Hà Nội T&T – B.Bình Dương: Chuyện xưa và nay

14/08/2015 14:41 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu lịch sử V-League là 10 năm đổ lại đây, họ là những đội bóng mạnh nhất, sở hữu nhiều danh hiệu nhất và thực sự “thuộc về nhau”. Cả 2 đều tôn thờ trường phái duy mỹ, ban đập tanh tách, kiểm soát trận đấu và kiểm soát cả kết quả. Về chiến lược đầu tư, tuy mỗi lúc mỗi khác, nhưng cơ bản, sức mạnh đồng tiền mang tính quyết định.

Chúng ta đang nói đến Hà Nội T&T và B.Bình Dương với trận đấu của mùa giải sẽ diễn ra ở Hàng Đẫy cuối tuần này.

1. Cũng như B.Bình Dương, Hà Nội T&T ở giai đoạn phôi thai rồi lên chuyên rất tích cực mua vào. Từ các ngôi sao đời đầu như Hồng Sơn, Công Vinh, Thạch Bảo Khanh, Hồng Minh, Tiến Dũng, Hồng Tiến, Văn Biển,… đến thế hệ hai với Sỹ Cường, Ngọc Duy, Văn Quyết, Thành Lương, Quốc Long,… Và tất nhiên, không thể không kể tới những ngoại binh chất lượng như Cristiano, Gonzalo, Samson…

Mua được toàn hàng khủng nhưng Hà Nội T&T có những bậc thầy về đàm phán và đó là lý do khiến quỹ chuyển nhượng của đội bóng này chưa bao giờ lọt vào hàng tốp đầu. Thành Lương rất rẻ, Văn Quyết gần như được cho không ở bản hợp đồng đầu, rồi tự nguyện gia hạn… Trường hợp của Samson, nếu Hà Nội T&T nhượng tiền đạo này cho Atletico Madrid năm 2011 thì có thể lời ngay nửa triệu USD.

Không chèo kéo, đi đêm hay phá giá thị trường, mà cầu thủ tự nguyện về đầu quân dưới trướng bầu Hiển, đấy là nhân thuật. Phần lớn những cầu thủ có đóng góp sau khi giải nghệ đều được sắp xếp cômg việc ở các tuyến trẻ (Bảo Khanh, Hồng Minh…) cũng gọi là có trước, có sau. Điều này giúp cầu thủ yên tâm cống hiến trong giai đoạn người đông việc khó và cuộc khủng hoảng thừa HLV không còn là dự cảm.

Việc cấy ghép để mỗi năm đôn chừng 3 – 5 người trẻ lên đội 1, trước là học việc, sau tạo tính kế thừa liên tục, giúp Hà Nội T&T không những duy trì được sự ổn định, lại tiết kiệm được quỹ chuyển nhượng. Đôi ba năm qua, sân Hàng Đẫy gần như không mua thêm, nhưng đội bóng này vẫn có thêm 1 chức vô địch và 2 lần á quân khác. Hà Nội T&T đã chuyển mình, không giống B.Bình Dương.

2. Nói về tiền và về sao số, không một đội bóng nào tại V-League có thể đọ được với đất Thủ. Mô hình bóng đá doanh nghiệp kết hợp địa phương ở Thủ Dầu Một đã hình thành hàng chục năm nay và vẫn chưa có biểu hiện già cỗi.

Từ vài năm qua, dù Becamex IDC vẫn có tiếng là nhà tài trợ chính, nhưng gần như không phải rót thêm vốn. Đấy cũng là do thiên thời, địa lợi mà Bình Dương có được.

Theo con số thống kê không chính thức, trung bình một năm đội bóng được bơm chừng 40 tỷ đồng. Công ty điều hành B.Bình Dương có nhiệm vụ tiêu tiền, chăm sóc đội bóng và nếu thiếu, thì cứ việc báo cáo, lúc ấy, Becamex IDC mới ra mặt. Thế mới nói, có thể đấu một trận với B.Bình Dương, nhưng không thể đấu bằng tiền.

Năm ngoái, Hà Nội T&T bất ngờ mất đà vào giai đoạn quyết định, để chức vô địch trôi vào đất Thủ. Các ông chủ của đội bóng Thủ đô cứ gọi là giận tím người, nhưng bóng đá là thế.

Nếu “giải quyết” được Hà Nội T&T như đã làm được trong trận lượt đi, B.Bình Dương xem như đã loại bỏ được một trong những đối thủ đáng gờm nhất trên đường đua. Ở chiều ngược lại, thầy trò HLV Phan Thanh Hùng cũng hạ quyết tâm không từ bỏ bất cứ cơ hội nào, dù nhỏ nhất. Khỏi phải nói, đây chính là trận đấu của cả mùa, chính là nấc thang danh vọng.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm