02/01/2012 13:11 GMT+7 | Bóng đá Việt
(TT&VH Cuối tuần) - Nắm chức Trưởng ban kỷ luật của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), mọi quyết định của ông Nguyễn Hải Hường có thể ảnh hưởng số phận một cầu thủ, một đội bóng và hơn thế nữa. Vẻ ngoài có chút lạnh lùng đúng công việc “Bao Công bóng đá”, nhưng thâm tâm và quan điểm của ông giáo ở khoa Bóng đá Trường đại học Thể dục thể thao Từ Sơn thể hiện rất rõ, mỗi bản án đều phải có tính nhân văn.
Nghề chọn người
* Hai chục năm với 5 nhiệm kỳ làm Trưởng khoa Bóng đá ở ĐH TDTT Từ Sơn, cơ duyên nào gắn ông với Ban kỷ luật VFF?
- Tính đến nay, tôi đã gần 40 năm theo nghiệp bóng đá. Sau khi kết thúc 3 năm học tại Đại học TDTT Leipzig (Cộng hòa Dân chủ Đức) tôi trở về đảm nhiệm chức trưởng môn bóng đá từ năm 1993. Đến đầu năm 2005, tôi được lãnh đạo VFF tiến cử chức vụ Trưởng ban kỷ luật. Thú thực tôi khoái làm ông giáo hơn vì nó hợp với năng lực và chuyên môn của tôi. Nhưng tổ chức tin tưởng và giao nhiệm vụ, tôi không thể từ chối. Tôi chỉ xin, chỉ biệt phái sang Ban kỷ luật (BKL), bởi tôi không thể bỏ nghề mà đi.
* Khó tránh khỏi thực tế không ít cầu thủ, CLB “ghét” ông. Ông nghĩ có oan cho mình không?
- BKL hiện có 5 thành viên và đa số là những luật sư có tên tuổi như chị Tú - Phó phòng Tư cách cầu thủ VFF, anh Sơn thuộc Hội Luật sư TP.Hà Nội, hay anh Cương là Chánh thanh tra Bộ Nội vụ... Bởi thế, mỗi quyết định đưa ra không phải mình tôi tự ý, mà thông qua cuộc họp bàn kỹ lưỡng. Tôi không chuyên luật, nhưng có điểm nhìn từ bóng đá, nên từng nói thẳng với các thành viên còn lại là không thể hình sự hóa bóng đá như ngoài đời được.
Bản thân mỗi quyết định đưa ra, các thành viên BKL đều phản biện quyết liệt. Nhiều trường hợp tôi còn đề nghị giảm án phạt, vì lỗi cầu thủ trong bóng đá khác với lỗi vi phạm ngoài xã hội. Tôi mở con đường cho người bị phạt trong quyết định, chứ không thù hằn, thân ai, không thân ai mà ra quyết định, nên tôi không nghĩ mình bị “ghét” cả.
Vui - buồn nghề “xử án bóng đá”
* Ông từng nói “án tại hồ sơ”. Việc BTC giải đưa hồ sơ chậm dường như làm ảnh hưởng quyết định của BKL? BTC giải trước như ông Ngô Tử Hà, Trần Duy Ly đều đưa án phạt trực tiếp, bây giờ gí cho ông cái công việc rất “xương xẩu” này.
- Mỗi khi xử án phải đầy đủ hồ sơ, chứ không thể dựa vào giả thuyết, nghi ngờ để tuyên bố. Bởi sau lưng cầu thủ, CLB còn có luật sư bảo vệ, nếu mình làm không đúng còn bị kiện ngược ấy chứ. Đã xử phải đối chiếu lời khai, kiểm tra việc đó có đúng không, trong khi cầu thủ, CLB liên tục di chuyển thi đấu, nên rất mất thời gian. Phần đông thành viên BKL làm việc kiêm nhiệm, đôi khi mỗi người bận một việc. Có khi chúng tôi phải họp đêm ở địa điểm trung gian để giải quyết rốt ráo án.
Lâu nay, báo cáo của giám sát, trọng tài rất chung chung, không có quan điểm rõ ràng. Chưa kể BTC giải cũ cũng sơ sài trong việc này. Thông thường, BTC giải gửi yêu cầu chậm và thiếu nhận xét rõ ràng, khiến BKL rất khó khăn để quyết định. Cuối cùng, chính BKL bị phê phán là chậm xử án, án nguội quá nhiều, dù chúng tôi cũng muốn đẩy nhanh mọi việc. Ban tôi cũng hay bị dư luận “mắng” oan.
* Đến lúc này, vụ án nào và bản kỷ luật nào ông nhớ nhất trong đời làm trưởng BKL của mình?
- Đầu nhiệm kỳ V của VFF (2005), tôi chính thức đảm nhận chức vụ bên BKL. Mới chân ướt, chân ráo, tôi đứng ra xử lý vụ bán độ ở SEA Games 24, rồi vụ Sông Lam Nghệ An mua chức vô địch năm 2001. Tôi vẫn buồn, day dứt trước khi đưa ra quyết định xử phạt Quốc Vượng, Văn Quyến thời điểm ấy. Tôi vốn người trong nghề nên tiếc cho 2 cầu thủ này. Nhưng khi họ sai lầm, BKL đưa ra án phạt đúng với tội. Sau này, tôi có giảm án cho họ, nhưng cả hai không lấy lại được phong độ như xưa nữa. Tiếc quá, người tài trong bóng đá đâu phải dễ tìm, nên xử lý kỷ luật rất trăn trở.
* Có vụ án nào ông xử được dư luận ủng hộ nhất?
- Vào năm 2008, Hội CĐV Sông Lam và Hải Phòng xô xát lớn tại sân Vinh. Kết quả, một người dân Nghệ An vô tình bị xe tông chết. Quyết định cuối cùng của BKL là treo quyền tổ chức thi đấu sân Vinh đến hết giải. Dư luận không đồng tình vì cho rằng xử thế quá nhẹ. Nhưng tôi nói thẳng sao là nhẹ, sao là nặng. Bởi án phạt ấy không chỉ làm mất hình ảnh sân Vinh, mà còn quyền lợi kinh tế, họ lỗ cả chục tỷ đồng không ít. Đúng sau này, các giải trẻ, lẫn V-League không được tổ chức, CĐV Nghệ An cũng không được đến sân, lãnh đạo CLB thừa nhận đội bóng mất rất nhiều thứ, chứ không phải chỉ đơn giản chuyện xử phạt. Và phải đến lúc đó, dư luận đánh giá án phạt của BKL là đúng người, đúng tội.
* Vậy điều ông mừng nhất sau những án phạt mà mình đưa ra là gì?
- Dù đang đảm nhiệm chức vụ trưởng BKL, thâm tâm tôi vẫn là một ông giáo. Bởi thế, án phạt đưa ra, tôi mong nhất là người chịu phạt sẽ “phục thiện”. Như cầu thủ Đặng Ngọc Tùng của CLB TP.HCM bị tôi treo giò cuối mùa trước vì tội chửi trọng tài. Dư luận bảo án thế quá nặng, nhưng tôi, người trong cuộc mới biết cầu thủ này có thói quen ra sân là hay thách thức, chửi bới trọng tài. Sau khi lấy được bằng chứng, tôi mới xử nặng cầu thủ này, để làm gương cho cầu thủ khác. Và tất nhiên, BKL cũng giảm án để tạo đường sống cho cầu thủ, khi Ngọc Tùng đã ăn năn, hối cải thực sự. Tôi cũng nghe nói bây giờ Tùng cũng chín chắn hơn.
Ngay như trường hợp Hội CĐV Nghệ An, Hải Phòng cũng có những sự thay đổi tích cực sau những án phạt chúng tôi đưa ra. Năm 2011, Hội CĐV Nghệ An được bầu Hội CĐV của năm. Còn khán giả Hải Phòng, Thanh Hóa không còn tái diễn các vụ bắn pháo hoa nữa.
Hy vọng VPF không theo lối cũ
* Ông tiên liệu công tác của BKL trong mùa giải mới ra sao, sau sự ra đời của VPF?
- Hiện nay, tôi không nằm trong Ban lãnh đạo của VPF. BKL nằm tách riêng về mặt quản lý và hoạt động. Trong những cuộc trao đổi với các lãnh đạo VPF, như anh Phạm Ngọc Viễn, Trần Duy Ly, Nguyễn Hữu Bàng, tôi đánh giá rất cao sự quyết tâm của VPF. Nhưng đây là một cơ chế mới được ra đời nên trong nỗ lực chống tiêu cực và những hành vi phi thể thao không dễ thành công ngay được. Đó mới chỉ là mặt tuyên bố, chứ chúng ta cần kiểm chứng qua thời gian.
Thời điểm vừa qua, VPF cũng mời BKL vào cuộc để cải tổ nền bóng đá Việt Nam. Tôi sẵn sàng ủng hộ và cử thêm thành viên từ BKL sang hỗ trợ cho VPF. Nhưng tôi đã nói ở trên, BTC giải 2012 cần phải thực hiện nhanh khâu hoàn thiện hồ sơ một cách nhanh nhẹn, trung thực, công tâm các hiện tượng nổi cộm, để cùng BKL đưa ra quyết định xử phạt. Chưa kể công tác báo cáo từ giám sát, trọng tài cũng phải cải tổ.
* Super League 2012 chưa khởi tranh, nhưng 3 vụ lộn xộn trên sân Kiên Giang, Thống Nhất, Ninh Bình đã xảy ra. Ông dự đoán sao về giải năm nay, nhất là tình trạng bạo lực sân cỏ?
- Hiện nay chúng tôi đã có báo cáo chi tiết từ 3 trận đấu này và chắc chắn sẽ xử phạt nặng với những cá nhân tham gia vụ ẩu đả. Mùa giải mới, mọi thứ đang có tiến triển nhưng không thể nói trước điều gì. Và qua những diễn biến nóng bỏng ở 2 loạt đấu tại Cúp Quốc gia, BTC giải lẫn BKL đều sẵn sàng vào cuộc để xử lý các vụ việc.
Ngoài việc có hình thức xử lý răn đe các vụ án xảy ra, để tránh tiêu cực tái diễn, việc tăng cường giáo dục cầu thủ và lãnh đạo các đội có ý thức tốt hơn trong khi ra sân thi đấu. Thời điểm này, BKL đang sửa đổi quy định kỷ luật với sự góp ý từ các CLB, cũng như đúc rút kinh nghiệm xử lý sau mỗi mùa giải. Đây là cẩm nang luật để cho BKL có thể dựa vào các khung để xử lý khi cầu thủ, đội bóng vi phạm một cách thuyết phục.
* Hơn 6 năm lăn lộn trong nghề “xử án bóng đá”, tâm nguyện lớn nhất của ông là gì?
- Từ trước đến nay, tôi chỉ mong BKL của mình thất nghiệp. Nhưng đó là ước mong không tưởng bởi giải đấu nào cũng có đầy rẫy những hiện tượng, vụ việc cần xử lý. Tôi rất mừng khi thời gian qua có nhiều luật sư sẵn sàng vào cuộc hỗ trợ BKL giải quyết các án điểm. Tuy nhiên, người trong BKL, không chỉ thông tường về luật, mà còn phải là người có chuyên môn trong bóng đá.
Thời gian qua, tôi cũng đang tìm thêm những người kế nhiệm có đầy đủ 2 yếu tố trên để trao “ấn kiếm”, nhưng vẫn chưa thỏa tâm nguyện. Tôi cũng mong dư luận vừa đồng cảm, vừa chung tay góp sức để giải đấu chúng ta ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, các bộ phận tham gia các giải đấu cần có ý thức chuyên nghiệp để BKL chúng tôi “thất nghiệp” đúng nghĩa.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Mộc Miên(thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất