thị Nhi lấy nhau đã lâu nhưng không có mụn con nào, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi nhau. Một hôm, Trọng Cao tức giận đã ra tay đánh vợ. Thị Nhi buồn bực bỏ nhà ra đi, sau đó gặp và phải lòng Phạm Lang. Cả hai nên duyên vợ chồng.

Sau khi Trọng Cao nguôi giận, chàng đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc mang theo tiêu hết, nên chàng đành phải đi ăn xin. Trọng Cao ăn xin ghé tới nhà Thị Nhi, cả hai nhận ra nhau. Thị Nhi đã rước Trọng Cao vào nhà và tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.

Truy nguyên về nguồn gốc nguyên thủy của Táo Quân - Ảnh 3.

Hình tượng Ông Táo trong văn hóa Việt dần được sáng tạo thêm. Ảnh: Internet

Khi biết Phạm Lang trở về, sợ chồng bắt gặp chồng cũ, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Đúng lúc đó, Phạm Lang đốt đống rơm lấy tro bón ruộng. Lúc này, Trọng Cao vì sợ không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi từ trong nhà chạy ra, thấy Trọng Cao đã chết trong đống rơm, nên nhảy vào chết theo. Phạm Lang vì luống cuống, liền nhảy vào đống rơm đang cháy.

Theo dị bản khác: một đôi vợ chồng Thị Nhi và Trọng Cao sống với nhau mặn nồng tha thiết. Một hôm vì nóng giận, Trọng Cao làm Thị Nhi uất ức bỏ đi. Thị Nhi lang thang đến một ngôi làng nọ gặp Phạm Lang, hai người phải lòng nhau và kết duyên vợ chồng. Về sau khi Trọng Cao nguôi giận vì quá thương nhớ Thị Nhi đã bỏ xứ đi tìm vợ về. Trọng Cao đi từ xứ này đến xứ khác, đến khi trong người chẳng còn gì mà vẫn không tìm thấy vợ, Trọng Cao lâm vào cảnh ăn xin để sống qua ngày.

Một ngày nọ, trong lúc xin ăn, Trọng Cao vô tình gặp Thị Nhi đang đốt giấy tiền vàng bạc trước nhà. Nhận ra chồng cũ, vì thương xót nên Thị Nhi mang gạo ra giúp đỡ. Phạm Lang trông thấy và tỏ lòng nghi ngờ Thị Nhi. Xấu hổ trước cái nhìn của Phạm Lang, nàng nhảy vào đống lửa tự vẫn. Trọng Cao và Phạm Lang đều vì tình thương với người phụ nữ xấu số mình từng chung chăn gối mà lần lượt nhảy vào cùng chết.

Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những dị bản nữa về câu chuyện tình nhiều trắc trở của hai ông và một bà. Nhìn chung, mô-típ về những câu chuyện này là hai vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn, khiến bà vợ bỏ đi. Bà gặp được người đàn ông mới, rồi kết hôn. Chồng cũ tìm thấy vợ mình. Bằng một nguyên do nào đó, một trong ba người chết cháy, hai người còn lại lần lượt chết theo, tỏ lòng thương cảm trước sự ra đi của của người mình yêu. Và rồi kết cục cho cả ba là ông Trời thấy họ đều là người sống có tình nghĩa, nên đã sắc phong chức Định Phúc Táo Quân, đồng thời giao cho Trọng Cao trông coi việc nhà cửa, Phạm Lang coi sóc việc bếp núc và Thị Nhi quản việc chợ búa.

Có nét "gặp gỡ" với Ông Táo của người Việt, khi Thần Bếp, hay Vua Bếp của người Mường cũng phân 3 ngôi gồm 1 bà và 2 ông. Họ được Vua Trời giao cho công việc canh giữ, cai quản bếp lửa của từng nhà trong cộng đồng mường bản.

Sau một năm đảm đương trọng trách được giao phó, ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các vị Táo Quân lại lên tấu trình với Ngọc Hoàng về những việc đã qua trong gia đình. Vào ngày này, mỗi gia đình lại sửa biện mâm cơm, đồ mã dâng cúng lên các Ngài trước khi họ lên Thiên đình. Từ việc làm như đã thành thông lệ vào mỗi năm, đã trở thành một tập tục vào mỗi dịp Tết đến xuân về, một nét đẹp trong văn hóa Việt Nam.

Nguyễn Phúc Nam Dương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm