13/01/2012 07:19 GMT+7 | Phim
(TT&VH) - Sau Vụ án ba phát súng nhận được nhiều lời chê hơn khen và Chuyện tình cây sơn trà mang đậm phong cách cũ, đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã tự đổi mới mình bằng Kim lăng thập tam thoa, tác phẩm thuộc thể loại chiến tranh đầu tiên trong sự nghiệp. Bộ phim, với kinh phí sản xuất lên tới gần 100 triệu USD, đã ra mắt hoành tráng hồi đầu tháng 12/2011 vừa qua.
Dựa trên cuốn tiểu thuyết 13 người phụ nữ Nam Kinh của nhà văn Nghiêm Ca Linh, Kim lăng thập tam thoa lấy bối cảnh tại thành phố Nam Kinh vào năm 1937 khi quân đội Nhật Bản xâm lược Trung Quốc. Thời thế, số phận và định mệnh vô tình đưa đẩy 14 kỹ nữ cùng nhóm học sinh trường dòng và anh chàng người Mỹ John (Christian Bale) ẩn thân trong một nhà thờ. Tại đây họ phải đấu tranh giữa sự sống và cái chết từng ngày khi mà quân lính Nhật đang làm chủ thành phố.
Đề tài về cuộc thảm sát Nam Kinh đã từng được các nhà làm phim Hoa ngữ đưa lên màn ảnh rộng vài lần mà Nam Kinh! Nam Kinh! (đạo diễn Lục Xuyên) là ví dụ gần đây nhất. Trương Nghệ Mưu thực hiện Kim lăng thập tam thoa để tưởng niệm 74 năm diễn ra cuộc thảm sát nhưng thật đáng tiếc, bộ phim chưa thể đáp ứng được kỳ vọng của người xem. Như mọi lần, ông vẫn giữ được thế mạnh của mình về quay phim, âm nhạc tuy nhiên điểm khiếm khuyết lớn nhất trong Kim lăng thập tam thoa lại nằm ở tuyến nhân vật.
Nếu như ông dành nhiều thời gian vào việc phát triển nhân vật John, để anh này thay đổi từ từ thay vì chỉ một đêm thì câu chuyện sẽ logic hơn. Trước đó, John là một người tham tiền, nghiện rượu, hám gái rồi sau một lần chứng kiến sự tàn bạo của quân đội Nhật anh bỗng nhiên biến đổi thành người tốt, giàu lòng nhân ái. Quá trình đó diễn ra quá nhanh khiến người xem chưa thực sự tâm phục khẩu phục. Ngoài ra, mối quan hệ (bất hòa rồi đùm bọc lẫn nhau) giữa 14 kỹ nữ và các em học sinh chưa được làm rõ khiến tính nhân văn của bộ phim giảm đi rất nhiều.
Đạo diễn: Trương Nghệ Mưu
Diễn viên: Christian Bale, Ni Ni
Thể loại: Tâm lý/Chiến tranh
Bù lại, phần quay phim lại được thực hiện khá tốt. Trương Nghệ Mưu kết hợp hài hòa giữa tone màu xám lạnh, pha chút vàng vọt chết chóc, thê lương của chiến tranh với sự màu mè, cầu kỳ thông qua hình ảnh các cô kỹ nữ, của tấm kính trên cửa sổ nhà thờ. Trường đoạn sử dụng phong cách máy quay cầm tay trong một cảnh rất dài chạy theo nhân vật rồi nhảy xuống sông tuy không mới nhưng vẫn tạo cảm giác rất mạnh cho người xem.
Dù còn để lại nhiều điểm thất vọng nhưng Kim lăng thập tam thoa vẫn là tác phẩm đáng để bạn thưởng thức.
Hoàng Phương
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất